Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả Tim Galbraith, Fast Company.
Năm 2020 là mốc thời gian đáng nhớ với Apple. Ngày 12/12, công ty có trụ sở tại Cupertino đánh dấu 40 năm ngày kỷ niệm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là đợt IPO giúp Apple có cơ hội trở thành hãng công nghệ hàng đầu hiện nay.
Quay trở lại thời điểm cuối năm 1980, một cổ phiếu Apple mua vào ngày 12/12 sẽ có giá khoảng 22 USD. 40 năm sau, giá trị cổ phiếu của “táo khuyết” đã tăng lên gấp 1.000 lần.
Với những nhà đầu tư có tầm nhìn xa và đặt trọn niềm tin vào Apple, giá cổ phiếu của công ty ngày nay thực sự là một món quà. Mặc dù vậy, sự kiện IPO của "táo khuyết" sẽ trở thành nỗi ám ảnh với những nhà đầu tư đã sớm bán số cổ phần của mình.
Tất nhiên, vào ngày Apple IPO cách đây 40 năm, không ai biết trước công ty này sẽ có giá trị vốn hóa lên tới 2.000 tỷ USD.
Cổ phiếu Apple hiện có giá trị lớn nhất trong chỉ số S&P 500. Ảnh: Bloomberg. |
Năm 1980, Radio Shack là một trong số đối thủ lớn của Apple, các sản phẩm của hãng công nghệ này đã xuất hiện trên 5.000 cửa hàng bán lẻ. Thời điểm đó, mạng lưới kênh bán hàng của Apple chỉ gồm 750 nhà bán lẻ độc lập. Ngoài Radio Shack, Apple dự kiến sẽ phải cạnh trạnh với IDM, Xerox, HP và Wang Laboratories.
Dù "táo khuyết" mới thành lập được 4 năm, nhiều nhà đầu tư vẫn nóng lòng tham gia đợt IPO đầu tiên của công ty. Vào ngày 12/12/1980, Apple đã huy động được gần 100 triệu USD bằng cách bán 8% cổ phần của công ty ra công chúng. Phần lớn số tiền thu từ sự kiện này được dùng để trả nợ ngắn hạn và tăng vốn lưu động. Việc thanh toán các khoản nợ ngân hàng với mức lãi suất khổng lồ 20% là chìa khóa giúp Apple tăng trưởng.
Các nhà đầu tư háo hức sở hữu một phần của Apple và tham gia vào lĩnh vực máy tính cá nhân. Tuy nhiên, một số người vẫn còn hoài nghi về lĩnh vực này.
“Chúng tôi cảm thấy cổ phiếu được định giá quá cao”, giới chức Massachusetts cho biết.
Cổ phiếu của Apple đã không được phép giao dịch tại Illinois, Wisconsin và Massachusetts. Theo luật tiểu bang, giá cổ phiếu IPO không được phép chênh lệch quá 25 lần thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS). EPS của Apple lúc bấy giờ gần chạm con số 100.
Steve Jobs, nhà sáng lập Apple, khi ấy sở hữu 15% cổ phần công ty. Khi đợt IPO kết thúc, 7,5 triệu cổ phiếu của ông được định giá hơn 200 triệu USD. Theo một thỏa thuận với người bảo lãnh đợt phát hành, không nhân viên hay cá nhân nào trong ban lãnh đạo được phép bán cổ phần vào ngày IPO.
Tuy nhiên, 7 nhà đầu tư tư nhân đã bán tháo cổ phần và bỏ qua thỏa thuận này.
Khi tôi đề cập câu chuyện với vài người bạn trong ngành, họ đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Với họ, đây có thể là thương vụ tồi tệ nhất từ trước đến nay. Với mỗi 100 cổ phiếu được bán ra vào ngày Apple IPO, giá của chúng hiện tại khoảng 2,2 triệu USD.
Thiếu kiến thức về thị trường máy tính
Cổ đông bán ra nhiều cổ phiếu nhất chính là chi nhánh liên doanh của ngân hàng Continental Illinois tại Chicago, nơi Paul Wood, một đồng nghiệp của tôi được giao trách nhiệm thẩm định.
Chia sẻ với tôi, Wood kể lại câu chuyện đến thăm Jobs và Steve Wozniak tại một gian hàng buồn tẻ nằm sâu trong triển lãm thương mại CES. Jobs mặc một bộ đồ kẻ sọc ngốc nghếch còn Wozniak mặc quần yếm. Wood cho biết ông vốn không mấy mặn mà với thương vụ này.
“Chúng tôi tin rằng đây sẽ là một mô hình giáo dục, phổ biến máy tính bên trong trường học. Chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm về thị trường máy tính cá nhân”, Wood nhớ lại.
Nhiều nhà đầu tư vẫn hoài nghi tiềm năng của Apple lúc bấy giờ. Ảnh: Time. |
Continental Illinois đã đầu tư 504.000 USD vào tháng 8/1978. Vào ngày IPO, ngân hàng này nắm giữ số cổ phần trị giá 40 triệu USD. Công ty đã bán 5 triệu USD cổ phần tại đợt IPO để thu hồi gấp 10 lần khoản đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, công ty vẫn giữ hơn 1.500.000 cổ phiếu. Wood không hối tiếc khi Continental Illinois chọn phương án đó. Giá trị cổ phần mà ngân hàng nắm giữ đã tăng gấp 78 lần trong vòng 28 tháng. Nếu không phát hành cổ phiếu ra công chúng, ngân hàng có thể sẽ mất đến 30 năm mới thu được số tiền gấp 78 lần vốn đầu tư.
Vào thời điểm đó, một cổ đông khác của Apple là Fifty-Third Street Ventures do Alan Patricof quản lý đã đầu tư 315.000 USD vào Apple. Ngày công ty IPO, số cổ phần Patricof nắm giữ trị giá hơn 5 triệu USD.
Mặc dù tin tưởng vào tương lai của “táo khuyết”, Patricof cho rằng việc bán cổ phần để thu về gần một triệu USD là cơ hội không thể bỏ qua. Khoản đầu tư của Patricof vào Apple đã tăng gấp 17 lần so với ban đầu.
Cho đến ngày nay, đôi khi Patricof tự hỏi liệu có ai trong số các nhà đầu tư của ông đang để quên một tờ chứng nhận cổ phiếu Apple ở đâu đó trong ngăn kéo không.
Theo Patricof, chính Venrock Associates, chi nhánh liên doanh của gia đình quyền lực Rockefeller, là yếu tố quyết định đối với các nhà đầu tư ban đầu của Apple. Công ty này đã sớm có vị trí cổ đông tại Apple từ năm 1978. Với khoản đầu tư 500.000 USD, Venrock Associates đáng lẽ sẽ nắm số cổ phần trị giá 83 triệu USD vào ngày IPO.
Đó là cách làm của nhà đầu tư thông minh
Sau khi theo dõi 7 nhà đầu tư từng bán cổ phiếu Apple trước thềm IPO, tôi nhận ra không ai trong số họ muốn thay đổi quyết định trong quá khứ. Là nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ đã làm chính xác những gì phải làm.
Tôi đã chấm dứt quan điểm bán cổ phiếu Apple là thương vụ tồi tệ nhất từ trước đến nay. Cả 7 nhà đầu tư đều kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ từ số tiền bỏ ra ban đầu. Xét theo lịch sử phát triển của Apple, phải mất hàng thập kỷ các chủ sở hữu cổ phiếu mới kiếm được số tiền mà 7 nhà đầu tư đã làm chỉ trong vài tháng.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn tìm hiểu tại sao 7 nhà đầu tư không coi việc bán phá giá cổ phần Apple là một sai lầm.
Apple đã để lại di sản quá lớn. Ảnh: CultofMac. |
Trở về bối cảnh năm 1980, Apple vẫn là một công ty mới thành lập. Nhiều nhà đầu tư cho rằng bán cổ phần Apple trước ngày IPO không đồng nghĩa đánh rơi điều gì đó. Sai lầm duy nhất theo quan điểm của họ chính là không bận tâm quá nhiều đến hiệu suất tăng trưởng cổ phiếu của công ty.
Nên nhớ, mãi đến năm 2007, iPhone mới chính thức ra mắt. Sau 3 năm tiếp theo, iPad được tung ra thị trường. 80% giá trị thị trường mà đế chế Apple tạo ra xuất phát từ 7 năm trở lại đây. Tôi có lý do tin rằng thành tựu của Apple là vĩnh cửu, trái ngược hoàn toàn quan điểm của những nhà đầu tư vào năm 1980. Đó là lý do tại sao chúng tôi ngạc nhiên khi biết có người bán cổ phiếu công ty trước ngày IPO.
Nếu câu chuyện tạo ra Apple là cổ tích ngoài đời thực thì cổ phiếu Apple chính là con ngỗng vàng khổng lồ. Đây là cổ phiếu lớn nhất trong chỉ số S&P 500. Dù không phải cổ đông Apple cho đến năm 2014, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett vẫn sở hữu gần 1 tỷ cổ phiếu. Từ năm 2018 đến 2020, giá trị vốn hóa thị trường của Apple đã tăng những 1.000 tỷ USD.
Có thể trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng, nhiều người sẽ phải cất lên bài ca “Giá như tôi mua cổ phiếu Apple từ sớm”.
Tuy nhiên, đối với một số người, chuyện đầu tư không phải trò chơi. Họ đã sở hữu cổ phiếu trong nhiều năm và tạo ra những khoản tiết kiệm không hề nhỏ. Với những nhà đầu tư mà tôi có dịp nói chuyện, việc sở hữu cổ phiếu Apple thời kỳ đầu đã thay đổi cuộc đời họ.