Khắt khe với sự an toàn của các con, 2 năm qua, anh Trần Viết Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) đều chọn cách từ chối mọi chuyến dã ngoại do nhà trường tổ chức.
"Sự cố khiến tôi lắc đầu trước mọi chuyến dã ngoại của con''
Theo anh lý giải, việc 1-2 giáo viên phải quản lý tới hơn 40 học sinh là “quá tải” và cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc.
“Trước đó, tôi cũng không cấm các con tham gia các hoạt động dã ngoại của trường, lớp. Nhưng có lần, con cùng lớp đi công viên nước, hơn 40 học sinh chỉ có một giáo viên chủ nhiệm đi kèm. Không có ai hỗ trợ trong khi hàng chục cháu đùa nghịch, quản lý không xuể, cô giáo cũng chỉ biết phó mặc cho nhân viên của công viên. Nhiều cháu đùa nghịch quá trớn, uống no nước mà không ai để ý”, anh kể.
Đó là câu chuyện của cậu con trai cả năm nay đang học cấp 2. Trong khi đó, cậu con trai út của anh đang học mầm non cũng từng khiến cô giáo tá hỏa đi tìm vì lạc khi đang tham quan sở thú.
“Quả thực ở nhà, với trẻ hiếu động, nghịch ngợm, bố mẹ chỉ cần lơ là một chút cũng tìm kiếm hết hơi chứ không nói gì đến cho con đi xa, 1-2 cô quản lý mấy chục cháu”, nam phụ huynh nói thêm.
Sau nhiều trải nghiệm, anh Thành kể một năm, nhà trường tổ chức cho các con đi dã ngoại 1-2 lần, vì ái ngại về độ an toàn, anh đều từ chối thẳng dù được giáo viên chủ nhiệm liên tục gọi điện, nhắn tin thuyết phục.
“Ai cũng mong muốn cho con có thêm nhiều trải nghiệm thực tế, được học từ thế giới bên ngoài. Nhưng việc tổ chức hoạt động ngoại khóa trong trường học vẫn còn nhiều hạn chế, khi số lượng học sinh đông nhưng số giáo viên lại ít. Các cô cũng không thể giám sát hết được các con, cho nên cẩn thận vẫn là trên hết”, anh lý giải.
Để bù đắp môi trường cho các con vui chơi, hoạt động ngoài trời, mỗi cuối tuần, vợ chồng anh đều sắp xếp đưa các con vui chơi quanh thành phố hoặc tìm kiếm những địa điểm cắm trại ở ngoại thành Hà Nội.
Không cho con đi dã ngoại với lớp, vợ chồng anh Thành đưa con đi chơi bù ở những địa điểm cắm trại quanh thành phố. Ảnh minh họa: Thúy Nga / Vietnamnet. |
Cùng mang nỗi lo chung, chị Thu Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) kể hàng quý, trường học của con gái chị thường tổ chức cho các cháu đi trải nghiệm xa. Tuy nhiên, lần nào về, con chị cũng ốm sốt và phải nghỉ học. Cũng có những lần, dù được mẹ dặn dò kỹ lưỡng, khi về, con vẫn có vết bầm tím ở chân.
Theo chị, điều này cũng không thể trách cô giáo vì một lớp gần 40 cháu, các cô cũng không thể quán xuyến hết.
“Nhưng điều khiến mình không hài lòng nhất là nhà trường khai thác chuyến đi dựa trên số lượng đăng ký chứ không tập trung vào chất lượng học tập.
Thế nên, có khi, các con được đi thăm sở thú, nhưng học sinh lại xếp hàng dài, nối đuôi nhau đi vòng quanh không dừng, không ngắm. Rốt cuộc, học sinh cũng không học thêm được gì cả”, chị nói.
Cũng với lý do này, mỗi khi nhà trường tổ chức đi trải nghiệm, dù không muốn cho con tham gia, chị cũng không thể từ chối vì sợ con buồn và thiệt thòi.
“Trẻ con chỉ thích chơi cùng bạn, nên dù những nơi con đến đã được bố mẹ đưa đi nhiều lần, được đi với lớp, con vẫn hào hứng hơn. Bố mẹ cũng chỉ biết đành cho đi, nhưng mỗi lần như thế mình lại phập phồng lo sợ”, chị Huyền nói.
Bước ra khỏi trang sách là thế giới kỳ thú...
