Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, bà Choi Soon Sil bị tạm giam sau khi đến trình diện tại cơ quan công tố ở Seoul hôm 31/10.
Các công tố viên đang tiến hành điều tra những cáo buộc cho rằng bà Choi lợi dụng mối quan hệ với Tổng thống Park Geun Hye để can thiệp vào công việc của chính phủ. Bà được cho đã tiếp cận tài liệu mật một cách trái phép và kiếm tiền bất chính thông qua các quỹ phi lợi nhuận.
Vì lo ngại rằng bà Choi có thể bỏ trốn và tiêu hủy chứng cứ, cơ quan công tố đã tạm giam khẩn cấp người phụ nữ mà không có lệnh từ tòa án. Bà Choi được đưa đến một cơ sở tạm giam ở Seoul.
Hiện luật sư của bà Choi cũng như cơ quan công tố chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc.
Theo luật Hàn Quốc, một nghi phạm có thể bị giam giữ khẩn cấp không cần lệnh không quá 48 tiếng. Nếu muốn giam giữ lâu hơn, các cơ quan chức năng cần xin lệnh của tòa án.
Bà Choi Soon Sil (lấy tay che mặt) trong vòng vây của báo chí khi đến văn phòng công tố hôm 31/10. Ảnh: Reuters. |
Bà Choi Soon Sil vừa trở về từ Đức sáng 30/10. Một ngày sau, "cố vấn trong bóng tối" của tổng thống Hàn Quốc đến gặp công tố viên để phục vụ điều tra.
"Xin tha thứ cho tôi. Tôi xin lỗi. Tôi đã phạm một tội đáng chết", bà Choi nói với các phóng viên trên đường đến văn phòng công tố Seoul ngày 31/10.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye thừa nhận đã chuyển nhiều tài liệu mật cho người bạn lâu năm Choi Soon Sil để được tư vấn về chính sách và để bà này tham gia chỉnh sửa một số bài phát biểu của mình. Vụ bê bối khiến cả đất nước Hàn Quốc rúng động đồng thời khiến uy tín của bà Park giảm xuống mức kỷ lục.
Giới truyền thông cho rằng bà Choi tuy không có vị trí chính thức trong nội các của Tổng thống Park Geun Hye nhưng đóng vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề của chính phủ nước này.
Sau vụ bê bối, Tổng thống Park Geun Hye đã thay nhiều trợ lý quan trọng trong nội các. Bà đang cân nhắc lời kêu gọi thành lập chính phủ trung lập đa đảng do đảng cầm quyền Saenuri đề xuất nhằm khôi phục lòng tin và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Bất chấp lời xin lỗi từ nữ tổng thống, người dân Seoul vẫn tràn xuống đường phố, mang theo biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu phản đối chính phủ. Cảnh sát ước tính số người biểu tình vào khoảng 8.000 trong khi đơn vị tổ chức cho biết 20.000 người đã xuống đường. Ngoài Seoul, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại các tỉnh thành khác, bao gồm Busan - thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc.