Tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế là điều mà ngành kế hoạch và đầu tư - cơ quan được ví như "tổng tham mưu trưởng" - luôn tiên phong trong nhiệm kỳ qua.
GS Michael Porter, Đại học Harvard (Mỹ), được mệnh danh là cha đẻ của chiến lược cạnh tranh, là một trong những bộ óc quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới. Ông được nhiều quốc gia, doanh nghiệp săn đón để tư vấn chiến lược phát triển, nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu.
Vào những ngày cuối cùng của năm 2008, lần đầu ông đến Việt Nam và chủ trì một hội thảo về chiến lược cạnh tranh toàn cầu. Vé hội thảo khi đó được bán với giá thấp nhất là 500 USD, nhưng vẫn khó có thể mua được trong hội trường giới hạn chỗ.
Sau đó 2 năm, vào năm 2010, GS Michael Porter chính là người chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện “Báo cáo Năng lực cạnh tranh 2010”, bản báo cáo cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Khi đó, ông đã chỉ ra 3 điểm yếu “cốt tử” của kinh tế Việt Nam là năng suất lao động thấp, thiếu kinh tế cụm ngành và chính sách kinh tế vĩ mô không ổn định.
Ông nhấn mạnh mô hình phát triển của Việt Nam đã lỗi thời, do đó Việt Nam cần sớm đưa ra một mô hình phát triển mới.
Đi tìm, đổi mới mô hình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia là điều mà Chính phủ đã làm rất thành công nhiệm kỳ qua. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho ngành kế hoạch và đầu tư (KHĐT), cơ quan được ví như “tổng tham mưu trưởng” của Chính phủ trong việc tiên phong đi tìm và giải quyết những vấn đề mới của kinh tế Việt Nam.
Bước vào năm 2016, cũng là năm đầu nhiệm kỳ 2016-2020, kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng từ năm 2015. Khi đó, quy mô kinh tế đến hết năm 2015 đã vượt 200 tỷ USD và đạt 204 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người cũng vượt 2.200 USD. Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nền kinh tế có thu nhập thấp và thuộc nhóm thu nhập trung bình (vượt 1.000 USD/người).
Tuy vậy, Việt Nam vẫn thuộc nhóm có thu nhập trung bình thấp (1.000-4.000 USD). GDP đầu người vẫn thấp hơn Singapore 24 lần, kém Brunei 13 lần, kém Malaysia 4 lần, thấp hơn Thái Lan 3 lần…
Năng suất lao động của Việt Nam khi đó cũng thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á, chỉ vượt qua Lào, Campuchia. Trong khi nguy cơ đối mặt trước mắt là tình trạng già hóa dân số, hay nói cách khác là rơi vào bẫy thu nhập trung bình, “chưa giàu đã già”.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chia các quốc gia thành 3 giai đoạn phát triển: Các nền kinh tế dựa trên các yếu tố sản xuất sẵn có; các nền kinh tế lấy hiệu quả là động lực phát triển và các nền kinh tế lấy đổi mới, sáng tạo là động lực. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam khi đó đang ở cuối giai đoạn 1 và đầu giai đoạn 2, nghĩa là kinh tế chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ.
Giáo sư Michael Porter khi đến Hà Nội cho rằng: “Việt Nam không thể thành công nhờ nhân công giá rẻ. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm được phân khúc thị trường mà mình có ưu thế và tận dụng cơ hội để vươn ra thị trường khu vực (ASEAN). Đừng quá dựa dẫm vào lực lượng nhân công giá rẻ để phát triển”.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng để vượt qua giai đoạn 1 và sang nhanh giai đoạn 2, nền kinh tế Việt Nam phải thay đổi. Nghĩa là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, với mục tiêu chuyển nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.
Trong hội nghị tổng kết năm 2016 của ngành kế hoạch và đầu tư, cơ quan “tổng tham mưu trưởng” của Chính phủ về chiến lược, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhắc đến 3 thách thức sẽ “đeo bám” Việt Nam trong thời gian dài, đó cũng là những thách thức khó khăn nhất. Việc đối mặt, vượt qua những thách thức cũng là nhiệm vụ của Chính phủ, của ngành KHĐT.
Thứ nhất, ông chỉ ra nguy cơ kinh tế bị tụt hậu, do đó cần vượt qua bẫy thu nhập trung bình; thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Điển hình như so với Thái Lan, Việt Nam phải mất 16 năm để đuổi kịp. Đất nước đã thay đổi, nhưng phát triển dưới tiềm năng và khả năng cho phép.
