Làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 khiến Ấn Độ vỡ trận và rơi vào cuộc khủng hoảng, các hoạt động trên các lĩnh vực của quốc gia Nam Á bị đình trệ. Ngành xuất bản cũng không tránh khỏi chịu tổn thất nặng nề.
"Công nghiệp xuất bản chịu tác động tiêu cực ở mọi khía cạnh, từ sản xuất, phát hành cho đến tiếp thị. Không cách nào lạc quan trong bối cảnh này, chúng tôi vẫn tìm cách thoát khỏi cơn ác mộng", Udayan Mitra, Giám đốc chi nhánh HarperCollins tại Ấn Độ, chia sẻ.
Ngành xuất bản Ấn Độ rơi vào thời kỳ khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Ảnh: BW Businessworld. |
"Đại dịch như cơn sóng thần"
Current Books là hiệu sách nổi tiếng tại thị trấn Irinjalakuda, trung tâm bang Kerala, một trong những cái nôi văn hóa lớn tại Ấn Độ. Từ ngày đại dịch hoành hành, cửa tiệm gần như vắng tanh, phía trước treo thông báo giảm giá 40% cùng yêu cầu "giãn cách xã hội", đã bạc màu vì nắng và bụi.
"Đã lâu lắm rồi, tôi không thấy được quá 5 người bước vào đây cùng lúc. Bất chấp sách giảm giá mạnh, mọi người vẫn ngại ra đường mua vì sợ nhiễm virus", ông Raj Sundar, nhân viên tại cửa hàng nói.
Ravi Deecee, Giám đốc điều hành DC Books, cho biết thời điểm cả nước bắt đầu giãn cách xã hội, mọi người đổ xô đi mua thực phẩm, đồ dùng cá nhân để tích trữ nhưng không ai mua sách vì nó không thiết yếu. Sách là xa xỉ phẩm giữa lúc người dân chỉ cần không khí sạch, thức ăn và thuốc chữa bệnh.
Kể từ khi phong tỏa, các chủ cửa hàng không dám nhập sách mới, sách tồn kho cũng không giải quyết được, tình trạng ngưng trệ kéo dài, ngành xuất bản của quốc gia này gần như bị tê liệt. Các ấn bản mới đang chờ phát hành đều bị dời lịch, không ai biết rõ khi nào mới có thể ra mắt.
Theo thống kê của tờ BW Businessworld, 90% sách tại Ấn Độ kinh doanh theo hình thức trực tiếp, vì thế khi không có khách mua, hàng loạt hiệu sách đã phá sản.
Với doanh thu chạm đáy, nhiều đơn vị phải rút ngắn danh sách phát hành mới. Dù nhận được hỗ trợ từ chính phủ, song nhiều người lựa chọn đóng cửa hiệu sách và chuyển sang bán tạp hóa hoặc về quê làm nông.
"Không ai tha thiết mua sách giữa lúc này cả, mọi người còn không được hít thở bình thường nữa là đọc sách", Thomas Abraham, Giám đốc điều hành Hachette Book Group, nói.
Triển lãm hay hội chợ vốn là nguồn thu lớn cho các đơn vị kinh doanh sách, cũng phải hoãn vô thời hạn. Trước đó, Ấn Độ trải qua thời gian dài chịu đựng hạn hán. Chính quyền nhiều nơi đã phải từ chối các nhà bán lẻ đến mở hội chợ sách vì "người dân chỉ cần nước sạch, không cần sách".
"Hàng tháng, chúng tôi phải đối mặt việc ngừng xuất bản sách mới cùng doanh số bằng không. Tình hình vốn đã tồi tệ thì đại dịch giống như cơn sóng thần làm trầm trọng thêm vấn đề và đánh gục chúng tôi", ông Abraham chia sẻ.
Nhiều tháng liền, doanh số bán sách tại Ấn Độ gần như bằng không. Ảnh: News Junkie Post. |
Hy vọng giữa tình hình ảm đạm
Tuy không quá lạc quan trước hoàn cảnh khó khăn hiện tại, song nhiều đơn vị xuất bản cố gắng điều chỉnh và tích cực tìm kiếm giải pháp. Kinh doanh trực tuyến là một phần của sự thay đổi đáng kể tại đây.
Milee Ashwarya, Giám đốc Penguin Random House tại Ấn Độ, cho biết năm 2020 chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về cách thức mua sách của người dùng. Sức mạnh của nền tảng trực tuyến bây giờ mới bắt đầu khi doanh số bán online tăng đột biến.
"Doanh số bán hàng tổng thể giảm đi rất nhiều, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì, tìm cách tồn tại giữa lúc này. Tất cả đang tập trung vào nền tảng trực tuyến để bán hàng và tiếp thị, các tác giả cũng đang cố gắng hoạt động trên mạng xã hội giao lưu với độc giả", bà Ashwarya cho biết thêm.
Khảo sát của tờ BW Businessworld cho thấy người dùng tìm cách đọc nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch. Không thể tiếp cận với sách in, họ tìm đến sách điện tử và sách nói. "Vị cứu tinh cho ngành xuất bản của Ấn Độ ngay lúc này chính là sách điện tử và sách nói", trang này nhận định.
Trong thời kỳ đại dịch, Hachette Book Group đạt tăng trưởng hơn 87% ở phân khúc sách điện tử, cùng lúc DC Books có bước phát triển nhảy vọt với doanh thu sách điện tử tăng 300%.
Tuy nhiên, sách điện tử chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh số tại Ấn Độ. Dù nó đang được đầu tư để phát triển bởi nhiều người dùng nhìn thấy sự tiện dụng của sách điện tử. Nhưng phân khúc này vẫn còn quá nhỏ để có thể đóng góp đáng kể vào doanh số chung.
"Nó chưa đủ để thay thế sách in truyền thống và cứu vãn cả một công ty nhưng ít nhất chúng tôi biết mình sẽ đầu tư vào đâu trong thời gian sắp tới", Thomas Abraham khẳng định.
Thiếu điều kiện tiếp cận Internet là rào cản phát triển sách điện tử tại Ấn Độ. Ảnh: Times of India. |
Mặt khác, BW Businessworld cũng chỉ ra thực tế rằng phần lớn dân số Ấn Độ đang phải vật lộn với đại dịch và nghèo đói. Tỉ lệ không được tiếp cận và sử dụng Internet tại đất nước này cũng lên đến 50%. Đó là rào cản cho việc phát triển sách ở các định dạng kỹ thuật số.
Các công ty và nhà xuất bản tại Ấn Độ đã đề nghị chính phủ nước này hỗ trợ trong thời kỳ khó khăn. Bắt đầu bằng việc đưa sách trở thành sản phẩm cần thiết trong thời kỳ phong tỏa. Tiếp theo là có chính sách bảo vệ bản quyền đối với các tác phẩm phát hành ở định dạng kỹ thuật số.
"Đại dịch đã thay đổi vĩnh viễn mô hình xuất bản hiện tại, khiến chúng tôi phải suy nghĩ về cách thức hoạt động trong tương lai. Điều này khắc nghiệt nhưng cần thiết để không bị đào thải", Thomas Abraham nói.