EURO bước vào vòng đá loại trực tiếp và khán giả sắp được theo dõi những loạt luân lưu. Giờ các thủ môn đang rất ám ảnh về cú đá Panenka, thứ khiến việc bắt 11 m trở nên khó khăn hơn nhiều.
Nhắc đến sút kiểu Panenka, nhiều người sẽ nghĩ đến cú đá 11 m bay vào giữa khung thành. Tuy nhiên, không phải tất cả đều biết tường tận về bối cảnh lịch sử và những câu chuyện xung quanh nó.
Đức trả giá vì quá ham vui
Trận chung kết EURO 1976 của CHLB Đức với Tiệp Khắc đáng ra không phải đá loạt luân lưu và như thế thì thế giới cũng không biết đến cú đá "Panenka".
Đức khi đó là đương kim vô địch châu Âu, giữ Cúp vàng thế giới nên sắm vai ứng viên vô địch số 1 của giải. Theo kế hoạch ban đầu, ngay cả khi hai đội hòa trong hai hiệp phụ thì sẽ đá lại hai ngày sau đó.
Nước chủ nhà Nam Tư yêu cầu trọng tài người xứ Wales, ông Clive Thomas không đặt vé máy bay về nước sớm để phòng nếu đá lại thì vẫn còn ở Belgrade. Tuy nhiên, vài giờ trước trận đấu, kế hoạch đã thay đổi.
Antonin Panenka nhắc lại: “Đó là yêu cầu từ LĐBĐ Đức. Họ nói rằng các cầu thủ của Đức đặt trước vé cho kỳ nghỉ hè và vô vàn lý do khác, rồi hỏi chúng tôi liệu có thể thực hiện ngay loạt luân lưu thay vì đá lại (trong kịch bản hòa 2 hiệp phụ) hay không".
Phía Tiệp Khắc với tư cách là đội yếu hơn, cũng tính toán rằng họ có nhiều khả năng thắng trong loạt luân lưu hơn là đá lại trận thứ hai nên đồng ý. Nhờ việc cầu thủ Đức sốt sắng nghỉ hè sớm 2 ngày mà Panenka có sân khấu để trình diễn tuyệt tác cuộc đời.
Trận đấu chung kết hòa 2-2 sau thời gian hiệp phụ. Trong loạt luân lưu, Uli Hoeness sút vọt xà ngang và Panenka được trao cơ hội đá quả luân lưu quyết định.
Panenka kiểm tra lại mọi thứ trong đầu và tự nhủ: "Mọi thứ đều theo đúng sắp đặt. Không cần phải thay đổi, không cần phải hoài nghi”.
Panenka đánh cược cho một ván chơi mà mình chuẩn bị từ 2 năm trước. Thắng sẽ thành người hùng, thua sẽ thành tội đồ. Những ký ức trong 2 năm cứ thế ùa về với ông lúc đó.
Ở quê nhà, Panenka gần như hàng ngày luyện đá phạt đền. Sau khi các buổi tập ở CLB Bohemian, Panenka và thủ môn Zdenek Hruska sẽ ở lại để tập đá phạt đền.
Đó là một cuộc đấu tay đôi giữa hai người. Panenka được đá 5 quả và nếu vào tất thì sẽ thắng, còn Hruska chỉ phải cản phá một quả là thắng. Ai thua sẽ mua bia hoặc chocolate sau buổi tập.
Panenka phải liên tục trả tiền vì thua. Ông kể: “Vào buổi tối, tôi nghĩ ra cách để đánh bại Hruska – đó là lúc tôi nhận ra rằng khi tôi chạy lên, thủ môn thường sẽ đợi đến giây cuối cùng rồi lao bừa sang trái hoặc phải. Vì vậy, tôi nghĩ: 'Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi đưa bóng gần như thẳng vào giữa khung thành?'"
Panenka ăn mừng sau khi ghi bàn |
Nghĩ là làm, Panenka thử điều đó và thành công, gỡ gạc được vài chai bia. Trong thời gian tiếp theo, Panenka thử nghiệm phát minh đó trong các trận đấu ngày càng lớn hơn. Đầu tiên là trong tập luyện, sau đó là ở các trận giao hữu và cuối cùng là một tháng trước EURO 1976, trước CLB kình địch Dukla Praha tại giải Tiệp Khắc.
Panenka kể: “Ở Tiệp Khắc, mọi người đều biết rõ về kiểu đá phạt đó. Nhưng phương Tây, các nước có nền bóng đá hàng đầu, không ai quan tâm đến bóng đá Tiệp Khắc cả. Có thể họ theo dõi một số kết quả nhưng lại không xem các trận đấu của chúng tôi”.
Vì vậy, thủ môn huyền thoại của Đức, Sepp Maier không có sổ tay ghi chép hay hướng dẫn nào từ các nhà phân tích dành cho trong loạt luân lưu với Tiệp Khắc.
Trở lại thời điểm trước quả luân lưu định mệnh. Khi khom người và dán mắt vào Panenka, thủ môn của Đức chỉ còn biết dựa vào bản năng và cầu nguyện.