“Chúng ta cần hiểu rằng các nước đứng trên sẽ không dừng lại để chờ chúng ta vượt và các nước phía sau lại đang có sự cải cách mạnh mẽ. Họ sẽ không chịu đứng sau và sẽ sớm vượt qua Việt Nam nếu chúng ta không có sự bứt phá, cứ bước đi những bước chậm chạp”, ông nói.
Thách thức thứ hai là biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ diễn ra với tần suất nhiều hơn, khả năng tàn phá sẽ lớn hơn. Ứng phó với biến đổi khí hậu là không đơn giản, đòi hỏi không chỉ ở giải pháp phù hợp mà còn cần phải có nguồn lực rất lớn.
Nếu không thì mọi thành quả, mọi cố gắng, nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị phá hủy trong chốc lát, trong khi để khắc phục phải mất nhiều năm, chưa nói đến phát triển trở lại còn lâu hơn nữa.
Thách thức thứ ba là hội nhập quốc tế. Do đó, phải giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định đường lối xây dựng một nền kinh tế “độc lập, tự chủ”, phải tận dụng thời gian, chắt chiu từng cơ hội, tự đổi mới, tự vươn lên thì mới có khả năng vượt qua được thách thức này.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam đã không còn là quốc gia nghèo, chậm phát triển; nhưng chặng đường đang phát triển để tiến tới một quốc gia giàu mạnh còn rất dài. Nếu phải mất 25 năm đổi mới để đạt tư cách “đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp”. Do đó, ông đặt câu hỏi: “Để trở thành một nước thu nhập trung bình cao và nước phát triển, sẽ phải mất nhiều hơn thế, sẽ là tầm nhìn 30-50 năm. Làm thế nào để rút ngắn được thời gian này?”.
Để rút ngắn, ông nhấn mạnh phải có những bước đột phá mới, những động lực tăng trưởng mới, để Việt Nam vừa có thể đi nhanh, vừa có thể đi bền vững.
Để đo lường sức khỏe của một nền kinh tế, các nhà kinh tế học thường dùng đến những chỉ số quan trọng như lạm phát, biến động tỷ giá, tỷ lệ thất nghiệp, tốc độ tăng trưởng GDP… Một nền kinh tế có sức khỏe tốt sẽ tạo sự ổn định hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân, đủ sức chống chịu với các biến động từ bên ngoài.
PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ được đặt trên vai “nhiệm vụ kép”, trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn là những vấn đề đang phải đối mặt, Chính phủ phải làm sao ổn định được kinh tế vĩ mô, nghĩa là tạo cho nền kinh tế một “sức khỏe tốt”, đảm bảo các cân đối lớn.
Còn về dài hạn, nền kinh tế sẽ phải đi nhanh hơn để rút ngắn khoảng cách với các nước khác, tránh tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đưa kinh tế Việt Nam vươn lên mạnh mẽ. “Vừa phải lo vấn đề trước mắt, vừa phải tìm những động lực tăng trưởng cho dài hạn. Đó là bài toán lớn”, ông nói.
Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017, nghĩa là khoảng nửa năm sau khi Chính phủ mới hoạt động, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh mục tiêu được đặt lên hàng đầu của Chính phủ lúc đó là “ổn định kinh tế vĩ mô”.
Thực tế nhiệm kỳ qua, “ổn định kinh tế vĩ mô” là một trong những thành công trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Các cân đối lớn của nền kinh tế được duy trì và đảm bảo. Tăng trưởng GDP duy trì mở mức 6-7%/năm, thuộc hàng cao trong khu vực và trên thế giới.
Tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, trong khoảng 2,6-3,5%/năm. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, có giải pháp điều tiết thanh khoản hợp lý. Tỷ giá trung tâm các năm 2016-2019 chỉ tăng khoảng 1,2%. Đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của các đối tác thương mại. Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 92 tỷ USD vào cuối năm 2020, là con số chưa từng có.
Khi được hỏi đâu là điều ấn tượng nhất với nền kinh tế trong nhiệm kỳ qua, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng, nhắc đến 2 yếu tố là ổn định kinh tế vĩ mô và thặng dư cán cân vãng lai thương mại.
Việc ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sức khỏe tốt cho nền kinh tế đã được minh chứng sau tác động của dịch Covid-19 năm 2020. Trong bối cảnh các nước gặp nhiều khủng hoảng, kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, thậm chí tăng trưởng dương, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, đánh giá nền tảng của kinh tế Việt Nam rất tốt, nên đủ sức chống chọi với cuộc khủng hoảng Covid-19. Vị này cho biết Chính phủ đã sử dụng các quỹ dự trữ tích lũy được từ trước cuộc khủng hoảng Covid-19 để bù đắp thâm hụt ngân sách. Thanh khoản dồi dào trên thị trường trong nước đã cho phép Kho bạc Nhà nước vay vốn với lãi suất hấp dẫn.
