Tại phiên tòa diễn ra hôm 14/7 ở Amsterdam, Hà Lan, nhà sưu tầm Oscar van Overeem nói ông không còn giữ bức tượng tranh chấp mà người dân làng Dương Xuân ở Phúc Kiến, Trung Quốc, cho là bị đánh cắp cách đây 22 năm.
Theo AFP, ông Van Overeem cho biết bức tượng được cho là tượng Trương Công tổ sư giờ đây "thuộc sở hữu của một doanh nhân muốn giữ bí mật danh tính" sau một sự kiện trao đổi nghệ thuật vào năm 2015. Nhà sưu tầm Hà Lan mua bức tượng tại Hong Kong vào năm 1996.
Bức tượng được cho là Trương Công tổ sư được trưng bày ở Hungary năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Người dân làng Dương Xuân nói bức tượng cao 1,2 m chứa hài cốt của Trương Công, một vị sư sống vào thời nhà Tống ở Trung Quốc (960-1279), được dân làng thờ phụng và xem là tổ tiên của họ.
Theo người dân làng, bức tượng đã được lưu giữ tại một ngôi chùa ở đây suốt nghìn năm nay trước khi biến mất vào năm 1995.
Năm 2015, tức là 20 năm sau ngày bức tượng biến mất, một người dân làng Dương Xuân đã tình cờ phát hiện bức tượng khi xem triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Budapest, Hungary. Sau đó, bức tượng được rút khỏi triển lãm
Hình ảnh chụp cắt lớp bức tượng cho thấy hài cốt bên trong. Ảnh: CGTN. |
Theo ông Jan Holthuis, luật sư đại diện cho làng Dương Xuân, người dân làng "đã nhận ra bức tượng mà không mảy may nghi ngờ khi họ nhìn thấy nó". Những hậu duệ của vị tổ sư nói họ có bằng chứng về gia phả và yêu cầu tòa ra phán quyết trả bức tượng về đúng vị trí.
Kết quả chụp cắt lớp bức tượng tại Hà Lan cho thấy một phần bộ xương người nằm bên trong. Các chuyên gia tin rằng đây là hài cốt của vị tổ sư.
Tuy nhiên, bức tượng được chụp cắt lớp tại Hà Lan và được một người dân làng Dương Xuân phát hiện tại Hungary có phải chính là cổ vật biến mất từ năm 1995 hay không sẽ được quyết định tại tòa án.
Sau 3 giờ nghe tranh luận hôm 14/7, thẩm phán Jeroen Thomas yêu cầu cả hai bên đưa ra các tuyên bố mới bằng văn bản. Luật sư Holthuis cho hay tòa sẽ quyết định việc có yêu cầu ông Van Overeem công khai danh tính doanh nhân giấu tên nói trên hay không nhưng việc này "sẽ mất vài tháng".
Theo Global Times, vụ kiện được dư luận Trung Quốc chú ý vì đây có thể là lần đầu tiên Trung Quốc đòi được cổ vật bằng con đường kiện tụng. Những lần thu hồi trước đây đều thông qua biện pháp ngoại giao.
Trong những năm qua, Bắc Kinh đã tích cực lên tiếng phản đối việc mua bán những món đồ cổ mà họ cho là bị đánh cắp từ Trung Quốc, đặc biệt là trong thế kỷ 19 khi người châu Âu chia nhau lãnh thổ nước này.