Cuộc sống luôn vận động, biến đổi không ngừng vì thế thay đổi thế nào để có thành quả, tạo nên dấu ấn là câu hỏi mỗi người thường đặt ra. Thay đổi còn giúp con người tránh khỏi tình trạng thụ động, nhàm chán.
Làm thế nào để thay đổi, tạo nên cuộc cách mạng của bản thân? Nhà giáo dục Giản Tư Trung sẽ giải đáp phần nào trăn trở đó trong buổi tọa đàm Cách mạng bản thân - Đâu là đích đến và con đường.
Tác giả Giản Tư Trung ký tặng sách tại buổi tọa đàm. Ảnh: T.D. |
Qua những bài học, phương pháp đúc kết từ hai cuốn sách Đúng việc - một góc nhìn về câu chuyện khai minh (ấn phẩm được tuyển chọn từ Tủ sách Phát triển Giáo dục của Viện IRED) và 7 Thói quen hiệu quả (ấn phẩm được tuyển chọn từ tủ sách Doanh trí của Trường PACE), ông mang đến cho người tham dự một góc nhìn và các giải pháp mang tính gốc rễ về sự thay đổi.
Theo tác giả, mỗi cá nhân là đơn vị nhỏ nhất và cũng là nền tảng nhất cho một gia đình, một tổ chức và rộng hơn là một xã hội. Do vậy, tổ chức muốn có sinh khí mới, xã hội muốn bước sang thời đại mới, tất cả đều nên bắt nguồn từ công cuộc “cách mạng bản thân” của mỗi người.
Từ sách Đúng Việc - một góc nhìn về câu chuyện khai minh, nhà giáo dục Giản Tư Trung đề cập đến những vấn đề căn cơ và nền tảng nhất của con người. Đó là làm người (đạo nhân), làm mình (đạo sống), làm dân (đạo dân) và làm nghề (đạo nghề) bằng văn phong dí dỏm, sâu sắc và có tính hệ thống. Từ đó, sách đưa ra phương pháp luận để mỗi người tự thấu hiểu bản thân, tự tìm ra đường đời của mình, hình thành đạo nhân, đạo sống và đạo nghề của riêng mình.
Buổi tọa đàm Cách mạng bản thân nhận được sự quan tâm của bạn đọc ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề. Ảnh: T.D. |
Trong khi đó, 7 Thói quen hiệu quả lại giúp người đọc đi tìm câu trả lời cho ba câu hỏi lớn như vì sao con người ta trở nên ít hiệu quả, điều gì làm cho con người ta trở nên hiệu quả cao và điều gì tạo nên hiệu quả bền vững?
Câu trả theo tác giả khá đơn giản vì đó là điều ai cũng biết - cần tài năng và đạo đức. Nhà giáo dục Giản Tư Trung lý giải cần có tài năng vì tài năng tạo ra được hiệu quả, cần có đạo đức thì mới tạo ra được hiệu quả bền vững.
Ngược lại, không ai có thể được xem là tài năng nếu không tạo ra hiệu quả, cũng như không ai có thể được coi là có đạo đức nếu như việc tạo ra hiệu quả đó chỉ là nhất thời, không mang tính bền vững.