South China Morning Post dẫn nguồn các nguồn tin nói cố vấn kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Lưu Hạc, sẽ được bổ nhiệm vị trí phó thủ tướng vào tháng 3/2018.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập cũng đang chuẩn bị một đội ngũ mới để lèo lái nền kinh tế Trung Quốc trong 5 năm tới.
Ông Lưu Hạc. Ảnh: Bloomberg. |
Trong Quốc vụ viện, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tiếp tục vị trí của mình nhưng 4 vị trí phó thủ tướng dưới ông Lý đều sẽ nghỉ hưu hoặc chuyển sang chức vụ khác. Các nguồn tin cho biết Lưu Hạc, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, sẽ thay thế vị trí của ông Mã Khải để phụ trách về tài chính.
Ngoài ra, ông Lưu cũng sẽ thay ông Mã đứng đầu ủy ban cấp cao vừa thành lập hồi tháng 11 để tháo gỡ những nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính do công nợ cao và kiểm soát thị trường kém hiệu quả.
Kinh tế gia "từ hậu trường ra sân khấu"
South China Morning Post trong thời gian qua, ông Lưu giữ chức vụ khá khiêm tốn so với ảnh hưởng mà ông có đối với các chính sách của ông Tập. Ông hiện là Giám đốc Văn phòng Trung ương Lãnh đạo các Vấn đề Tài chính và Kinh tế.
Nhiều người tin rằng ông là "người có thẩm quyền" đầy bí ẩn mà Nhân Dân Nhật báo đã trích dẫn trong một bài báo vào năm 2016. Trong bài báo, "người có thẩm quyền" này đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính có nguy cơ xảy đến vì nợ công cao.
Là một nhà kinh tế học được đào tạo tại Đại học Harvard, ông Lưu cũng là "công trình sư" đằng sau chính sách cải cách "trọng cung" của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các thay đổi nhân sự được cho sẽ củng cố cho những chính sách cải cách của Chủ tịch Tập. Ảnh: AFP. |
Ngoài việc cắt giảm việc sản xuất dư thừa, một trong những chính sách khác của cải cách này là cắt giảm nợ công ở các chính quyền địa phương và các khoản vay xấu ở ngân hàng thương mại. Trong vai trò phó thủ tướng, ông Lưu sẽ có đủ quyền lực để thúc đẩy những cải cách này, mặc cho việc ông thiếu kinh nghiệm quản lý.
Việc được bổ nhiệm phó thủ tướng sẽ đánh dấu bước ngoặt của ông Lưu khi bước từ "hậu trường ra sân khấu", nhưng các nhà phân tích cho rằng sẽ không có thay đổi nào đáng kể đối với các chính sách.
"Tôi không nghĩ những người này được chọn vì ý tưởng mới của họ hoặc tính cách họ sẽ thay đổi nền kinh tế Trung Quốc, mà (họ được chọn) để thúc đẩy con đường mà kinh tế Trung Quốc đang đi", Christopher Balding, một nhà kinh tế tại Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận định.
"Nếu có gì đó, trong 5 năm qua, thì đó là sự đảo ngược các hoạt động cải cách theo hướng tự do hóa", ông nói.
Người cẩn trọng thay người cải cách
Ông Hàn Chính, cựu thị trưởng Thượng Hải và là người vừa được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị, dự kiến trở thành phó thủ tướng thứ nhất.
Ông Hồ Xuân Hoa. Ảnh: AFP. |
Hai ủy viên Bộ Chính trị khác là Tôn Xuân Lan và Hồ Xuân Hoa sẽ đảm nhiệm 2 vị trí phó thủ tướng còn lại. Ông Hồ thay thế Phó thủ tướng Uông Dương, người cũng vừa được bầu vào Thường vụ. Cả ông Vương lẫn ông Hồ đều từng kinh qua vị trí bí thư tỉnh ủy Quảng Đông.
Ông Vương nắm vị trí phó thủ tướng phụ trách về nông nghiệp, thương mại và các quan hệ làm ăn với Mỹ. Ông nổi tiếng với tư tưởng tự do trong các cải cách kinh tế. Trong khi đó, ông Hồ kín tiếng và cẩn trọng hơn, dù chính ông là người tiếp tục nhiều chính sách kinh tế của Vương.
"Quan sát của tôi là ông Hồ sẽ không phóng khoáng như ông Vương trong vấn đề cải cách", South China Morning Post dẫn lời James Zimmerman, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc.
Trong chính phủ Trung Quốc, việc phân công công việc giữa 4 phó thủ tướng có thể thay đổi qua từng nhiệm kỳ, tùy thuộc vào kinh nghiệm và năng lực của mỗi người. Chức vụ cụ thể sẽ không được công bố cho đến sau cuộc họp chính phủ đầu tiên.