"Tổng thống có những phương án để leo thang thương chiến hay không? Thật ra là có, và hàng rào thuế quan có thể được đẩy lên cao hơn. Mức thuế hiện nay vẫn còn thấp và chúng có thể được nâng lên 50% hay thậm chí 100%", Michael Pillsbury, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson và là một trong những cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng, cho biết.
Ông Pillsbury bác bỏ những đồn đoán rằng Tổng thống Trump chỉ dọa suông khi tuyên bố sẵn sàng thương chiến toàn diện với Trung Quốc, theo South China Morning Post.
"Có những phương án khác liên quan đến thị trường tài chính, Phố Wall. Tổng thống có hàng loạt lựa chọn đa dạng", ông cho biết.
Michael Pillsbury trở thành một tên tuổi nổi tiếng với chính trường tại Washington sau khi ra mắt quyển sách "Cuộc điền kinh một trăm năm", cổ súy lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Trong vài tháng qua, những đăng tải của Tổng thống Trump trên mạng xã hội Twitter thường xuyên để cập những thông tin tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc. Ông xem đó là bằng chứng cho thấy các hàng rào thuế quan trong chiến tranh thương mại đang mang lại hiệu quả.
Theo Pillsbury, Tổng thống Trump không chủ đích tìm cách làm suy yếu quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Ông nói nhà lãnh đạo 73 tuổi muốn "tăng mức độ thương mại bằng cách điều chỉnh lại thâm hụt thương mại".
Pillsbury nhấn mạnh Tổng thống Trump không muốn để xảy ra "Chiến tranh lạnh 2.0" hoặc trở lại với kiểu chiến lược bao vây. Pillsbury nhận định nếu viễn cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới "chia tay" thì đó là hệ quả từ việc Trung Quốc không chấp nhận thỏa thuận.
Cố vấn Nhà Trắng nói Bắc Kinh là bên chịu trách nhiệm cho việc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ vào tháng 5, khi các bên đã đến rất gần một thỏa thuận. Phía Bắc Kinh cắt xén thẳng tay nhiều nội dung trong bản dự thảo 150 trang được hoàn thiện trong hơn 1 năm, qua nhiều vòng đàm phán.
Sau cuộc gặp giữa các bên tại Bắc Kinh vào tháng 5, đàm phán thương mại Mỹ - Trung rơi vào bế tắc và thương chiến leo thang. Ảnh: AFP. |
"Thỏa thuận cận kề, rồi một điều bí ẩn nào đó xảy đến. Trung Quốc trở mặt. Có thể bí ẩn đó là nhóm cứng rắn tại Bắc Kinh. Rõ ràng họ không biết trước về dự thảo thỏa thuận 150 trang đó, mãi đến tháng 4 mới được thông báo. Một số nhân vật mới nhảy vào cuộc tại Bắc Kinh. Điều tiếp theo là họ bắt đầu trở mặt", Pillsbury nhận định.
Theo chuyên gia của viện Hudson, trường hợp Trung Quốc trở lại với bản dự thảo ban đầu và dùng nó làm cơ sở để đàm phán có thể xem là kịch bản rất thành công với Mỹ.
Các quan chức thương mại hàng đầu của hai nước dự kiến bắt đầu đàm phán trở lại vào tháng 10. Các cuộc thảo luận cấp thấp để tạo nền tảng cho đàm phán chính thức đã được khởi động vào tuần này.