Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay của Ngân hàng (NH) TMCP Nam Á (Nam A Bank) “nóng” hẳn lên, khi ý kiến của nhiều cổ đông thắc mắc về con số 4% cổ tức được chia. Trên thực tế, dù chỉ chia 4% cổ tức, nhưng Nam A Bank vẫn còn khá hơn hàng loạt NH khác không chia cổ tức.
Cổ tức không bằng gửi tiết kiệm
Cổ đông Nguyễn Văn Tân của Nam A Bank cho biết, kế hoạch ban đầu của NH là chia cổ tức cho cổ đông nhỏ 9%, cổ đông lớn 4%, nhưng đến phút chót, NH Nhà nước có văn bản thông báo Nam A Bank chỉ được chia cổ tức tối đa 4%.
“NH Nhà nước có được can thiệp quá sâu vào hoạt động tín dụng của NH? Năm nay lợi nhuận của NH tăng cao, các chỉ tiêu kinh doanh đều đạt, sao cổ tức lại giảm so với năm ngoái?”, ông Tân đặt vấn đề.
Tổng Giám đốc Nam A Bank Ngô Trần Phúc Vũ cho rằng, kế hoạch ban đầu ban lãnh đạo mong muốn chia cổ tức 10%-14%, nhưng trong bối cảnh ngành NH gặp nhiều khó khăn và đang tiến hành tái cơ cấu, nên không như kỳ vọng.
Một NH thương mại quy mô nhỏ tại TP HCM đã thông báo trước ĐHCĐ sẽ chia thù lao cho các thành viên HĐQT và ban kiểm soát 15 tỷ đồng. Ảnh: Nld. |
Ông Nguyễn Đăng Du, cổ đông của một số NH, cho biết cách đây nhiều năm, giá cổ phiếu NH cao ngất ngưởng. Ông bỏ ra vài trăm triệu đồng mua cổ phiếu với giá 50.000-70.000 đồng một cổ phần. Nay thị trường chứng khoán giảm mạnh, giá cổ phiếu của một số NH trên thị trường tự do (OTC) chỉ còn vài ngàn đồng, còn cổ tức quá thấp, không bằng lãi suất NH, thậm chí không có. “Hai năm nay, tôi không được một đồng cổ tức nào từ NH TMCP Phương Nam, một số NH khác chia cổ tức cũng rất bèo bọt”, ông Du than.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, mùa ĐHCĐ năm nay, những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là tình hình sáp nhập, tái cơ cấu các NH, thay đổi nhân sự và chia cổ tức cho cổ đông. Đến nay, chỉ vài NH thông báo chia cổ tức như ACB 7%, Nam A Bank 4%, SaigonBank 3,5% và Bản Việt 1,5%.Hàng loạt NH có hội sở tại TP HCM như SCB, An Bình, Eximbank, Phương Nam… thông báo không thể chia cổ tức cho cổ đông. Việc không chia cổ tức, theo các NH, chủ yếu do tình hình kinh doanh năm 2014 không như kỳ vọng, cộng với việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Trước đó, một số NH thông báo vẫn chia cổ tức nhưng giảm khá mạnh so với dự kiến, như LienVietPostBank chỉ còn 6% so với kế hoạch ban đầu 10%, VIB từ 11% giảm còn 9%. Nếu tính trên cả nước, có đến 50% các tổ chức tín dụng không chia cổ tức cho cổ đông.
Xin nhận đủ… thù lao “khủng”
Do phải ưu tiên xử lý nợ xấu, lợi nhuận giữ lại để tăng tiềm lực tài chính, nên các NH chia cổ tức cho cổ đông rất ít, hoặc không chia trong khi mức thù lao trả cho thành viên HĐQT và ban kiểm soát lại cao ngất ngưởng.
