Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Coi thừa cân, béo phì là bệnh để điều trị hiệu quả

Hiện trên thế giới có tới 2,1 tỷ người bị thừa cân, béo phì, chiếm tới 30% dân số. Tỷ lệ người mắc cũng đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Thừa cân, béo phì hiện là một dạng bệnh lý cần điều trị và xử lý sớm. Ảnh: i_yunmai.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là tình trạng tích tụ mỡ quá thừa trong cơ thể tới mức ảnh hưởng có hại tới sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.

Với mức độ gia tăng như hiện tại, dự kiến vào năm 2030, toàn cầu sẽ có khoảng 50% dân số bị thừa cân và béo phì.

Điều đáng nói là tỷ lệ thừa cân và béo phì ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Thống kê hiện nay cho thấy có tới 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị xếp loại béo phì và 340 triệu trẻ vị thành niên trên toàn thế giới mắc tại bệnh lý này.

Tại Việt Nam, tình trạng thừa cân và bệnh béo phì cũng đang ngày một gia tăng. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành tại Việt Nam hiện nay là 6,6%.

Liên quan vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Anh Tú, khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị béo phì.

Trong đó, y học thường chia thành hai nhóm điều trị chính bao gồm: Điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật.

Điều trị không phẫu thuật

Theo vị chuyên gia, phương pháp đầu tiên và quan trọng bậc nhất trong điều trị béo phì không phẫu thuật là thay đổi chế độ ăn.

“Nguyên lý chung của việc điều trị béo phì không can thiệp phẫu thuật là nỗ lực giảm lượng mỡ thừa thông qua việc làm giảm năng lượng đưa vào cơ thể”, BS Anh Tú nói.

cach dieu tri beo phi anh 1

Thay đổi chế độ ăn là phương pháp điều trị thừa cân, béo phì quan trọng nhất nếu không phẫu thuật. Ảnh minh họa: carles_rabada.

Cụ thể, mục tiêu của mọi phương pháp ăn kiêng là làm giảm 10% trọng lượng cơ thể của bệnh nhân béo phì. Ở những bệnh nhân béo phì có BMI (chỉ số khối cơ thể dựa trên cân nặng và chiều cao) trên 35 hoặc trên 30 nhưng kèm theo bệnh lý đái đường, mục tiêu cần đạt được sẽ lên tới 15-20% trọng lượng cơ thể.

BS Tú cũng cho hay hiện có nhiều loại chế độ ăn kiêng khác nhau, tuy nhiên, các hình thức chính vẫn là:

  • Chế độ ăn giảm năng lượng (hay giảm béo)
  • Chế độ ăn giảm năng lượng nhiều protein
  • Chế độ ăn rất thấp calo (năng lượng nạp vào thấp hơn 1.000 calo/ngày)

Lưu ý thứ 2 là điều trị thuốc. BS Anh Tú cho biết Cục Quản lý Dược của Mỹ đã cấp phép cho một số loại thuốc bày bán trên thị trường có thể hỗ trợ bệnh nhân thừa cân, béo phì như phentermine, orlistat, phentermine/topiramate, lorcaserin, naltrexone và liraglutide.

“Cơ chế của các thuốc này đều tác dụng lên thần kinh trung ương, làm giảm cảm giác đói và thèm ăn. Riêng orlistat còn làm giảm hấp thu chất béo trong thức ăn”, vị chuyên gia nói.

Tuy nhiên, thuốc điều trị béo phì chỉ được các bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân thay đổi chế độ ăn và hoạt động thể lực thất bại, trường hợp có chỉ số BMI trên 27 kèm theo bệnh phối hợp hoặc BMI trên 30.

Hầu hết thuốc điều trị béo phì được cấp phép có hiệu quả giảm cân từ 3% đến tối đa là 7% trọng lượng cơ thể tùy loại.

Tuy nhiên, BS Anh Tú cảnh báo các loại thuốc giảm béo đều có tác dụng phụ. Thực tế cũng cho thấy khi ngừng dùng thuốc, 80% bệnh nhân béo phì tăng cân trở lại.

Từ đây, vị chuyên gia khuyến cáo các bệnh nhân béo phì không nên tự mua và sử dụng những loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc trên thị trường. Nguyên nhân là các sản phẩm này có thể gây ra những biến chứng và tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bệnh nhân.

Phương pháp cuối cùng và quan trọng không kém dinh dưỡng trong điều trị béo phì không phẫu thuật là vận động thể lực.

Theo BS Tú, những bệnh nhân béo phì nhưng không hoạt động thể lực hay tập thể dục đều có nguy cơ cao bị các bệnh lý tim mạch và đái tháo đường.

“Hiệu quả giảm cân của các hoạt động thể lực hay tập thể dục sẽ thay đổi tùy mức độ và thời gian tập luyện. Mức độ giảm cân cũng thay đổi tùy thuộc từng bệnh nhân với thể trạng khác nhau”, bác sĩ nói.

Điều trị béo phì bằng phẫu thuật

BS Đoàn Anh Tú cho hay phẫu thuật điều trị bệnh béo phì được phát triển từ những năm 1960. Trước đó, béo phì mức độ nặng vẫn khá hiếm gặp.

cach dieu tri beo phi anh 2

Sau hai tháng đặt đai thắt dạ dày giảm béo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, H.P.L. (nữ, 16 tuổi, nặng 90 kg) giảm được 10 kg. Ảnh: BVCC.

“Thời điểm đó, chủ yếu phẫu thuật béo phì bắt đầu với các phẫu thuật nối tắt hoặc làm ngắn ruột non. Tiếp theo đó, phẫu thuật giảm béo sẽ can thiệp vào dạ dày (nối tắt dạ dày hoặc tạo hình dạ dày). Theo thời gian, các phương thức phẫu thuật béo phì ngày một phát triển”, vị chuyên gia chia sẻ.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ và nội soi, phẫu thuật nội soi đang dần chiếm ưu thế trong phẫu thuật giảm béo và trở thành xu hướng phát triển của chuyên ngành này.

Thông qua nhiều loại phẫu thuật giảm béo, việc giảm cân nặng ở các bệnh nhân béo phì có hiệu quả rõ ràng. Song song với hiệu quả giảm cân, các bệnh lý liên quan như các rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy tim… cũng được cải thiện đáng kể.

Theo BS Anh Tú, mỗi phương pháp phẫu thuật béo phì đều có ưu và nhược điểm riêng. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ hay phẫu thuật viên sẽ tư vấn và lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Hiện nay, hai phương pháp phẫu thuật điều trị béo phì đang được sử dụng nhiều nhất là phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày và phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hình ống.

Tỷ lệ béo phì ở Việt Nam ngày càng gia tăng

Theo sự phát triển của xã hội, thừa cân, béo phì đang trở thành một trong những căn bệnh của thời hiện đại với số người mắc ngày càng tăng.

5 loại thực phẩm, đồ uống giúp giảm cảm giác thèm ăn

Việc kiểm soát được cảm giác thèm ăn giúp bạn không ăn quá nhiều, giảm nguy cơ tăng cân, béo phì.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm