Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Còn 200 năm nữa mới có thể dọn hết bom Mỹ chưa nổ tại Lào

Trong lễ Tạ ơn cách đây 50 năm, quân lính Mỹ tại Lào nhận được bữa tối gà tây được chuyển đến bằng trực thăng, còn lãnh thổ Lào hứng hàng triệu quả bom từ máy bay Mỹ.

Lễ Tạ ơn là truyền thống của Mỹ mà các nước châu Á không có. Tuy nhiên, 50 năm trước, những bữa tối gà tây xuất hiện ở nước Lào, quốc gia Đông Nam Á nhỏ, nghèo, và là nước chịu thiệt hại nặng nề lâu dài nhất trong chiến tranh Việt Nam.

Lễ Tạ ơn được tổ chức vào thứ 5 tuần thứ tư của tháng 11. Năm 1968, ngày lễ rơi vào 28/11. Tổng thống Lyndon Johnson ra lệnh cho trực thăng vận chuyển bữa tối truyền thống với gà tây đến binh lính Mỹ có nhiệm vụ chia cắt Đường mòn Hồ Chí Minh. Đây là mạng lưới giao thông quân sự đưa vũ khí và lương thực từ miền Bắc Việt Nam chi viện cho miền Nam, chạy qua phía đông nước Lào. 

Tuy nhiên, cùng lúc đó, Mỹ đã bắt đầu thả hàng triệu quả bom xuống khu vực Đường mòn, để rồi 50 năm trôi qua, Lào vẫn đang chật vật xử lý hậu quả là 100 triệu quả bom chưa nổ.

bom My tai Lao anh 1
Bom đã được phá dỡ tại Xépôn, Lào. Ảnh: Halo Trust.

Quả bom 227 kg

Trên con đường đất đầy bụi gần thị trấn Xépôn phía đông nam Lào, cách biên giới Việt Nam 46 km và gần với mạng lưới huyết mạch Đường mòn Hồ Chí Minh, ngày mới bắt đầu bằng lời cảnh báo.

“Minh, hãy nhớ là không kim loại. Thước mét của anh có kim loại kìa”, Calum Gibbs, thanh niên Scotland vạm vỡ, nói. Gibbs phụ trách điều hành dự án tại Halo Trust, một trong những tổ chức phi chính phủ đang giúp xử lý những thiết bị chưa nổ còn sót lại tại Lào sau năm 1973, thời điểm chiến dịch dội bom kéo dài 9 năm của Mỹ kết thúc.

Minh là người Lào, dáng vóc cân đối, được tổ chức Halo đào tạo trở thành chuyên gia xử lý bom chưa nổ. Minh lúng túng đưa thước lại cho đồng nghiệp, Gah, trước khi vào rừng xem xét quả bom mà dân làng tìm thấy. Một nhóm khác của tổ chức này từng cố phá hủy quả bom nhưng không thành công.

Gah giải thích với phóng viên Padraic Convery của South China Morning Post (SCMP) rằng mang kim loại tới gần ngòi nổ vẫn hoạt động có thể sẽ khiến thiết bị phát nổ. “Nguy hiểm nhất là những quả bom nhạy cảm nhiệt hoặc có kíp nổ được kích hoạt bằng từ tính”, anh nói.

Sau khoảng 10 phút, Minh xuất hiện trở lại từ cánh rừng.

“Tính từ kíp, có khoảng 45 cm chất nổ sức công phá mạnh. Những phần sót lại của quả bom đều có lớp kim loại dày nên chúng ta không thể đốt lửa gây nổ. Quả bom tương đối lớn, khoảng 227 kg”, anh nói.

“Vậy kế hoạch là gì? Phá hủy nó?”, Gibbs hỏi.

bom My tai Lao anh 2
Gah, nhân viên người Lào tại Halo Trust, chỉ vị trí khảo sát bom chưa nổ tại Xépôn. Ảnh: Padraic Convery.

Minh dự kiến tính toán khoanh vùng khu vực trước khi phá bom. Đối với quả bom 227 kg, tổ chức Halo khuyến cáo con người và vật nuôi không được phép ở trong vòng bán kính 1,5 km. Khu vực giới hạn có thể được thu hẹp bằng việc đắp tường, đất hoặc bao cát, nhưng con đường gần thị trấn Xépôn lúc đó nằm hoàn toàn trong vùng bị ảnh hưởng và sẽ được phong tỏa.

Gibbs chỉ về phía những bao cát chồng chất ở bờ sông, cho hay chúng sẽ tạo nên một lô cốt bảo vệ. “Dây dẫn nổ mà dài tới 1,5 km là không khả thi, nên bạn phải dựng boong ke ngay trong khu vực nổ, với bao cát phía trên, vững chắc và an toàn khỏi những mảnh bom”.

Dựng boong ke, phong tỏa đường, hàng chục nhân sự của Halo, số lượng lớn thuốc nổ C4, hàng trăm mét dây dẫn và rủi ro chực chờ - tất cả nỗ lực nhằm xử lý duy nhất một quả bom, trong khi Mỹ đã thả gần 300 triệu quả xuống Lào!

Sống cùng bom

Tháng 11/1968, trong lúc những bữa tối gà tây được trực thăng đưa tới, chiến dịch ném bom của Mỹ cũng dần leo thang, con số 4.700 chuyến bay xuất kích hồi tháng 10 lên đến khoảng 12.800 chỉ sau một tháng. Máy bay Mỹ đã thực hiện tổng cộng 580.000 phi vụ dội bom tại Lào, tức là cứ 8 phút lại có một trận và việc này xảy ra hàng ngày trong suốt 9 năm.

Lào trở thành quốc gia bị ném bom nặng nề nhất lịch sử. Ước tính 1/3 số bom được thả xuống đã không kích hoạt và nước này hiện có 80 triệu quả bom chưa nổ nằm rải rác ở các con đường, làng mạc, rừng và đất canh tác khắp cả nước. 45 năm sau cuộc chiến, Lào đã phát hiện và xử lý 20 triệu quả bom chưa nổ, nhưng với tiến trình hiện tại, việc loại bỏ hoàn toàn mọi nguy hiểm sẽ cần tới 200 năm nữa.

Nguồn lực phục vụ cho công tác xử lý bom mìn được cung cấp bởi cả chính phủ và nhà thầu tư nhân. Việc phát hiện kim loại và khoáng sản quý trong khu vực Xépôn cũng thu hút nhiều công ty nước ngoài thúc đẩy các dự án nỗ lực dọn sạch bom mìn.

Tuy nhiên, khi khu vực có bom là nơi người dân sinh sống và canh tác thì công tác xử lý chủ yếu được đặt vào tay tổ chức phi chính phủ như Halo, MAG, tổ chức Cứu trợ Người dân của Na Uy và tổ chức Hoạt động Bom mìn Nhật Bản (JMAS).

bom My tai Lao anh 3
Thành viên tổ chức Halo Trust dò tìm và loại bỏ những mảnh bom đạn. Ảnh: Padraic Convery.

“Chúng tôi quyết định ưu tiên xử lý dựa trên ảnh hưởng và những người được hưởng lợi, nên chúng tôi dọn những khu vực sẽ được sử dụng để trồng trọt hoặc xây trường học. Tại một trong những ngôi làng mà chúng ta vừa đi qua, chúng tôi đã dọn sạch bom và họ xây một trường học ở đó. Đó chính xác là những gì chúng tôi muốn”, Gibbs nói với phóng viên SCMP.

Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong việc bảo đảm an toàn cho người dân. “Chúng tôi cử đội ngũ tuyên truyền tới dạy các em học sinh về những rủi ro. Họ có một bài hát về bom chưa nổ và bọn trẻ hát để nhớ rằng bom nguy hiểm ra sao”, anh chia sẻ.

Một số lượng lớn nạn nhân của những vật nổ nằm rải rác khắp nước Lào đều còn trẻ.

“Tôi mới ở Lào hai ngày thì có tin một đứa bé 8 tuổi thiệt mạng. Bọn trẻ có vẻ như đã quăng ném quả bom chúng tìm thấy trong rừng”, Gibbs kể. Anh nhớ quả bom phát nổ là bom con BLU 24, kích thước và hình dáng giống như quả bóng tennis.

“Một em thiệt mạng, một em bị thương nặng và 3 bé gái khác bị thương do mảnh vỡ từ vụ nổ”, Gibbs nói. “Tôi nhớ lại lúc tôi còn bé. Nếu tôi lớn lên ở đây thì hẳn tôi cũng sẽ chơi với những thứ này. Giả dụ bạn thấy một quả bóng sắt, nó sẽ trở thành đồ chơi ném qua lại với bạn bè”.

“Người dân ở đây, như bố mẹ, ông bà chúng, đều đã sống quá lâu trong tình trạng này, đến mức nó trở thành một phần cuộc sống”, anh nhận định.

Nhờ nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ trong công tác giáo dục và xử lý bom mìn, số người chết vì bom hàng năm đang giảm dần, từ khoảng 200 người cách đây 20 năm xuống còn 50 trong thời gian gần đây.

“Theo số liệu tôi từng được thấy, tổng cộng khoảng 50.000 người thiệt mạng vì tai nạn bom mìn từ khi chiến tranh kết thúc. Vì giờ đây hầu hết khu vực đô thị đã được dọn dẹp nên số người chết giảm bớt. Tuy nhiên, dân số tăng đồng nghĩa với việc nhiều vùng sẽ được khai hoang thành đồng ruộng, người dân sẽ ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với vật liệu chưa nổ”, Gibbs nhận định.

Việc làm cho người dân, tài trợ từ chính phủ

Minh cho biết nhóm khảo sát của Halo mỗi tháng nhận được khoảng 60 cuộc gọi thông báo về vật liệu nổ và các chuyên gia phá khoảng 70-80 thiết bị nổ hàng tháng. Tổ chức này đang chạy đua với thời gian trong công việc khó khăn, nguy hiểm và chậm chạp.

Toát mồ hôi trong bộ quần áo bảo hộ, nhóm dọn bom trèo lên ngọn đồi dốc, vượt qua những bụi cây ở đồn điền chuối. Đi tiếp 200 m nữa, họ tới khu vực được đánh dấu sơn xanh quanh quả bom con BLU 26. Loại bom này đã làm nhiều người thiệt mạng hơn bất kỳ vật liệu chưa nổ nào khác tại Lào.

Phóng viên Convery kể điểm dừng chân tiếp theo sau một chuyến đi xóc qua con đường đầy ổ gà là trên sườn đồi nơi một khu vực có kích thước bằng sân bóng đá đã được dọn bớt thảm thực vật để các nhân viên xử lý bom mìn có thể sử dụng máy dò kim loại. Họ tốn 8 năm khảo sát khu vực này và phát hiện thêm 8 bom con cùng một quả bom lớn. Khu vực này được nghi là còn nhiều vật liệu chưa nổ vùi lấp dưới mặt đất.

Các thiết bị bắt đầu phát tiếng báo động khi nhóm chuyên gia không ngừng dò tìm trên sườn dốc. Mỗi lần như vậy, họ đào quanh khu vực phát ra tín hiệu và xác định vật nằm dưới lớp đất. Thường thì chúng chỉ là mảnh đạn nhưng mọi tín hiệu đều phải được xem xét kỹ. Những mảnh vỡ kim loại cần phải được loại bỏ để tránh làm nhiễu máy dò.

bom My tai Lao anh 4
Bom con BLU 26 được phát hiện ở Xépôn. Ảnh: Padraic Convery.