Ban đầu, Panenka có vẻ thực hiện giống như Hoeness, khi dùng mu bàn chân sút vào bóng thật mạnh. Nhưng đó chỉ là động tác lừa còn thực tế là một cú sục khéo léo đưa bóng đi thẳng vào giữa khung thành.
Panenka còn giơ cao tay ăn mừng trước khi bóng chạm lưới vì Maier đã đổ người. Maier bối rối trong thất bại, cố đứng dậy nhưng chỉ kịp nhìn Panenka chạy đi ăn mừng.
Thất bại là một cảm giác bất thường đối với Maier, khi thủ môn này vừa giúp Bayern Munich đoạt cúp châu Âu lần thứ ba liên tiếp vào tháng trước. Maier cảm thấy bị sỉ nhục chưa từng có.
Nỗi oan của Panenka
Một từ báo phương Tây ngày ấy mô tả: “Panenka ngạo nghễ mang về cho Tiệp Khắc chức vô địch bằng cách biến Sepp Maier như một bù nhìn".
Panenka nói: “Một số nhà báo nước ngoài, đặc biệt là những người phương Tây, khăng khăng rằng tôi chế nhạo Maier, rằng tôi biến anh ấy thành một chú hề và những thứ tương tự. Nhưng điều đó không đúng. Đối với tôi, đó chỉ là cách dễ dàng nhất để ghi bàn. Đáng buồn là Maier lại tin những gì các nhà báo đó viết về việc tôi đã chế nhạo anh ấy".
"Bất cứ khi nào Maier nghe thấy cái tên ‘Panenka’, anh ấy đều thấy khó chịu và phản ứng rất cáu kỉnh. Anh ấy đã không nói chuyện với tôi trong 35 năm tiếp theo", Panenka kể lại.
Nhưng khi nhiều thập kỷ trôi qua, mọi thứ cũng bình thường lại. Kể từ phiên bản gốc, "Panenka" được sao chép nhiều lần và được nhiều danh thủ chứng minh là một chiến thuật thực sự.
Zinedine Zidane ghi một bàn trong trận chung kết World Cup 2006 với Italy, Andrea Pirlo ghi bàn thắng vào lưới Joe Hart trong loạt sút luân lưu ở EURO 2012. Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Thierry Henry, Neymar và Zlatan Ibrahimovic đều thành công.
Maier không còn là nạn nhân cô đơn nữa. Rất nhiều thủ môn cũng bị hạ bởi kiểu tương tự. Vết hằn của năm 1976 đã phai, vết đau cũng không còn.
Panenka nói: “Tôi nghĩ rằng mối quan hệ của chúng tôi gần đây hoàn toàn bình thường. Lần cuối cùng tôi gặp Maier là 4 hoặc 5 năm trước. Trong cuộc họp báo do phía Đức sắp xếp ở Praha, tôi có thể thấy rằng anh ấy không hề khó chịu hay tức giận với tôi. Chúng tôi uống bia và chơi gôn cùng nhau".
"Anh ấy thậm chí có thể mỉm cười khi đề cập về quả đá phạt đó. Khi lần đầu tiên nhìn thấy tôi trong lần gần đây nhất, anh ấy đã vẫy ngón tay với tôi và dùng tay ký hiệu cho đường đi của cú sút”, Panenka nói.
Nhưng Panenka cũng là nạn nhân của quả phạt đền năm 1976. Vì cú đá phạt đó nên người ta chẳng hề nhớ đến các kỹ năng chơi bóng khác của ông. Tài năng của Panenka bị chôn vùi bởi chính danh tiếng do ông tạo ra tại chung kết EURO.
Panenka và Meier gặp lại nhau trong một trận cầu từ thiện |
Panenka tâm sự: “Một mặt, tôi tự hào vì phát minh ra cách sút phạt đó, nó quá nổi tiếng và được những cầu thủ giỏi nhất lặp lại. Nhưng sự thật là mỗi khi nhắc đến cái tên Panenka, mọi người chỉ nghĩ đến ‘quả phạt đền Panenka’ mà thôi".
"Vì vậy, một mặt tôi tự hào, nhưng mặt khác tôi hơi không vui vì quả phạt đền xóa đi tất cả những gì tôi muốn mang đến cho người xem - rất nhiều đường chuyền, bàn thắng, cơ hội do tôi tạo ra. Ở khía cạnh nào đó, quả phạt đền đã giết chết sự nghiệp của tôi”, Panenka nhấn mạnh.
Dù vậy, khi hỏi Panenka nếu được quay lại khoảnh khắc đối đầu với Maier, liệu ông có dám làm lại điều tương tự hay không, Panenka đưa ra câu trả lời rất rõ ràng: "Tất nhiên là tôi vẫn sẽ làm như vậy! Chắc chắn rồi! Tôi không thể làm gì khác được".
Cuốn sách “Brilliant Orange: The Neurotic Genius of Dutch Football” xuất bản lần đầu năm 2000. Là người Anh nhưng Winner rất ngưỡng mộ bóng đá Hà Lan, và viết ra cuốn sách về bóng đá giàu trí tuệ bậc nhất từ trước đến nay.
Bình luận