Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người kế nhiệm thành công

Là người gắn bó với cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong nhiều năm đương chức, bà Phạm Chi Lan đặc biệt ấn tượng với tinh thần dân tộc, đặt lợi ích đất nước lên hàng đầu của ông.

nguyen thu tuong phan van khai anh 1nguyen thu tuong phan van khai anh 2

Là người gắn bó với cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong nhiều năm đương chức, bà Phạm Chi Lan đặc biệt ấn tượng với tinh thần dân tộc, đặt lợi ích đất nước lên hàng đầu của ông.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, chia sẻ với Zing.vn về những dấu ấn đáng nhớ nhất của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 9 năm ở vị trí người đứng đầu Chính phủ. Bà Lan đánh giá:

- Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế. Không chỉ những người cùng làm việc mà cả những người nghiên cứu về 30 năm Đổi mới ở nước ta đều thừa nhận giai đoạn ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vừa cao nhất, vừa ổn định nhất, kiềm chế được những mất cân đối và bất ổn vĩ mô, tạo được nền tảng tăng trưởng không chỉ cho thời kỳ đó mà còn cho dài hạn.

Trong giai đoạn ông cầm quyền, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7,2%/năm. Đây là mức tăng ít thời kỳ nào chúng ta có được.

Cần nhớ, khi ông nhậm chức, cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực nổ ra, nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rời khỏi Việt Nam, khiến chúng ta rơi vào tình thế hết sức khó khăn do nội lực còn yếu.

Khi dòng đầu tư nước ngoài rút đi, rất nhiều người lo lắng Việt Nam lấy động lực gì để tăng trưởng đây. Song cố Thủ tướng Phan Văn Khải hiểu rằng nội lực, với khu vực tư nhân trong nước mới là động lực chính, chứ không thể chỉ dựa vào FDI và xuất khẩu. Vì vậy ông đã tập trung cao nhất vào việc tiếp tục đổi mới, tạo lập thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực tư nhân.

Bà Phạm Chi Lan chia sẻ kỷ niệm về Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải Bà Phạm Chi Lan nhắc lại trong mỗi quyết định của Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đều đặt lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân lên cao nhất.

nguyen thu tuong phan van khai anh 3

Thành công lớn nhất của thời kỳ này phải kể đến Luật doanh nghiệp năm 1999. Ông đã chọn những người có tư duy đổi mới, ủng hộ doanh nghiệp tư nhân vào Ban chỉ đạo, tổ soạn thảo luật và cả tổ thi hành sau khi luật được Quốc hội thông qua. Chính luật này được thi hành năm 2000 đã giúp phát triển doanh nghiệp và phục hồi kinh tế. Năm 2000, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6,8%, năm 2002 đạt 7,1% và những năm sau cao hơn.  Dòng đầu tư nước ngoài cũng trở lại mạnh mẽ.

nguyen thu tuong phan van khai anh 4

Thứ hai là phát triển doanh nghiệp. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển khu vực tư nhân và cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Ông đã thúc đẩy tối đa 2 lĩnh vực này.

Ngoài Luật doanh nghiệp 1999, ông cũng chỉ đạo sửa đổi, ban hành nhiều luật liên quan như Luật Thuế, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Luật Cạnh tranh… pháp lệnh về quyền tự vệ, pháp lệnh chống bán phá giá…. Các văn bản này đều vừa tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, vừa tương thích với các nguyên tắc của WTO.

Sau một thời gian thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 1999, ông cũng nhận thấy luật đó chưa đủ để tạo sự bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân trong nước trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, do còn có các luật riêng cho DNNN và FDI. Ông chỉ đạo soạn thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005, thống nhất nền tảng pháp lý cho toàn bộ doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước và đầu tư nước ngoài.

