Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con đường ngày xưa chúng tôi cùng tới lớp

Men theo vệ cỏ non xanh mỡ màng, những bàn chân nhỏ rộn ràng tới lớp. Bỗng đâu, một đứa trong đám trẻ giật nảy mình.Thì ra, giọt sương sớm vừa rơi vào vai áo.


Lâu lắm rồi tôi mới về quê. Con đường nhỏ quanh co dẫn lên đê, rồi cứ đi mãi là ra thị trấn, cuối cùng cũng được đổ nhựa. Người ta bảo, đó là con đường đất cuối cùng của cái xã nghèo này. Các bà, các bác trong làng vui lắm, vì từ nay ngày mưa gió có đi đâu cũng đỡ bẩn chân.

Hai bên đường, những viên đá dăm li ti vẫn còn sót lại khá nhiều. Thi thoảng, có viên to bằng đầu ngón tay, mấy đứa trẻ nhà ngay mặt đường vội vàng nhặt lấy để chơi ô ăn quan, quê tôi thường gọi là “chơi chùa”. Con đường này vắng người qua lại, nên mỗi buổi chiều nó đã trở thành sân chơi của bọn nhóc. Nhìn những mái tóc hoe vàng dưới nắng, tôi khẽ mỉm cười.

Ngày bé, tôi và đám thằng Duy, cái Hiền đã từng ước ao: “Không biết khi nào con đường này mới được đổ nhựa như ở ngoài thị trấn”. Nghe thấy thế, thằng Duy hào hứng bảo: “Bố tao nói bao giờ bọn mình học cấp ba, chắc đường ở quê đổ nhựa hết”. Chúng tôi cứ thế hồn nhiên lớn lên, rồi rời ngôi làng bé nhỏ. Trước khi đi, đứa nào cũng ngoái nhìn con đường nhỏ mấp mô gạch đá.

Con duong ngay xua chung toi cung toi lop anh 1
Con đường làng đã chứng kiến bao hồn nhiên của tuổi ấu thơ. Ảnh: Báo Nghệ An. 

Bao kỉ niệm của một thời thơ bé vô ưu đều ghi dấu trên con đường ấy. Mỗi buổi sáng, trẻ con trong xóm lại í ới gọi nhau đi học. Đầu xóm, chỉ có vài đứa, đến cuối xóm người ta đã thấy cả một bầy lít nhít rồng rắn nối đuôi nhau tới lớp. Thời đó, đường làng còn thông thoáng, lác đác vài cái xe máy, nên trẻ con dắt díu nhau đi bộ là chính, chẳng phải đưa đón như bây giờ.

Đoạn đường khoảng một cây số, mà có hôm cả bọn đi nửa tiếng mới đến nơi, tất cả cũng vì tội mải chơi. Đi qua cổng nhà ai, thấy cái gì hay hay, mấy đứa cũng dừng lại ngó nghiêng một chút. Khi thì xuýt xoa vì một bông hoa thược dược rực rỡ, lúc lại thèm thuồng chùm dâu da chín đỏ, hay quả mít đang ươm mật, đã nở gai trên cành.

Nhà nào không có chó thì chẳng sao, cứ đứng xem thoải mái. Nhưng hễ nghe tiếng chó sủa là cả đám ù té chạy. Mặc dù căn nhà đó cửa đóng then cài, con chó to tướng có chạy ta thì cũng chỉ chưng hửng đứng nhìn. Đôi khi, gặp một vài người khó tính, họ cũng không thích lũ trẻ con dòm ngó nhà mình. Có lẽ sợ chúng tôi hái mất mớ quả non đang lúc lỉu trên cây.

Con duong ngay xua chung toi cung toi lop anh 2
Hoa xấu nở đầy trên con đường ngày ngày chúng tôi tới lớp. 

Đoạn đường ngắn ngủi đó mang đến cho chúng tôi vô khối trò hay ho. Bọn con gái thì thích hái hoa dại. Những bông hoa mười giờ, hoa tóc tiên, hoa bấn đỏ luôn là sự lựa chọn số một. Thi thoảng, chúng tôi còn ngắt cả hoa xấu hổ, hay hoa mùi cua để chơi, mặc kệ những cái gai chi chít, không cẩn thận là chân tay xước xát tay chân, rồi về đến nhà lại no đòn.

Nhưng thứ chúng tôi thích nhất, vẫn là cây cơm nếp. Không phải là thứ lá nếp màu xanh, thơm lừng vẫn hay dùng để đồ xôi, nấu chè. Ở quê tôi, cơm nếp là một thứ cỏ dại, màu xanh ngắt, hao hao giống lá hẹ, nhưng nhỏ hơn. Đến mùa hè, bụi cơm nếp nở ra một bông hoa trắng bé tí, giống hệt hoa bồ công anh. Lá cây có mùi thơm nhẹ, lũ trẻ con vẫn hái để xát vào tay rồi hít hà. Lớn lên, đi nhiều nơi, nhưng tôi hiếm khi bắt gặp thứ hoa cỏ dịu dàng ấy.
Buổi chiều, khi đám trẻ con tan học cũng là lúc người lớn đi làm đồng về.

Thấy các cô, các bác, đứa nào cũng cố gắng chào thật to để được khen ngoan. Mấy con bò đủng đỉnh vừa đi vừa gặm cỏ. Buồn cười nhất vẫn là lũ bê con. Nghe tiếng chúng tôi la hét, hay í ới gọi nhau là giật mình hoảng hốt đi tìm mẹ, như thể vừa bị ai hù dọa. Cứ nhìn thấy cảnh đó là tôi và lũ bạn lại ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Để đến trường, chúng tôi phải đi qua đê. Ngày đó, con đê gần nhà trồng rất nhiều dừa. Thỉnh thoảng, lại có tàu dừa khô rụng, nằm chỏng chơ giữa đường. Mấy đứa hoan hỉ cùng nhau kéo về nhà cho bà đun bếp. Lâu lâu, đứng trên đê, chúng tôi hau háu nhìn những quả dừa khô rụng, đang nổi lềnh bềnh trên mặt sông. Đứa nào cũng ước mình biết bơi để có thể nhặt dừa rụng.

Con duong ngay xua chung toi cung toi lop anh 3
Kí ức có màu hồng ngọt ngào của những khóm tóc tiên. Ảnh: Tronghoa.vn

Lên cấp ba, cái Hiền đậu vào chuyên Toán trường Lam Sơn. Trong ngày chia tay, mắt nó thoáng buồn. Giờ đây, cô bạn nhỏ phải đi học xa nhà, ngày ngày, nó không được sóng bước cùng chúng tôi đến lớp. Đám trẻ nít ngày nào đã lớn hết, còn con đường năm xưa vẫn gập ghềnh đá sỏi. Mắt Hiền nhòe đi, khi nghĩ về con đường ồn ã nơi phố thị. Hào hoa đó, nhưng chắc chắn sẽ có những phút cô đơn.

Tối nọ, Hiền và Duy cùng nhắn tin cho tôi. Chúng nó vừa mới gọi điện về nhà và được nghe mẹ kể về con đường nhựa mới làm. Đứa nào cũng hào hứng như thể được chứng kiến một kì quan xa lạ. Tôi bật cười trước lũ bạn từ thời ấu thơ, chúng vẫn hồn nhiên như thuở lên chín, lên mười cùng nhau cắp sách đến trường làng. Lớn lên, đứa nào cũng mê mải ở phương xa, cả năm mới về quê được mấy lần, không hiểu sao vẫn vui đến thế.

Trước khi về với phố, tôi tha thẩn dạo quanh con đường nhỏ, rồi đi bộ tới trường. Lâu lâu, tôi dừng lại bên vệ cỏ, đưa mắt tìm những con cào cào xanh mập mạp đang mải mê chơi trốn tìm. Xa xa, có bụi xấu hổ nở hoa hồng nhạt, cạnh đó là mấy bông hoa mùi cua vàng ươm. Cảm ơn chúng, đã giữ giúp tôi một phần thơ ấu.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm