Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Cơn bão giận dữ của TT Trump và kết thúc ngỏ của báo cáo Mueller

Bản báo cáo đầy đủ của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã chọc giận Tổng thống Trump khi đưa ra những bằng chứng "nặng ký" rằng nhà lãnh đạo Mỹ có thể đã cản trở công lý.

bao cao Mueller de doa Tong thong Trump anh 1bao cao Mueller de doa Tong thong Trump anh 2

Báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã được công bố. Sau khi Tổng thống Trump thật sự đọc nội dung, sự đắc thắng trong những tuyên bố của ông đã được thay bằng cơn giận cuồng nộ.

4h53 sáng 19/4, như thường lệ, ông Trump lại bắt đầu cơn chỉ trích đầy thịnh nộ của mình trên mạng xã hội. Ông đang ở khu nghỉ dưỡng yêu thích tại Florida trong cuối tuần nghỉ lễ Phục sinh, đọc kỹ lại nội dung bản báo cáo điều tra từng khiến ông hào hứng mấy tuần qua.

Nhà lãnh đạo 73 tuổi không nương tay công kích những bằng chứng thu thập từ điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller. Ông chì chiết những nội dung trong "báo cáo điên khùng" bằng những lời nặng nề nhất.

"Vì tôi không bao giờ đồng ý đối chứng, tôi cũng không cần thiết phải phản hồi về những lời kể trong 'báo cáo' về tôi, nhưng một số nội dung thì như cặn bã và chỉ làm đẹp mặt người khác (hoặc làm xấu mặt tôi). Đây là trò lừa đảo bất hợp pháp đáng lẽ không không được cho diễn ra, là sự phung phí khổng lồ về thời gian, năng lượng và tiền bạc - chính xác là gần 30.000.000 USD".

Nhà lãnh đạo nước Mỹ kết thúc đợt xả van phẫn nộ trên mạng xã hội bằng cảnh báo "đã đến lúc xoay đổi tình thế và đem những kẻ bệnh hoạn và nguy hiểm, phạm các tội nghiêm trọng, ra trước công lý, thậm chí là tội danh gián điệp hay phản quốc".

bao cao Mueller de doa Tong thong Trump anh 3

Những lần ông Trump nổi đóa vì Mueller và cuộc điều tra đã trở nên quen thuộc suốt 22 tháng qua, kể từ khi cựu giám đốc FBI được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt. Tổng thống Mỹ thường xuyên gọi cuộc điều tra là "cuộc săn phù thủy" nhằm bôi nhọ ông và suy yếu nhiệm kỳ của mình.

Về phía mình, Mueller phát đi hơn 2.800 trát hầu tòa, hơn 500 cuộc khám xét, 230 lệnh yêu cầu các bản ghi chép trao đổi cá nhân, yêu cầu chính phủ 13 nước về bằng chứng và tiến hành thẩm vấn khoảng 500 nhân chứng. Đây là một trong những cuộc điều tra kỹ lưỡng nhất ở chính trường Mỹ bởi một công tố viên huyền thoại.

Sau khi bản tóm tắt báo cáo vỏn vẹn bốn trang được Bộ trưởng Tư pháp William Barr công bố ngày 24/3, Tổng thống Trump đã đắc chí ra mặt khi văn bản này kết luận không tìm thấy bằng chứng cho nghi vấn thông đồng. Robert Mueller không đưa ra cáo buộc nào nhắm vào tổng thống Mỹ, kể cả việc nhà lãnh đạo từng cố gắng tác động hay ngăn cản quá trình điều tra. Ông Trump dựa vào đó và tuyên bố mình "được chứng minh vô tội hoàn toàn".

Và khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố bản báo cáo gần như đầy đủ, trừ một số phần bị bôi xóa vì vấn đề bảo mật, Tổng thống Trump lại đăng tải trên Twitter bức ảnh chế bộ phim "Trò chơi vương quyền" đang gây sốt trên truyền hình Mỹ, với hình ảnh bản thân mình ngạo nghễ cùng dòng chữ "Trò chơi kết thúc" như để chế nhạo những ý kiến chỉ trích ông suốt từ đầu nhiệm kỳ.

bao cao Mueller de doa Tong thong Trump anh 4

Tuy nhiên, sự thật đằng sau cánh cửa Nhà Trắng, qua những mô tả trong bản báo cáo dài 448 trang được chia làm hai phần của Robert Mueller, lại cho thấy chân dung một tổng thống Trump sợ hãi trước sức ép của cuộc điều tra độc lập.

Sự thất vọng tột cùng của Tổng thống Trump khi nghe tin Mueller trở thành công tố viên đặc biệt lãnh đạo cuộc điều tra được mô tả rõ rệt nhất qua những ghi chép của Jody Hunt, chánh văn phòng của cựu bộ trưởng tư pháp Mỹ Jeff Sessions, vào ngày 17/5/2017.

"Lạy chúa tôi. Điều này quá tồi tệ. Nhiệm kỳ tổng thống của tôi kết thúc rồi. Tôi tiêu rồi" - Tổng thống Mỹ đổ sụp xuống ghế ngồi và nói. Ông đay nghiến Bộ trưởng Sessions đã để cho việc bổ nhiệm Mueller được diễn ra, trách móc người cố vấn thân tín không thể bảo vệ mình.

"Điều này thật tồi tệ. Tất cả là vì ông đã rút khỏi cuộc điều tra. Bộ trưởng tư pháp đáng lẽ phải là sự bổ nhiệm quan trọng nhất. Kennedy chọn em trai mình. Obama chọn Holder. Tôi chọn ông và ông đã tự cứu mình. Ông bỏ tôi trên một hòn đảo. Giờ tôi không thể làm gì hết", Tổng thống Trump giận dữ và đòi bộ trưởng tư pháp từ chức, nhưng vài ngày sau đó ông đổi ý và không chấp nhận thư xin nghỉ việc của Sessions.

Hope Hicks, cựu cố vấn quan hệ công chúng và giám đốc truyền thông cho Nhà Trắng, mô tả Tổng thống Trump "vô cùng buồn phiền vì quyết định bổ nhiệm công tố viên đặc biệt".

Hicks nói lần duy nhất cô nhìn thấy sếp của mình với tâm trí rối bời đến vậy là trong giai đoạn tranh cử tổng thống năm 2016, khi đoạn ghi âm đầy tai tiếng của chương trình Access Hollywood bị phanh phui. Đoạn băng tiết lộ lời nói đùa khiếm nhã của ông Trump, khẳng định khi đã là người nổi tiếng thì ông muốn làm gì phụ nữ cũng cho phép, kể cả đòi "chộp lấy" vùng kín của họ. Giờ thì Tổng thống Trump lo sợ Mueller sẽ chộp lấy nhiệm kỳ của ông.

Một ngày sau, Tổng thống Trump đăng trên Twitter lúc 7h52 sáng 18/5/2017 cáo buộc cuộc điều tra của Mueller "là cuộc săn phù thủy lớn nhất từng nhắm vào một chính trị gia trong lịch sử nước Mỹ". Lời cáo buộc này được ông nhắc đi nhắc lại vô số lần trong suốt 22 tháng qua và đến nay vẫn chưa kết thúc.

bao cao Mueller de doa Tong thong Trump anh 5

Tổng thống Trump cuối cùng không phải nhận bất kỳ cáo buộc hình sự nào sau cuộc điều tra của Robert Mueller - ông Mueller để dành việc đó cho quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng báo cáo của công tố viên độc lập, được chỉ định bởi quyền bộ trưởng tư pháp khi đó là Rod Rosenstein, mang sức nặng ngang ngửa với lệnh truy tố nhắm vào chiến dịch tranh cử năm 2016 và nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, theo NBC News.

Bộ trưởng Tư pháp William Barr tuyên bố Tổng thống Trump hợp tác hoàn toàn với đội ngũ điều tra độc lập. Tuy nhiên, gần 200 trang của phần hai bản báo cáo lại cho thấy một tổng thống Trump tìm đủ mọi cách để tác động lên cựu giám đốc FBI James Comey, sau đó là công tố viên độc lập Robert Mueller cùng những nhân chứng liên quan để cản bước đội điều tra độc lập làm sáng tỏ nghi án thông đồng với Nga.

"Những nỗ lực của tổng thống nhằm tác động lên cuộc điều tra phần lớn đều thất bại, nhưng chủ yếu vì những người quanh tổng thống đã từ chối tuân theo các mệnh mệnh của ông ấy hoặc ngó lơ", bản báo cáo kết luận.

Ngay cả những người trợ lý và cộng sự thân tín do Tổng thống Trump tự tay chọn lựa cũng nhận thấy các mệnh lệnh của cấp trên là bất hợp pháp, phản tác dụng, gian dối hoặc quá ngớ ngẩn để họ phải nghe theo, The Atlantic bình luận.

bao cao Mueller de doa Tong thong Trump anh 6

Cuối cùng thì Tổng thống Trump cũng giảm nhiệt tình với chiến thuật đẩy Mueller khỏi ghế công tố viên đặc biệt. Ông quay sang công kích uy tín của cựu giám đốc FBI, đồng thời gây sức ép lên những nhân chứng tiềm tàng của cuộc điều tra như Michale Cohen, cựu luật sư của Tập đoàn Trump, hay Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia. 

"Những vụ việc trên thường được thực hiện thông qua các cuộc gặp một đối một, khi tổng thống cố sử dụng quyền lực của mình bên ngoài những kênh thể hiện thông thường. Các hành động này bao gồm từ nỗ lực loại bỏ công tố viên đặc biệt đến đảo ngược việc bộ trưởng tư pháp tự rút khỏi cuộc điều tra; tìm cách dùng quyền lực chính thức của mình để giới hạn quy mô điều tra; liên lạc trực tiếp lẫn gián tiếp với các nhân chứng với khả năng tác động đến lời khai của họ. Nhìn một cách tổng thể tất cả những hành động này sẽ thấy được mức độ nghiêm trọng của chúng", bản báo cáo của Mueller cho biết.

Những hành động của nhà lãnh đạo Mỹ trong suốt ba năm qua được đội ngũ điều tra mô tả như một "mô típ hành vi" lặp đi lặp lại việc cố gắng sa thải những nhân vật bị xem là mối đe dọa, khen ngợi rồi lại chỉ trích công khai các nhân chứng. Những người phản đối Tổng thống Trump nói ông đã làm xói mòn đi các nền tảng cơ bản nhất của hệ thống chính quyền Mỹ, từ bầu cử dân chủ đến lý tưởng rằng không ai, kể cả tổng thống, được quyền đứng trên pháp luật.

Tuy nhiên, những giông bão của tổng thống Mỹ vẫn chưa chấm dứt. Lý do khiến Robert Mueller, với tất cả những bằng chứng mà ông thu thập được, vẫn không đi đến quyết định cáo buộc tổng thống vẫn còn là một ẩn số khiến nhiều chuyên gia tranh cãi. Nhà điều tra kỳ cựu của nước Mỹ vẫn hé mở một cánh cửa để bản thân ông được lên tiếng trực tiếp bằng điều trần ở quốc hội và tiếp tục tạo sức ép lên Tổng thống Trump.

bao cao Mueller de doa Tong thong Trump anh 7

Những gì được Mueller và các cộng sự mô tả trong tổng kết điều tra dài bằng một quyển sách học thuật "nặng ký" là một câu chuyện khác hoàn toàn với bản tóm tắt ngắn gọn quá mức cần thiết của Bộ trưởng Barr, hay cụm từ "không thông đồng" ưa thích của Tổng thống Trump. Đó cũng là lý do khiến nhà lãnh đạo 73 tuổi ngồi từ Mar-a-Lago, nơi nghỉ ngơi ở vùng Florida nắng ấm miền Nam, phải bật dậy lúc rạng sáng ngày 19/4 để công kích Mueller bằng những lời lẽ không thể nặng nề hơn.

"Chúng tôi kết luận rằng quốc hội có thẩm quyền ngăn chặn việc tổng thống sử dụng sai trái thẩm quyền của mình nhằm bảo vệ sự chính trực của hệ thống tư pháp", báo cáo của Mueller khẳng định.

"Việc kết luận quốc hội có thể áp dụng những điều luật về cản trở công lý, đối với hành vi sử dụng quyền lực sai trái của tổng thống, là phù hợp với hệ thống giám sát và cân bằng trong hiến pháp và quy tắc không ai được đứng trên pháp luật".

Mueller viết trong báo cáo rằng những ràng buộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp không cho phép ông tiến hành truy tố một tổng thống đương nhiệm. Nhưng ông cũng nhắc nhở rằng Hạ viện Mỹ có những quyền hành của riêng mình và không phải báo cáo trực tiếp cho tổng thống. Với lời nhắn nhủ đó, Mueller có lẽ đã chuyền trái bóng xem xét các bước đi tiếp theo cho đảng Dân chủ.

Jerry Nadler, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ và là chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nói Robert Mueller đã vẽ ra "lộ trình" riêng cho cơ quan lập pháp này. Ngay lập tức, hai nhân vật cấp cao của đảng Dân chủ là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer tuyên bố họ mong muốn công tố viên đặc biệt ra điều trần trước quốc hội "trong thời gian sớm nhất".

"Thật đáng tiếc khi Bộ trưởng Tư pháp Barr đã xử lý báo cáo Mueller theo kiểu đảng phái, trong đó bao gồm lá thư tóm tắt của ông ấy ngay 24/3, phần điều trần vô trách nhiệm trước quốc hội vào tuần trước, và kế hoạch thay đổi nhận thức về báo cáo trong buổi họp báo - chỉ vài tiếng trước khi ông ấy cho phép dư luận và quốc hội được đọc bản báo cáo. Điều này dẫn đến khủng hoảng niềm tin về sự độc lập và khách quan của bộ trưởng", thông cáo chung của Pelosi và Schumer khẳng định vào sáng 18/4.

Những người Dân chủ chắc chắn sẽ sử dụng những quyền lực của mình tại Hạ viện nhằm kéo dài cơn đau đầu cho Tổng thống Trump, tiếp tục để cho cuộc điều tra của Mueller ám ảnh nhà lãnh đạo Mỹ dù cho ông đang nghỉ lễ Phục sinh hay quay trở lại Nhà Trắng làm việc vào tuần này. Việc luận tội tổng thống vẫn là viễn cảnh quá xa vời đối với đảng Dân chủ, khi họ phải cần đến 20 nghị sĩ đảng Cộng hòa và 47 nghị sĩ trong cùng hàng ngũ ở Thượng viện để thông qua quyết định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các hành vi của nhà lãnh đạo Mỹ được liệt kê chi tiết bên trong báo cáo Mueller đã vượt xa những chuẩn mực về tội danh "cản trở công lý" từng được Hạ viện đặt ra trong nỗ lực luận tội Tổng thống Bill Clinton hồi năm 1998.

Kim Wehle, chuyên gia luật tại Đại học Baltimore và cựu thành viên đội ngũ của Công tố viên độc lập Kenneth Starr điều tra Bill Clinton, đánh giá trường hợp của Tổng thống Trump thập chí "nghiêm trọng hơn vô cùng" so với cuộc điều tra cuối thập niên 1990.

"Chúng ta có trong vụ án này một cường quốc ngoại bang và vô số bằng chứng thuyết phục rằng họ muốn tấn công sự tự do và bình đẳng của chúng ta", cô nói.

Trong khi đó, theo Frank O. Bowman, giáo sư trường luật thuộc Đại học Missouri, nhận định báo cáo của Mueller cho thấy tổng thống Trump đã vi phạm nhiều tội danh đủ để dẫn đến luận tội, nhưng công tố viên cuối cùng đã bị trói tay.

bao cao Mueller de doa Tong thong Trump anh 8

Đảng Dân chủ nhìn thấy rõ lộ trình mà Mueller để lại. Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, khẳng định: "Những hành vi cản trở công lý, dù chúng vi phạm hình sư hay không, là vô cùng rõ ràng trong trường hợp tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ. Công tố viên đặc biệt Mueller rõ ràng muốn Hạ viện cân nhắc những hệ quả trong và ngoài dự kiến".

Một trong những viễn cảnh được đề cập nhiều nhất sau cuộc điều tra là khả năng đảng Dân chủ tiến hành các bước nhằm luận tội tổng thống. Liên tục nhiều nhân vật trong đảng Dân chủ đã lên tiếng đòi lưỡng viện đi tiếp theo lộ trình mà Mueller vẽ ra.

"Robert Mueller đã hoàn thành công việc của ông ấy. Giờ là lúc để quốc hội làm đúng việc của mình", Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Chủ tịch Ủy ban Pháp lý Thượng viện, tuyên bố.

Tuy nhiên, diễn biến tại Đồi Capitol những ngày qua cho thấy phe Dân chủ vẫn khá e dè với kịch bản này, đặc biệt khi Tổng thống Trump vẫn có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri đảng Cộng hòa, theo Reuters.

Có hơn 30 nghị sĩ của đảng Dân chủ, mới nhận nhiệm kỳ đầu tiên của mình tại Hạ viện, đến từ những quận bầu cử từng ủng hộ ông Trump làm tổng thống vào năm 2016. Việc duy trì quyền kiểm soát tại Hạ viện của đảng Dân chủ sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc bảo vệ những ghế này trong kỳ bầu cử 2020. Nhiều nghị sĩ phản ứng dè chừng sau ngày 18/4, nói họ không muốn vội vàng phán xét khi chưa đọc hết bản báo cáo đồ sộ của Mueller hoặc chỉ muốn tập trung vào mối đe dọa của Nga lên hệ thống bầu cử Mỹ.

Giới lãnh đạo của đảng Dân chủ cũng vẫn rất thận trọng về viễn cảnh luận tội. Chủ tịch Hạ viện Nancy Polasi cũng lo ngại việc khởi động tiến trình luận tội chỉ làm tăng sự ủng hộ của cử tri Cộng hòa cho Tổng thống Trump. Steny Hoyer, nhân vật quyền lực thứ hai của đảng Dân chủ tại Hạ viện, trả lời CNN rằng họ thấy "không cần" phải thực hiện bước đi này vào thời điểm hiện tại.

"Chúng tôi có cuộc bầu cử trong 18 tháng tới và người dân Mỹ sẽ là những người đưa ra phán quyết cuối cùng", ông nói.

bao cao Mueller de doa Tong thong Trump anh 9

Viết trên Washington Post, cây viết bình luận chính trị Karen Tumulty cũng cho rằng việc khởi động quá trình luận tội tổng thống không phải là viễn cảnh tốt nhất cho nước Mỹ. Tuy nhiên, Tumulty nhắc nhở việc luận tội là tiến trình chính trị chứ không phải pháp lý và sẽ chỉ khiến nước Mỹ thêm chia rẽ nghiêm trọng.

Tumulty cho rằng các phe Dân chủ còn một phương án khác đỡ rắc rối hơn đó là "khiển trách" Tổng thống Trump thông qua một cuộc bỏ phiếu biểu quyết lấy đa số. Điều này chưa từng tái diễn trong lịch sử Mỹ kể từ khi Thượng viện ra quyết định khiển trách Tổng thống Andrew Jackson vào năm 1834.

"Hành động đó, dù chỉ mang tính biểu tượng, có thể là một đòn đáp trả ghi dấu ấn lịch sử đối với nhiệm kỳ của ông Trump, và có thể sẽ tác động đến cử tri Mỹ để họ quyết định liệu đã hết chịu đựng nổi ông ấy hay chưa", Tumulty viết.

Tiếp tục cuộc điều tra mà Mueller để lại có lẽ là kịch bản khả thi hơn cho đảng Dâng chủ vào thời điểm này và trên thực tế nó đang được Hạ viện gấp rút tiến hành. Ngay cuối tuần qua, khi Tổng thống Trump vừa lên đường về Mar-a-Lago nghỉ ngơi, Hạ viện đã gửi đơn lên tòa án yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ cung cấp bản đầy đủ không bị bôi xóa kiểm duyệt của báo cáo Mueller.

