Liên quan đến sự việc ông Hùng (ở huyện Bình Chánh, TP HCM) nấu cơm để 48 giờ thì chuyển màu đỏ, các chuyên gia cho rằng có thể do bị ôi thiu trong môi trường không đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Quốc Lý - Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương chi nhánh phía Nam, trước hết phải xem tính phổ biến của hiện tượng này đến mức nào. Nếu nhiều người cùng mua loại gạo này và nấu cơm có cùng hiện tượng thì lúc đó mới kiểm định, tìm nguyên nhân để hạn chế rủi ro cho cộng đồng.
Ông Lý phân tích, thường một lô gạo chế biến ra khoảng vài tấn. Nếu nhiều người dân mua của cùng một đại lý thì sẽ nhiều nhà sẽ gặp cùng hiện tượng. Khi số đông cùng bị thì phải kiểm chứng để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Loại gạo ông Hùng mua về nấu. Ảnh: K.T |
"Khi kiểm nghiệm, cơ quan chức năng phải lấy mẫu đưa vào trung tâm hóa để phân tích xem nguyên nhân đổi màu, nguồn gốc gạo", ông Lý nói.
Theo ông Lý, trường hợp người dân ở huyện Bình Chánh mua 5 kg mà ăn hết 4 kg rồi mới phát hiện thì rất lạ, phải tìm hiểu kỹ. Ông phân tích, trước đây cũng có một số tin gạo giả nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Vì gạo là loại thực phẩm rẻ nên nếu làm giả thì sẽ không có lợi nhuận.
Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan (giảng viên Khoa Hóa, trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM) cho biết thông thường, cơm khi để ra môi trường ngoài cũng thay đổi màu, khi bị ôi thiu thì chuyển sang màu vàng nhạt, có nấm mốc.
Trường hợp cơm chuyển sang màu đỏ, có thể do có chất Anthocyanin - là hợp chất hữu cơ có màu đỏ tía. Nếu chất này tự nhiên có trong gạo thì ăn vào rất tốt. Còn để biết gạo có độc hay không thì phải lấy mẫu kiểm định.
Trước đó, vào tháng 3/2016, ông Hùng ra chợ Bình Chánh mua 5 kg gạo trắng loại Đài Loan với giá 18.000 đồng/kg. Khi nấu ăn, người này thấy cơm rất dẻo và thơm, ngon. Đến 25/3, ông nấu cơm từ sáng nhưng do có công việc nên không ăn hết. Khoảng 2 ngày sau, ông này lấy nồi cơm ra định đi rửa thì thấy cơm nổi màu đỏ quạch như bị tẩm thuốc đỏ.
Các chuyên gia nghi vấn nguyên nhân cơm màu đỏ có thể do bị thiu. Ảnh: K.T |
Nghi ngờ chất lượng gạo có vấn đề, ông tiếp tục nấu thêm một nồi để đến sáng thì vẫn thấy cơm đổi màu đỏ. “Tôi không biết gạo này có bị nhuộm thuốc hoặc hóa chất gì không. Khi phát hiện sự việc, gia đình đã ăn hết gần 4 kg, chỉ còn lại hơn 1 kg chưa nấu. Giờ cả nhà rất hoang mang, không biết có bị bệnh tật gì từ gạo này không", ông Hùng lo lắng.
Nhiều hàng xóm thấy sự việc kỳ lạ, tò mò nên lấy một ít gạo về nấu thử, để qua hôm sau cũng thấy hiện tượng tương tự. Theo quan sát, loại gạo này có hạt nhỏ, bóng và trong hơn so với gạo thường. Đặc biệt, những hạt cơm để qua đêm chuyển sang màu đỏ nếu bỏ trong nước một lúc thì nước cũng chuyển màu, nhưng cơm vẫn trong tình trạng bóng, không hôi.
"Mấy ngày nay tôi cảm thấy hơi tức bụng đầy hơi, không tiêu và cũng không dám ăn nhiều cơm. Trước kia ăn được một tô giờ chỉ ăn được một chén. Vợ tôi buôn bán ngoài chợ đến tối, không ăn cơm nhà nên không có triệu chứng gì. Giờ tôi rất hoang mang, sợ gạo bị tẩm hóa chất độc hại”, ông Hùng bộc bạch.
Theo sự chỉ dẫn của ông Hùng, chúng tôi đến gặp chủ cửa hàng bán loại gạo trên đường Trịnh Như Khuê (ngay chợ Bình Chánh). Người chủ thừa nhận số gạo ông Hùng mua tại đây, có giống lúa từ Đài Loan. Khi người dân xôn xao hiện tượng lạ, bà cũng ngạc nhiên. "Tôi nấu ăn thấy khá ngon, giá hợp lý nên nhập về để bán. Cũng đã có nhiều khách mua nhưng chưa nghe ai phản ánh về hiện tượng cơm chuyển màu", người này nói.