Trong khi đó, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP cao hàng đầu khu vực và trên thế giới. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Đây cũng là một trong những thành công mang dấu ấn đậm nét của điều hành kinh tế vĩ mô trong nhiệm kỳ qua.
Đầu năm 2016, báo cáo Việt Nam 2035, nhân dịp 50 năm sau Đổi mới, được công bố dưới sự hỗ trợ của WB. Trong đó, WB xác định đến năm 2035, Việt Nam thuộc nhóm thu nhập trung bình cao, nghĩa là vượt 8.000 USD/người.
Trong khi đó, nhân dịp Quốc khánh lần thứ 75 (tháng 9/2020), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra những mục tiêu rất rõ ràng, hướng tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI chứ không chỉ một hay vài nhiệm kỳ sắp tới.
Theo đó, năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, khi đó Việt Nam là nước thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
PGS Bùi Quang Tuấn cho rằng để đạt được những mục tiêu trên, không còn cách nào khác là kinh tế Việt Nam phải đạt tăng trưởng cao, trong nhiều năm liên tục. Muốn vậy, Việt Nam phải hướng đến những động lực tăng trưởng mới, bền vững hơn, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, năng suất lớn hơn.
Nói với Zing, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong thời gian tới của kinh tế Việt Nam phải là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không còn cách nào khác, Việt Nam phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, để tiến lên những nấc thang mới của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Đó cũng là điều mà Bộ KHĐT luôn hướng đến trong nhiệm kỳ qua.
Những ngày đầu năm 2021, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công tại khu công nghệ cao Hòa Lạc với hy vọng trở thành “cái nôi” của đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Tại đây một triển lãm quốc tế về đổi mới sáng tạo cũng được tổ chức, để trình diễn những thành tựu mới nhất của đổi mới sáng tạo. Đây được coi là bước đi tiên phong của ngành KHĐT, trong việc đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhìn tổng thể cả nền kinh tế, việc tái cơ cấu cũng đang được diễn ra mạnh mẽ. Ngành nông nghiệp dần chuyển sang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất và chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho nông sản. Ngành công nghiệp thì dần tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành dịch vụ đang tiến tới những dịch vụ mang đẳng cấp quốc tế, thậm chí, một trung tâm tài chính quốc tế cũng đang được xúc tiến xây dựng tại TP.HCM với sự ủng hộ mạnh mẽ của ngành KHĐT.
Việc tìm kiếm những động lực mới được tiến hành song song với khơi thông những động lực cũ, khơi thông những dư địa vốn có của nền kinh tế. Những dự địa vốn có, có thể làm tốt hơn là đầu tư tư nhân, đầu tư công, thể chế, hạ tầng...
TS Trần Hoàng Ngân đánh giá cao ngay đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã rất quan tâm đến kinh tế tư nhân, coi đây là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Ông cho rằng kinh tế tư nhân là một dư địa rất lớn, cần chính sách để khơi thông, phát triển đất nước.
Ngay những ngày đầu nhiệm kỳ mới, Chính phủ đã tổ chức “hội nghị Diên Hồng” với cộng đồng doanh nghiệp. Tại đây, thông điệp được phát đi là Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, coi doanh nghiệp tư nhân là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp 42% vào nền kinh tế.
Chính phủ cũng đề ra việc cải cách mạnh mẽ thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đây được coi là một trong những dư địa lớn, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Song song nguồn lực trong nước, để thu hút đầu tư ngoài nước, ngành KHĐT tham mưu Chính phủ, trình Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng", bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh".
Đáng chú ý, Việt Nam sẽ định hướng thu hút chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài có tính lan tỏa cao, công nghệ hiện đại, gắn kết với doanh nghiệp trong nước, bảo vệ môi trường…
Về đầu tư công, Luật Đầu tư công sửa đổi đã được Quốc hội thông qua năm 2019 cũng khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nền tảng của sự phát triển cũng được hiện thực hóa trong Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017. Trong đó nội dung chính nhằm hạn chế các tiêu cực trong quy hoạch, bỏ tư duy quy hoạch theo “nhiệm kỳ”, lập quy hoạch tích hợp…
Bên trong hội trường lớn của Bộ KHĐT những ngày đầu năm 2017 có một sự kiện đặc biệt. Một buổi chia sẻ tầm nhìn của một cơ quan Chính phủ được tổ chức, nhưng rất nhiều người trong cộng đồng yếu thế được mời đến.
Tại đó, chính những người khiếm thị, khiếm thính làm chủ những dàn đồng ca, những bài múa… không thua kém bất kỳ ban nhạc chuyên nghiệp nào. Khung cảnh gây bất ngờ, trầm trồ khắp khán phòng. Tại đây, Bộ KHĐT như phát đi một thông điệp rằng người yếu thế cũng có thể làm được những điều phi thường, họ có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước, mà không phải là gánh nặng cho xã hội.
Khơi dậy khát vọng, khơi dậy động lực của từng cá nhân, từng con người, dù họ làm nghề gì, độ tuổi nào, sức khỏe ra sao… là điều mà Bộ KHĐT luôn hướng đến, mà mọi chính sách đều hướng đến chính những con người như vậy.
Trong diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2018, khung chính sách phát triển Việt Nam lần đầu được công bố. Theo đó, Chính phủ nhấn mạnh mọi chính sách đều lấy người dân là trung tâm, và chính người dân được thụ hưởng từ những chính sách đó.
Đó cũng là nội dung tư vấn của GS Micheal Porter với Việt Nam. Ông cho rằng trong cạnh tranh, không nên chỉ coi trọng nặng về kinh tế, mà cần quan tâm hài hòa về vấn đề xã hội. “Đây được coi là 2 cán cân, cần được cân bằng cùng có lợi, không chỉ nghiêng về một phía. Đó là điều rất đáng lưu ý cho Việt Nam trên con đường phát triển”, ông chia sẻ.
Cân bằng 2 cán cân phát triển kinh tế, nhưng cũng chú trọng các vấn đề xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng là điều mà cơ quan “tổng tham mưu trưởng” luôn chú trọng. Nhiều năm qua, hàng loạt hoạt động được triển khai, tập trung vào 8 nhóm yếu thế mà Bộ bảo trợ và phát triển Hành trình cây gậy trắng cho người mù Việt Nam trên các địa phương trên cả nước; công bố chương trình Sức sống Việt Nam, phát động chương trình Mỗi người dân là một sứ giả...
Đồng thời Bộ tiến hành chuỗi hoạt động từ thiện trải dài trên cả nước, nổi bật với Chương trình xoá 500 nhà tạm cho huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Nguồn lực con người cũng là điều mà Bộ KHĐT nhấn mạnh trong những năm qua. Theo đó, phải làm sao khơi dậy được khát vọng phát triển, khơi dậy niềm tự hào trong chính mỗi người dân, từ đó có thể xây dựng và phát triển đất nước.
GS Thomas Valley của trường Harvard Kennedy School, khi đến Hà Nội cho rằng sinh viên giỏi là “mỏ vàng” của Việt Nam. Ông nhấn mạnh thời điểm này Việt Nam nên có chính sách rõ ràng, thu hút nhân lực chất lượng cao trở về nước.
Một mạng lưới đổi mới sáng tạo, kết nối những nhân tài người Việt khắp nơi trên thế giới đã được ra mắt vào năm 2018. Mạng lưới này giúp tận dụng nguồn nhân lực được ví như “mỏ vàng” là những người Việt Nam, hay bất cứ người nào muốn đóng góp cho Việt Nam. Những hoạt động của mạng lưới đổi mới sáng tạo đang ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Nói với Zing, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn so với các cách thức truyền thống. Cần thiết phải chuyển đổi nền kinh tế sang đổi mới sáng tạo, chú trọng vốn con người, phát triển hạ tầng, sinh kế cho người dân, cải thiện năng suất, phát triển bao trùm, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Ông cũng nhấn mạnh “Thời gian là vàng nhưng cũng là kẻ thù”. Là vàng khi chúng ta tận dụng được thời gian để hành động đúng, vươn kịp thời đại. Là kẻ thù khi chúng ta để nó trôi đi vô nghĩa. Thời gian không chờ đợi. Thời gian trôi đi đồng nghĩa cơ hội cũng trôi đi, tận dụng được thời gian, cũng là tận dụng cơ hội”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong dịp kỷ niệm 75 ngành KHĐT đã nói rằng Bộ KHĐT phải có tầm nhìn xa hơn các bộ ngành khác, phải là Bộ đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới.
“Bộ, cơ quan nào sẽ tiên phong tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong việc cụ thể hóa và thực hiện thành công các mục tiêu nếu không phải là Bộ KHĐT? Đó chắc chắn là Bộ KHĐT!”, Thủ tướng nhấn mạnh.