Do nhu cầu của thị trường tăng cao, Apple có kế hoạch sản xuất tới 96 triệu chiếc iPhone trong nửa đầu năm 2021, tăng 21% so với cùng kỳ năm nay.
"Kế hoạch sản xuất cho các quý tiếp theo của năm 2021 đã được chúng tôi vạch sẵn. Doanh số của iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max hiện cao hơn ước tính của chúng tôi, trong khi nhu cầu về iPhone 12 phù hợp với mức dự báo. iPhone 12 Mini có doanh số khá thấp", giám đốc một đối tác của Apple nói với Nikkei Asia.
Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng sản xuất của Apple đang gặp phải một thử thách tại Ấn Độ, đất nước đông dân thứ hai thế giới, đồng thời là một trong những thị trường lớn của Apple.
Rắc rối tại Ấn Độ
Theo tin tức địa phương, hàng trăm công nhân đang làm việc tại nhà máy sản xuất của Apple tại Ấn Độ đã gây ra nhiều vụ bạo loạn ở công ty Wistron, thành phố Kolar, miền nam nước này vào cuối tuần qua. Hậu quả là rất nhiều tài sản đã bị hư hại, cùng với hàng nghìn chiếc iPhone, iPad và các sản phẩm khác bị cướp đi.
Hình ảnh nhà máy Wistron bị đập phá trong vụ bạo loạn. Ảnh: NDTV. |
Times of India đưa tin rằng đã có hơn 150 người bị cảnh sát bắt giữ sau vụ việc trên. Số lượng người bị bắt nhiều đến nỗi các nhà tù tại Kolar không còn đủ sức chứa và một số người phải chuyển đến nhà tù ở các vùng lân cận.
Nguyên nhân được cho là dẫn đến vụ việc bạo loạn vừa qua liên quan tới vấn đề tiền lương, khi người lao động cho biết họ không được trả lương. Wistron ước tính thiệt hại lên tới 7,1 triệu USD và cho biết đang cố gắng hết sức để nhà máy có thể hoạt động trở lại.
Apple cho biết họ đã cử nhân viên và kiểm toán viên đến phối hợp với phía cảnh sát để xem liệu Wistron có vi phạm các quy tắc với người lao động hay không.
Trong khi đó, phía Wistron cho biết họ cam kết tuân thủ và thực hiện tất cả các quy định lao động địa phương, đồng thời sẽ phối hợp cùng phía cảnh sát để điều tra và bảo vệ quyền lợi cho nhân viên. Công ty này cho biết những người biểu tình không phải là công nhân của họ, ngầm tỏ ý có những tổ chức đứng sau kích động.
"Chính phủ và ban quản lý Wistron đang phối hợp điều tra vụ việc. Những vụ việc đáng tiếc như thế này là điều không ai mong muốn", Ravi Shankar Prasad, Bộ trưởng Bộ công nghệ, Thông tin và truyền thông Ấn Độ cho biết.
Khói bốc lên từ nhà máy Wistron tại Kolar, Ấn Độ. Ảnh: Express. |
Nhân vụ việc tại Ấn Độ mới đây, truyền thông Trung Quốc cũng đã nêu bật những rủi ro có thể xảy ra.
“Đây là những rủi ro tiềm ẩn mà các nhà sản xuất phải đối mặt khi di dời những nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc, nơi họ có thị trường lao động ổn định, qua đó góp phần đưa quốc gia này trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới”, một phóng viên của Global Times bình luận trên Twitter.
Rắc rối sẽ khiến Apple đau đầu
Sau sự việc trên, giá cổ phiếu của Wistron đã giảm tới 3,4%.
"Tác động trong phần còn lại của năm là nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ theo dõi các diễn biến chặt chẽ. Điều quan trọng nhất là nhà máy sẽ tạm dừng sản xuất tới khi nào.