May thay, nhóm của tổ chức Halo chưa có thương vong khi khảo sát hay dò mìn. Công việc tại các tổ chức phi chính phủ cũng đang trở nên phổ biến với người dân địa phương. Halo đang chuẩn bị tăng số nhân sự tại Lào từ 330 đến 550.

Tại một quốc gia mà hầu hết người dân sống chỉ với 2 USD/ngày, công việc ở tổ chức phi chính phủ có thể là một bước ngoặt may mắn, kể cả khi thời hạn lao động có thể sẽ bị kết thúc sớm.

Phần lớn kinh phí của Halo tại Lào đến từ chính phủ Anh và Mỹ. Trong những tháng cuối nhiệm sở năm 2016, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết tăng gấp đôi khoản hỗ trợ 45 triệu USD để xử lý bom chưa nổ tại Lào trong 3 năm.

“Một số chính phủ tham gia tích cực vào công tác dọn bom mìn, và kinh phí cũng tùy thuộc vào bên phụ trách. Đó luôn là một trong những khó khăn bởi khoản tài trợ là tùy thuộc vào các chính trị gia. Năm nay họ có thể quyết định rằng ưu tiên phải khác đi để thu hút cử tri, ít chính khách nào nhìn xa hơn nhiệm kỳ của họ”, Gibbs nói.

Vốn tài trợ bấp bênh là chủ đề được bàn luận thường xuyên của cộng đồng xử lý bom mìn ở Lào, trong khi đó, việc các nhà tài trợ mong đợi mục tiêu không thực tế cũng có thể là nguồn gốc gây bức bối.

“Vì mục tiêu thường không đạt được, nên nhiều khả năng các cơ quan chức năng liên quan sẽ quay lưng và tuyên bố chúng tôi không đạt mục tiêu nên họ không hỗ trợ nữa”, một nhân viên tổ chức phi chính phủ nói, cho biết thêm nhân công địa phương sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng đặc biệt.

Khi làm việc ở tổ chức phi chính phủ nước ngoài, người dân địa phương có lợi từ không chỉ lương hấp dẫn mà còn từ cơ hội được đào tạo chuyên nghiệp. Và mặc dù công việc vất vả, nhiều hiểm nguy, “họ cảm thấy đang làm được việc tốt giúp ích cho đất nước”, Gah giải thích.

Lễ Tạ ơn của người Lào

Dân số Lào tăng nhanh từ 3 triệu vào năm 1975, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, tới ngày nay là gần 7 triệu. Với độ tuổi trung bình là khoảng 21, Lào có lẽ là quốc gia có dân số trẻ nhất Đông Nam Á. Vì vậy, tỷ lệ sinh nhìn chung ở mức cao và số liệu được dự báo tiếp tục tăng. Dân số tăng đồng nghĩa với lượng lương thực phải theo kịp, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng nhiều đất hơn cho canh tác. Do đó, người dân có thể sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn.

“Trong mùa cấy, mọi người đều ra ngoài và họ tìm thấy nhiều vật lạ nên chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại hơn”, Gibbs nói.

Vào ngày lễ Tạ ơn 22/11, khi người Mỹ tận hưởng bữa tối gà tây, như quân lính nước họ ở Đông Nam Á nửa thế kỷ trước, người dân Lào, đặc biệt tại khu vực nông thôn bị bom Mỹ tàn phá, có lẽ cũng sẽ tạ ơn chừng nào mùa gặt không phải chịu thương vong bởi di sản chiến tranh.

Xe cứu trợ vỡ đập Lào lao xuống sông, 1 người thiệt mạng

Xe tải chở hàng hóa cứu trợ cho các nạn nhân vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đã gặp tai nạn và lao xuống sông khiến ít nhất 1 người thiệt mạng.

Lũ từ vụ vỡ đập Lào đổ xuống Campuchia, hàng nghìn người di tản

Nước lũ tại một số khu vực ở Campuchia cao đến 11,5 m khiến hàng nghìn hộ dân di tản trong khi chính quyền tìm cách đối phó với sự cố.

Ngọc Hà

Bạn có thể quan tâm