Nói đến mua 0 đồng, một cái tên đã từng được nhắc đến trong kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, đó là GPBank. Liệu GPBank có bị mua 0 đồng, và là cái tên cuối cùng trong danh sách mua lại 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước?
Cổ đông nhỏ quá thiệt thòi
Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là việc mua lại 0 đồng với OceanBank, VNCB đã đẩy những cổ đông nhỏ đến tình trạng trắng tay. Họ là những người dân, cán bộ về hưu đã dùng những đồng tiền tiết kiệm của mình để đầu tư. Thực tế, họ không hề có lỗi trong việc ngân hàng thua lỗ.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, thực tế việc những cổ đông nhỏ này bị mất trắng cũng có lỗi của cơ quan quản lý. Bởi thông tin về hoạt động ngân hàng cho đến thời điểm này không đầy đủ, minh bạch.
“Không hề có một thông tin nào cho biết ngân hàng nào đang hoạt động tốt, ngân hàng nào đang yếu kém và ngân hàng nào chết rồi, để những nhà đầu tư nhỏ còn biết để thu hồi vốn bằng cách bán cổ phần đi”, vị này bình luận.
Theo vị này, đây là điều mà cổ đông nhỏ rất thiệt thòi. Bởi họ không có nhiều thông tin về hoạt động ngân hàng đó. Họ đầu tư vào ngân hàng chỉ với một niềm tin duy nhất, đó là hệ thống ngân hàng được đảm bảo nên không bao giờ phá sản.
Câu hỏi đặt ra, tại sao Ngân hàng Nhà nước không cho phá sản những ngân hàng này? Biết đâu, những cổ đông nhỏ như họ còn có cơ hội được nhận lại một phần nào?
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng việc mua lại 0 đồng cứ nghĩ là cổ đông nhỏ sẽ thiệt thòi, nhưng thực tế không phải như vậy.
“Nếu để ngân hàng phá sản, thì số tiền có được từ việc bán hết tài sản cũng phải trả cho người gửi tiền, trả nợ cho Chính phủ, chi lương cho người lao động, thanh toán tiền cho đối tác của ngân hàng... Cổ đông là đối tượng cuối cùng được chi trả theo thứ tự ưu tiên.
Trên thực tế, sau khi thanh toán hết cho các đối tượng được ưu tiên theo thứ tự, thì không còn tiền để chi trả cho cổ đông. Vậy nên, việc mua 0 đồng hay để phá sản thì cổ đông nhỏ cũng bị mất trắng”, ông Hiếu phân tích.
Theo ông Hiếu, việc mua lại 0 đồng đối với những ngân hàng này sẽ giữ được an toàn cho hệ thống ngân hàng, tránh tình trạng domino.
OceanBank chưa phải là ngân hàng cuối cùng bị mua 0 đồng. |
“Việc mua 0 đồng chỉ là bước đi cần thiết, để ổn định lại hoạt động của ngân hàng này sao cho hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bước cuối cùng cũng sẽ là sáp nhập, mua lại. Bởi Ngân hàng Nhà nước không hy vọng những ngân hàng này sẽ phục hồi và trở thành một ngân hàng lớn mạnh trong tương lai. Hơn nữa, việc mua lại 0 đồng mà không bán lại sẽ đi ngược với chính sách giảm số lượng ngân hàng của chính Ngân hàng Nhà nước”, ông Hiếu bình luận.
Dùng tiền ở đâu để tái cơ cấu?
Câu chuyện mua 0 đồng một vài ngân hàng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra một vài vấn đề với thị trường. Đó là tại sao không cho những ngân hàng này phá sản, và cơ quan này sẽ dùng tiền ở đâu để tái cơ cấu?
Trên thực tế, Luật phá sản mới đã dành hẳn một chương để quy định việc phá sản của các ngân hàng. Ngoài ra, trong những quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng có nhắc đến việc phá sản của ngân hàng. Cụ thể, trong Thông tư số 07/2013/TT-NHNN ngày 14/3/2013 có quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, trong đó nhắc đến vấn đề phá sản đối với tổ chức tín dụng.
Luật đã có, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một trường hợp nào bị phá sản. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, từng khẳng định giai đoạn này (2011 – 2015) sẽ không để cho ngân hàng phá sản.
Theo Thống đốc, sở dĩ Việt Nam chưa thể để cho ngân hàng phá sản, là vì nguy cơ đổ vỡ hàng loạt đối với hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam. Do vậy, cách làm của Ngân hàng Nhà nước là khuyến khích các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Đối với những trường hợp quá tệ như không khắc phục được sở hữu chéo, âm vốn và không có phương án để khắc phục, thì sẽ bị mua lại như OceanBank, VNCB.
Bình luận về hình thức mua lại 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước, một chuyên gia tài chính cho rằng, đây là một hình thức phá sản kiểu mới. Tuy nhiên, đây là giải pháp mà cơ quan này phải tốn rất nhiều tiền để trang trải chi phí như xử lý nợ xấu, trả tiền cho người gửi tiền, doanh nghiệp… Đó là chưa kể đến chi phí, trách nhiệm của đơn vị tham gia vào quá trình tái cơ cấu của những ngân hàng này.
Ví dụ như VNCB. Theo thông tin Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh, để VNCB đi vào ổn định sau khi mua lại 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm 40.000 tỷ đồng.
“Cần phải nói rằng, đây mới là con số dự tính ban đầu của cơ quan này, để khắc phục tổn hại và hoạt động ổn định trở lại, chứ không phải con số mà VNCB cần. Đối với OceanBank cũng sẽ như vậy. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chi một khoản tiền rất lớn để khắc phục tổn hại và ổn định hoạt động trở lại đối với ngân hàng này”, vị này bình luận.
Theo thông tin từ đại hội đồng cổ đông, số tiền âm vốn của OceanBank là 11.000 tỷ đồng. Hơn nữa, xét về quy mô, OceanBank cũng lớn hơn VNCB. Do vậy, số tiền bỏ ra ban đầu của Ngân hàng Nhà nước có thể không dưới 40.000 tỷ đồng.
Câu hỏi dùng nguồn tiền nào để tái cơ cấu thì rất khó để có câu trả lời. Nhưng mới đây nhất, tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân, do Ủy ban kinh tế Quốc hội vừa mơi tổ chức tại Nghệ An, trong báo cáo về vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cho biết quá trình này cần phải có nguồn lực và ngân sách.
Còn tại buổi công bố quyết định chuyển đổi mô hình của VNCB thành Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh, cho biết, có rất nhiều nguồn để có được số tiền 40.000 tỷ đồng. Trong đó có một phần nhỏ là tiền tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước, một phần nữa là VNCB bán nợ VAMC để có nguồn thu…