Có con học tại một trường tư ở Hà Nội, dù nhà trường tổ chức cho học sinh đi dã ngoại đều đặn mỗi tháng một lần, chị Nguyễn Thảo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại không mấy lo lắng.
Chị cho biết trước mỗi chuyến đi, nhà trường thường phát cho học sinh một bản kế hoạch chi tiết để mang về cho phụ huynh ký duyệt. Trong tờ giấy này, phụ huynh cũng sẽ phải điền thông tin về việc đồng ý hay không đồng ý cho con tham gia; học sinh có dị ứng với loại thức ăn nào, có mặc bệnh gì hay không…
Chỉ khi có chữ ký của cả học sinh và phụ huynh, học sinh đó mới được phép tham gia hoạt động này. Nhà trường cũng không đưa việc tham gia hoạt động ngoại khóa vào tiêu chuẩn để đánh giá hạnh kiểm của các em.
Ngoài ra, khi tham gia hoạt động dã ngoại, học sinh cũng phải tuân thủ các quy định do nhà trường đề ra, ví dụ phải mặc đồng phục trong suốt quá trình để giáo viên dễ dàng quản lý học sinh qua màu áo.
Theo chị Thảo, việc trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên trong quãng thời gian đi dã ngoại cũng rất thường xuyên.
Đối với học sinh tiểu học, hầu hết chuyến đi đều diễn ra trong ngày. Mỗi năm một lần, nhà trường sẽ tổ chức chuyến đi qua đêm. Phụ huynh được khuyến khích tham gia để cùng thầy cô quản lý học sinh tốt hơn.
Mỗi lớp gồm 20 học sinh, có 2 giáo viên đi kèm, cùng với ban tổ chức (đơn vị thứ 3 dẫn tour), ban giám hiệu, phụ huynh đi theo để hỗ trợ, cho nên sự an toàn của học sinh luôn được đảm bảo.
Ủng hộ nhà trường tổ chức cho con đi dã ngoại, theo chị Thảo, đây là cơ hội để con được cùng bạn bè vui chơi ngoài không gian lớp học.
“Tôi không kỳ vọng quá nhiều vào việc con sẽ học được thêm kỹ năng sau mỗi chuyến đi như thế. Điều quan trọng nhất là con cảm thấy vui vẻ, thích thú.
Và quả thực con rất thích được đi dã ngoại cùng trường. Tới mức, trường con có quy định, trong tháng nếu bạn nào đi muộn quá 3 buổi hoặc không hoàn thành bài tập quá 3 lần sẽ không được đi dã ngoại. Vì thế, con luôn sợ bị đi học muộn”, chị Thảo kể.
Học sinh phải mặc đồng phục khi dã ngoại. Ảnh minh họa: Thúy Nga / Vietnamnet. |
Còn với chị Lê Phương (53 tuổi, Hà Nội), khi các con còn nhỏ, nhà trường tổ chức đi bất kỳ đâu, chị cũng đều khuyến khích các con tham gia. Vì thế, ở tuổi 17, các con của chị đã có thể “tự bay” đi du học mà không cần tới bố mẹ.
“Nếu bây giờ cho lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn như vậy”, chị Phương nói.
Theo chị, việc trẻ được đi chơi với bạn bè vẫn hào hứng hơn khi đi với ông bà, cha mẹ. Sau mỗi chuyến đi như thế, con chị thường hồ hởi kể cho mẹ nghe về những người con gặp, những nơi con đã đi qua.
“Hoạt động dã ngoại rất tốt và bổ ích, tuy nhiên cần phải tổ chức bài bản, thu chi minh bạch và cần phát huy vai trò của hội cha mẹ học sinh”.
Chị Phương cho rằng nhà trường có thể thuê công ty du lịch để tổ chức chuyên nghiệp hơn, chia học sinh thành từng nhóm nhỏ để quản lý, tránh một người phải phụ trách quá đông học sinh.
Ngoài ra, thầy cô cần thường xuyên điểm danh trong mọi lần lên - xuống xe, dừng lại nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống.
“Phụ huynh cũng không nên bao bọc trẻ, khiến chúng chỉ dám sống trong vùng an toàn, bảo gì làm nấy. Bước ra ngoài trẻ sẽ thấy thiên nhiên có nhiều điều kỳ thú, và mỗi chuyến đi như thế sẽ cho trẻ có thêm nhiều bài học, trải nghiệm quý giá mà chúng không thể tìm thấy ở trong sách vở”, chị Phương nói.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.