Những thay đổi sau vụ việc trên có thể khiến mối quan hệ giữa Wistron và Apple gặp vài vấn đề. Khả năng mở rộng sản xuất tại Ấn Độ của Apple vì thế cũng sẽ chịu ảnh hưởng", nhà phân tích Howard Kao và Sharon Shih tại ngân hàng Morgan Stanley chia sẻ.
Wistron cùng Pegatron và Hon Hai Precision Industry (Foxconn) là những nhà sản xuất iPhone và iPad hàng đầu của Apple. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua khiến các nhà máy của Foxconn tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng đáng kể, trong khi Wistron đã bán nhà máy cho Luxshare, một công ty địa phương.
Ấn Độ vừa là thị trường, vừa là điểm sản xuất quan trọng của Apple trong thời gian tới. Ảnh: Getty. |
Do đó, Ấn Độ trở thành điểm sản xuất quan trọng của các đối tác Apple. Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã thúc đẩy các chính sách xây dựng cơ sở sản xuất và tạo việc làm với mức lương tốt cho người lao động.
Năm nay, các nhà máy lắp ráp iPhone của Wistron, Foxconn tại Ấn Độ đều được đưa vào chương trình kích cầu trị giá 6,6 tỷ USD của nước này, theo Bloomberg. Pegatron thì cho biết họ sẽ khởi công nhà máy tại Ấn Độ vào năm 2021.
“Apple cần Ấn Độ để mở rộng thị trường, và Ấn Độ cần Apple để giới thiệu với thế giới rằng nếu Apple có thể làm mọi thứ ở đây thì những công ty khác cũng có thể làm được”, Navkendar Singh, trưởng bộ phận nghiên cứu tại IDC cho biết.
Các chuyên gia của Morgan Stanley chia sẻ rằng rất khó để thấy những tác động ngay lập tức từ vụ việc này lên Apple, do khu phức hợp Kolar mới bắt đầu hoạt động trong vài tháng gần đây với công suất chỉ từ 5-10 triệu chiếc iPhone mỗi năm. Tuy nhiên, vụ việc có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác giữa Wistron với Apple.
Ấn Độ không phải vấn đề duy nhất
Ngoài những vấn đề của đối tác, Apple còn đối mặt với sự thiếu hụt về linh kiện. Nikkei Asia cho biết hãng đã phải chuyển bớt một số linh kiện vốn dành cho iPad sang sản xuất iPhone, ảnh hưởng khoảng 2-3 triệu iPad trong năm 2020.
Đại dịch Covid-19 khiến linh kiện, đặc biệt là chip bán dẫn và màn hình, khan hiếm chung cho mọi công ty. Những công ty phát triển mạnh trong năm nay như Xiaomi đang đặt ra mục tiêu rất cao cho 2021, với kỳ vọng sản xuất 240 triệu smartphone. Apple sẽ bị ảnh hưởng bởi tham vọng đó.
Doanh số tốt của iPhone 12 hứa hẹn năm 2021 khởi sắc với Apple. Ảnh: Tuấn Anh. |
"Có quá nhiều linh kiện trong iPhone bên cạnh con chip xử lý chính. Sự điều chỉnh gần đây của Apple cho thấy họ đã có đủ vi xử lý để đáp ứng kế hoạch, nhưng vẫn cần thêm các linh kiện khác", một lãnh đạo trong ngành chip chia sẻ.
Công nghệ 5G là một phần lý do khiến dòng iPhone 12 ra mắt chậm hơn mọi năm. Vào tháng 4, khi dịch bắt đầu bùng phát tại Mỹ, Apple từng cân nhắc dừng ra mắt iPhone 12 trong năm nay. Đến nay, dòng iPhone mới được đón nhận tốt, và người dùng tại Mỹ hay Trung Quốc có thể phải chờ tới 4 tuần mới nhận được máy.
Jeff Pu, nhà phân tích tại GF Securities nhận định năm 2021 gần như chắc chắn là một năm kinh doanh mỹ mãn của Apple. Tuy nhiên, năng lực sản xuất sẽ là điều khó đoán nhất với Apple, ông Pu nhận định.