Ông Trump vẫn đối diện nhiều rủi ro pháp lý sau khi cuộc điều tra của công tố viên độc lập đã kết thúc. Những bằng chứng mà Mueller thu thập được về hành động cản trở công lý của Tổng thống Trump đang khiến vị thế của ông lung lay. Trả lời trên tạp chí The Havard Gazzette, cựu công tố viên Alex Whiting, chuyên gia về tố tụng hình sự tai Trường luật Đại học Havard, cho rằng bản báo cáo đầy đủ không có ích gì cho ông Trump vào thời điểm này.

"Sau lá thư của Bộ trưởng Barr, đã có những đồn đoán rằng bản báo cáo đầy đù sẽ quyết liệt hơn và tạo rắc rối nhiều hơn cho tổng thống so với những gì ông Barr tiết lộ. Tôi nghĩ điều đó là hoàn toàn chính xác. Xét đến khía cạnh cản trở công lý, ông Trump ngày hôm nay rõ ràng tồi tệ hơn ngày hôm qua", Whiting nhận định.

Chuyên gia Havard cũng cho rằng còn quá sớm để Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông tuyên bố câu chuyện Nga - Trump đã kết thúc sau khi báo cáo được công bố. Với một khối lượng chứng cứ và trích dẫn đồ sộ, 448 trang báo cáo của Mueller cùng những tài liệu liên quan sẽ cần thời gian để các ủy ban phân tích. 

Whiting nhận định Hạ viện Mỹ sớm muộn sẽ phải trả lời liệu các hành động của Tổng thống Trump đã rơi vào diện đáng bị luận tội hay không, vì bản thân những chứng cứ đã dẫn dắt đến hướng suy luận đó.

Kết thúc cuộc điều tra của mình, công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã gửi đến 14 đề xuất cho các văn phòng cùng cơ quan khác trong Bộ Tư pháp Mỹ và chính phủ về những hoạt động tình nghi vi phạm pháp luật. Ông cho biết những vụ án này "nằm ngoài quy mô thẩm quyền của công tố viên đặc biệt".  

bao cao Mueller de doa Tong thong Trump anh 10

Những cuộc chiến pháp lý có liên quan đến nhà lãnh đạo 73 tuổi chắc chắn vẫn chưa kết thúc vào lúc này. Theo New York Times, phe Dân chủ lên kế hoạch tiếp tục điều tra độc lập và công bố kết quả cho công chúng Mỹ khi Tổng thống Trump tái tranh cử vào năm 2020. Sức ép từ cuộc điều tra của Hạ viện sẽ ám ảnh ông suốt thời gian vận động tái tranh cử từ giờ đến năm sau, đồng thời cho đảng Dân chủ thêm thời gian để cân nhắc thêm những bước đi khác đối với báo cáo của Mueller.

Đối với Tổng thống Trump, "trận chiến" với cuộc điều tra của Mueller đã kết thúc, tuy nhiên cuộc chiến về tổng thể vẫn đang tiếp diễn.

Báo cáo Mueller - cuộc khủng hoảng mới của Nhà Trắng thời TT Trump

Mặc dù vẫn chưa phải là bản báo cáo đầy đủ, nhưng những thông tin từ báo cáo Mueller được Bộ Tư pháp công bố cho thấy hình ảnh lừa dối của Nhà Trắng dưới thời ông Trump.

'Đây có thể là dấu chấm hết' - TT Trump sợ hãi điều tra của Mueller

"Lạy chúa, điều này thật tồi tệ. Đây có thể là dấu chấm hết cho nhiệm kỳ tổng thống của tôi", TT Trump thốt lên trong cuộc họp năm 2017 theo tiết lộ mới từ báo cáo của Mueller.

Thanh Danh

Đồ họa: Như Ý - Hình ảnh: AFP, Reuters, Getty, Bloomberg

Bạn có thể quan tâm