Theo South China Morning Post, cuộc đấu giá được cơ quan đấu giá Xiling Yinshe tổ chức tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, hôm 15/7. Người thắng cuộc cho biết ông tham gia thay mặt cho một nhà sưu tầm khác.
Đĩa cổ Hề Giáp Bàn với chất liệu bằng đồng được chế tác vào năm 823 trước Công nguyên dưới thời Tây Chu (1046 - 771 trước Công nguyên). Chiếc đĩa cao 11,7 cm, rộng 47 cm với tay cầm ở hai bên. Trên lòng đĩa có khắc 133 ký tự lưu lại thông tin lịch sử quý giá về nhà Tây Chu.
Theo China Daily, đây là cổ vật bằng đồng lâu đời nhất được phát hiện cho tới nay tại Trung Quốc.
Đĩa cổ Hề Giáp Bàn. Ảnh: China Daily. |
Hề Giáp Bàn được đặt theo tên của Doãn Cát Phủ, quốc công nước Doãn, một chư hầu của nhà Tây Chu. Doãn Cát Phủ cũng là người sưu tầm chính của Kinh Thi, bộ sưu tầm thơ đầu tiên của Trung Quốc.
Chiếc đĩa cổ được khai quật dưới thời nhà Tống (960 - 1279) và trở thành bảo vật hoàng gia dưới thời Nam Tống (1127 - 1279). Hề Giáp Bàn bị thất lạc dưới thời nhà Thanh, nhưng sau đó đã được tìm lại.
Các nhà sử học đánh giá Hề Giáp Bàn có giá trị ngang với Mao Công Đỉnh, một bảo vật quốc gia bằng đồng với chữ khắc dài nhất thế giới. Với giá 27,3 triệu USD, Hề Giáp Bàn là một trong các cổ vật được bán đấu giá cao nhất tại Trung Quốc. Trước đó, bộ tranh "Ngũ vương túy quy" đã được bán với giá 44 triệu USD cuối năm 2016.