Một NH thương mại quy mô nhỏ tại TP HCM đã thông báo trước ĐHCĐ sẽ chia thù lao cho các thành viên HĐQT và ban kiểm soát 15 tỷ đồng (cao hơn mức 10 tỷ đồng của năm 2014), chiếm đến 4,16% lợi nhuận của NH. Trong khi mặt bằng chung chia thù lao cho lãnh đạo các NH chỉ khoảng 0,3%-1,5% tổng lợi nhuận sau thuế.
Một cổ đông nói: “Ban lãnh đạo có 9 người, tính ra mỗi người nhận thù lao hơn 1,1 tỷ đồng mỗi năm là quá cao (chưa kể lương), trong khi cổ tức chia cho cổ đông chỉ vài phần trăm”.
Phóng viên từng chứng kiến cổ đông nữ của một NH cổ phần tại TP HCM bỏ về giữa chừng, khi NH này thông báo không chia cổ tức, nhưng đề nghị thông qua mức thù lao hàng chục tỷ đồng cho HĐQT và ban kiểm soát.
“Tôi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu NH này mấy năm trời, chưa nhận được đồng cổ tức nào, còn lãnh đạo NH vẫn đều đặn được chi thù lao khủng”, cổ đông này bức xúc.
Năm 2014, kết quả kinh doanh của NH TMCP Phương Nam kém khả quan, khi chỉ hoàn thành 4% chỉ tiêu lợi nhuận ĐHCĐ giao là hơn 17 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận chỉ còn 1,2 tỷ đồng, nên HĐQT đề nghị không chia cổ tức mà giữ lại hỗ trợ hoạt động kinh doanh của NH.
Mấy năm nay, Phương Nam đều không chia cổ tức cho cổ đông. Ngược lại, mức thù lao cho HĐQT và ban kiểm soát vẫn xin giữ nguyên như năm trước (hơn 13,7 tỷ đồng), thậm chí còn xin tăng thêm mức thù lao trong năm 2015.
Tại NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), mức chia cổ tức cho cổ đông là 12% bằng cổ phiếu, trong khi cổ đông mong muốn nhận bằng tiền mặt. Tuy nhiên, mức cổ tức này Sacombank phải làm thủ tục xin phép NH Nhà nước và chờ được chấp thuận.
Trong khi đó, với mức thù lao, chi phí hoạt động của HĐQT và ban kiểm soát tính theo 2% tỷ lệ lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp (tổng lợi nhuận trước thuế theo báo cáo hợp nhất năm 2014 là 2.826 tỷ đồng), con số này lên tới 56,5 tỷ đồng. Ngoài ra, HĐQT Sacombank còn xin cơ chế trích thưởng 20% vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế mà đại hội đã giao sau khi nộp thuế và trích các quỹ.
Dồn lợi nhuận để tăng tiềm lực
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cơ quan Thanh tra giám sát NH Nhà nước phía Nam, việc NH Nhà nước “can thiệp” mức chia cổ tức của từng NH là có cơ sở pháp lý. Luật Các tổ chức tín dụng có quy định, tùy theo tính chất, mức độ rủi ro và trong một số trường hợp NH Nhà nước có thể dùng biện pháp áp dụng mức chia cổ tức.
Hơn nữa, đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đang “chạy nước rút”, với mục tiêu nâng cao quy mô hoạt động, tăng năng lực tài chính... Ngoài ra, Thông tư 02 của NH Nhà nước cũng yêu cầu ngành NH phải triệt để xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Lợi nhuận của NH để lại nếu không chia cổ tức cũng là nhằm nâng cao tiềm năng tài chính, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu.
Chuyên gia tài chính, TS Lê Đạt Chí cho rằng, có quy định về việc NH Nhà nước được phép can thiệp vào mức chia cổ tức của NH thương mại, nhưng chỉ trong trường hợp NH đó vi phạm hoặc có vấn đề, chứ không phải can thiệp vào tất cả các NH, bởi cổ tức là quyền lợi của cổ đông.