Ngành công nghiệp bán dẫn đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn. Hàng trăm loại chip, được ứng dụng trên tất cả những thiết bị điện tử đều đang trong tình trang thiếu hụt.
Để hiểu được sự nghiêm trọng của vấn đề, chỉ cần nhìn vào một con chip đơn giản và rẻ nhất trên những thiết bị điện tử, được gọi là chip điều khiển màn hình. Không giống như các con chip được thiết kế phức tạp, chip điều khiển chỉ có nhiệm vụ duy nhất là kiểm soát dòng điện và các lệnh để hình ảnh được hiển thị lên màn.
Chính những con chip điều khiển màn hình hiện nay cũng đang khan hiếm. Theo Bloomberg, những công ty sản xuất chip khó có thể đáp ứng được lượng đơn hàng từ các hãng xe, công nghệ, và sự khan hiếm khiến giá tăng vọt.
Chuỗi domino bắt đầu từ con chip một USD
Việc thiếu hụt chip điều khiển màn hình sẽ dẫn tới nguồn cung màn hình cũng khan hiếm theo. Đây là thành phần không thể thiếu đối với hàng loạt thiết bị: điện thoại, máy tính, TV, xe hơi, máy bay và cả đồ gia dụng.
"Nếu bạn có tất cả linh kiện khác mà thiếu chip điều khiển, thì cũng chẳng thể làm được sản phẩm", Stacy Rasgon, nhà phân tích về ngành bán dẫn của Sanford C. Berstein chia sẻ.
"Từ khi công ty chúng tôi thành lập cách đây 20 năm, tôi chưa từng thấy tình trạng này. Mọi ngành đều đang thiếu chip", Jordan Wu, đồng sáng lập và CEO của hãng sản xuất chip điều khiển màn hình Himax Technologies chia sẻ.
Những công ty gia công chip như TSMC đang phải làm việc với hơn 100% công suất nhằm giảm tác động của cuộc khủng hoảng ngành chip. Ảnh: Reuters. |
Chip điều khiển màn hình không phải là thành phần cơ bản duy nhất đang thiếu hụt. Những con chip điều khiển nguồn, cần thiết trong mọi loại sản phẩm công nghệ, cũng đang khiến các nhà sản xuất khốn đốn. Ford, Nissan và Volkswagen gần đây đều công bố giảm sản lượng xe trong năm 2021. Thiệt hại của toàn bộ ngành xe có thể lên đến 60 tỷ USD.
Các sự cố, thiên tai diễn ra trên khắp thế giới như bão tuyết ở Texas, hay cháy nhà máy Renesas ở Nhật Bản càng khiến cuộc khủng hoảng chip trở nên trầm trọng. Các công ty lớn nhất trong ngành bán dẫn như Samsung hay TSMC đều cảnh báo tình trạng, dù đã vận hành với trên 100% năng suất.
Khủng hoảng ngành bán dẫn bắt đầu từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Khi đó, các hãng sản xuất đã nghĩ rằng nhu cầu của người dùng cũng sẽ giảm đi.
"Tôi ứng dụng các mô hình khủng hoảng tài chính và hạ toàn bộ dự đoán triển vọng của mình. Tuy nhiên, sự thật là nhu cầu vẫn rất mạnh", ông Rasgon chia sẻ.
Do phải ở nhà dài ngày, mọi người mua đồ công nghệ nhiều hơn. Họ mua máy tính mạnh hơn, màn hình lớn hơn để làm việc ở nhà. Trẻ em được mua laptop mới để học tại nhà. TV, máy chơi game, các loại đồ gia dụng đều tăng doanh số.
Đại dịch đã biến thành một ngày mua sắm kéo dài hàng tháng trời.
Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng từ các hãng xe, máy tính, smartphone tới cả những loại thiết bị giải trí như máy chơi game PlayStation 5. Ảnh: EPA. |
Các hãng xe cũng dự báo sai. Họ phải đóng cửa nhà máy trong thời gian đại dịch, do đó thông báo với đối tác của mình giảm lượng linh kiện nhập vào. Tới cuối năm 2020, nhu cầu mua xe tăng mạnh. Mọi người đã có thể ra khỏi nhà, và họ không muốn dùng phương tiện công cộng.
Khi các nhà máy xe mở cửa trở lại và đặt hàng chip từ các hãng như TSMC hay Samsung, họ chỉ được xếp vào cuối hàng chờ. Các hãng công nghệ còn đang phải chờ nguồn chip mới.
"Chúng tôi không thể cứ thúc công nhân làm thêm để sản xuất được nhiều chip điều khiển hơn", ông Jordan Wu của Himax chia sẻ.
Chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm"
Trong mô hình hoạt động phổ biến của ngành chip, Himax đóng vai trò thiết kế, sau đó chuyển sang một hãng gia công khác như TSMC hoặc United Microelectronics để thực hiện.
Con chip của Himax được sản xuất trên tiến trình 16 nm, tức là đi sau tiến trình hiện đại nhất vài thế hệ. Đây chính là điểm nghẽn của ngành công nghiệp. Các hãng gia công không muốn xây thêm dây chuyền công nghệ cũ vì sẽ lâu có lợi nhuận hơn.
Những dây chuyền hiện tại đủ để sản xuất chip với chi phí thấp nhất, có thể bán với giá một USD mà vẫn có lãi. Nếu phải xây dựng thêm dây chuyền nhằm tăng sản lượng, họ sẽ phải tốn quá nhiều tiền.
"Lựa chọn xây thêm quá tốn kém", Wu nhận xét.
Nhiều công ty bán dẫn gặp sự cố trong thời gian qua, như nhà máy của Renesas tại Nhật bị hoả hoạn. Ảnh: AP. |
Vì đối tác không thể tăng thêm sản lượng, công ty của ông cũng không thể làm thêm chip nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác. Sự khan hiếm khiến giá màn hình LCD tăng mạnh. Tính từ tháng 1/2020-3/2021, giá một tấm LCD 50 inch đã tăng gấp 2 lần. Chuyên gia của Bloomberg Intelligence dự đoán giá linh kiện sẽ còn tăng đến ít nhất quý III/2021.
Ngoài con chip điều khiển, các loại màn hình còn đang thiếu kính bảo vệ. Nhiều nhà sản xuất kính màn hình lớn gặp sự cố, như mất điện tại nhà máy của Nippon Electric Glass hay vụ nổ ở nhà máy AGC Fine Techno Korea. Theo nhà phân tích Yoshio Tamura của công ty tư vấn DSCC, sản lượng sẽ còn thấp tới hết mùa hè.
Đến giờ tôi vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Jordan Wu, CEO hãng sản xuất chip điều khiển màn hình Himax Technologies.
Sự khan hiếm khiến doanh số bán ra của Himax tăng cao, và cổ phiếu hãng này cũng tăng tới 3 lần kể từ tháng 11/2020.
Tuy nhiên, CEO Jordan Wu lại không thấy vui mừng gì. Chia sẻ với Bloomberg, ông cho rằng điều quan trọng nhất với công ty là có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Người đàn ông có 20 năm kinh nghiệm sản xuất chip điều khiển cho rằng khủng hoảng ngành bán dẫn vẫn sẽ kéo dài.
"Đến giờ tôi vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm", Jordan Wu cho biết.