Tinh thần của hai luật mới vẫn là tạo điều kiện tối đa cho đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp được làm những việc mà luật pháp không cấm. Các ưu đãi, khuyến khích được áp dụng chung, không phân biệt thành phần kinh tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu thu hẹp hơn nữa những lĩnh vực mà Nhà nước cấm đoán, những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Những gì kinh doanh có điều kiện thì phải giải thích tại sao cần điều kiện, điều kiện như thế nào và điều kiện được thực hiện ra sao. Hoạt động cấp đăng ký đầu tư, kinh doanh được phân cấp mạnh về cho chính quyền các địa phương và giảm tối đa các thủ tục phiền phức.

Dấu ấn tiếp theo là hội nhập quốc tế. Những cải cách kinh tế trong nước và thành quả tăng trưởng nhờ phát huy nội lực và mở cửa hợp tác với bên ngoài đã tạo cơ sở cho chúng ta tăng cường hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong thời kỳ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, đàm phán và ký kết hiệp định thương mại song phương BTA với Mỹ, đàm phán thực chất và đưa nước ta gia nhập WTO là những việc rất lớn mà chúng ta đã làm được.

Sau khi Việt Nam tham gia ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995, việc hoàn tất đàm phán, ký BTA với Mỹ năm 2000 là bước kế tiếp quan trọng, giúp mở cánh cửa vào WTO và các kênh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng khác của nước ta sau này.

nguyen thu tuong phan van khai anh 5

nguyen thu tuong phan van khai anh 6

- Nhiều người nói những nỗ lực của Chính phủ kiến tạo, vì người dân, doanh nghiệp hiện nay có dáng dấp của Chính phủ thời Thủ tướng Phan Văn Khải khi xây Luật Doanh nghiệp, tổ rà soát thủ tục hành chính....?

- Phải nói rằng tư tưởng của ông Khải đến bây giờ vẫn rất đúng. Tôi cũng mừng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi mới nhậm chức cũng đã gặp doanh nghiệp ngay, và suốt gần 2 năm qua đã tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiêp, tương tự những gì Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm.

nguyen thu tuong phan van khai anh 7

Tôi tiếc rằng nếu như sau Luật DN 2005 và Luật DN 2014, chúng ta thực thi tốt như đã làm với Luật DN 1999 thì sẽ đỡ tình trạng đẻ ra nhiều giấy phép con, nhiều điều kiện kinh doanh sau đó. Khi thi hành Luật DN 1999 chúng ta đã xóa bỏ gần 200 giấy phép kinh doanh trong tổng số khoảng 400. Tuy nhiên, sau này lại buông lơi, để nhiều bộ ngành đẻ ra nhiều giấy phép con. Đến bây giờ có tới trên 5.700 điều kiện kinh doanh là một con số khủng khiếp.

Bài học từ đó đặt ra là quá trình cải cách phải được làm liên tục, không ngừng nghỉ. Chúng ta chùn tay lúc nào là các nhóm lợi ích bùng lên lúc đó. Họ sẽ khôi phục lại lợi ích riêng tư của họ, thậm chí còn tăng thêm nhiều hơn so với ban đầu. Cái giá mà đông đảo DN và cả nền kinh tế phải gánh chịu là rất lớn.

- Một số người nói ông Sáu Dân - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mới là người tạo nền tảng cho các đổi mới này... Bà đánh giá thế nào về tính kế thừa, tiếp nối và phát triển trong các cải cách của Thủ tướng Phan Văn Khải?

- Ông Khải là người kế nhiệm rất thành công của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngày trước, anh em trong Văn phòng Chính phủ và Ban nghiên cứu thường gọi vui là “ông Sáu Lớn” và “ông Sáu Nhỏ”. “Ông Sáu Lớn” là ông Sáu Dân - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Ông Sáu Nhỏ” là cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Ông Khải bảo tôi có phải là thứ 5 trong gia đình như ông Kiệt đâu. “Sáu” trong biệt danh của ông Khải là tên bà vợ. Cơ quan cũ của ông có 2 người cùng tên Khải nên gọi “Sáu Khải” cho dễ phân biệt. Sau này vì thế mà thành “Sáu Lớn, Sáu Nhỏ”. Ông rất vui vẻ với cái tên gọi này và coi mình như một người đàn em của ông Võ Văn Kiệt.

Tuy tính cách khác nhau, ông Kiệt mạnh mẽ, ông Khải hiền hòa, song hai ông đều chung lòng yêu nước thương dân, đều có cùng tư duy cải cách. Do vậy hai ông thực sự gắn bó với nhau, tâm đầu ý hợp, làm việc với nhau một cách thuận hòa và hiệu quả trong rất nhiều việc.

Về cuối nhiệm kỳ, ông Kiệt chủ động dành cho ông Khải nhiều “sân” hơn, trong việc ra các quyết định, thay mặt Chính phủ tham gia nhiều sự kiện khác nhau. Ông Khải rất biết điều đó, một mặt tận dụng, một mặt cố gắng hết sức mình để làm tốt, và đến cuối nhiệm kỳ cũng hành xử như vậy với người kế nhiệm mình.

Sau khi nhậm chức, ông Khải thực sự nối tiếp được đà cải cách trước đó. Những gì ông Kiệt chưa làm được do bối cảnh chưa cho phép thì khi có thời cơ, ông Khải cố gắng làm ngay, như Luật DN 1999. Trong một số việc, ông Khải còn hỏi ý kiến ông “Sáu Lớn” trước khi ra quyết định. Đó là điều rất đáng quý giữa hai ông, vừa là tình bạn, vừa là đồng sự, thật lòng tin tưởng và tôn trọng nhau, phối hợp và bổ sung cho nhau trong suốt cuộc đời làm việc vì sự nghiệp chung.

Nền tảng cải cách mà ông Kiệt để lại cho ông Khải là vô cùng quý giá. Dàn cộng sự cũng vậy. Những người ông Khải thường tham vấn hoặc số lớn thành viên Ban Nghiên cứu cũng chính là những người đã đóng góp từ thời ông Kiệt. Thành quả của ông Khải xuất phát một phần từ nền tảng ông Kiệt để lại.

nguyen thu tuong phan van khai anh 8

- Trong quá trình cải cách, hẳn là Thủ tướng Phan Văn Khải đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối. Ông đã đối mặt và vượt qua như thế nào thưa bà?

- Về tính cách cá nhân và cư xử bề ngoài, cố Thủ tướng Phan Văn Khải có vẻ là người không quyết liệt. Tuy nhiên, tư duy và hành động đổi mới của ông rất nhất quán, kiên định và mạnh mẽ. Ông luôn cố gắng làm bằng được những điều tốt, có lợi cho nước cho dân, và thuyết phục những người khác đi cùng với mình.

Tôi nghĩ cố Thủ tướng biết dựa vào sức mạnh của lẽ phải, dựa vào nhân dân và những người có cùng tư duy đổi mới, biết sử dụng những người có tri thức, năng lực chuyên môn để trực tiếp giúp mình. Ví dụ, với Luật DN 1999, ông đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của những người bảo thủ.

Tuy nhiên, tiếng nói của cộng đồng DN, nhà đầu tư nước ngoài, của số lớn các chuyên gia, giới nghiên cứu về luật pháp, kinh tế, xã hội, của báo chí… đều đồng nhất ủng hộ phát triển kinh tế tư nhân. Đòi hỏi của người dân về công ăn việc làm cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ cũng rất cấp thiết, và chỉ có DN tư nhân mới đáp ứng được.

Ông Phan Văn Khải đã biết cách tập hợp tất cả mọi người, những ý kiến ủng hộ. Trên hết, chủ trương của ông có lợi cho đông đảo người dân, là cứu cánh cho kinh tế nước nhà trong bối cảnh khủng hoảng tài chính khu vực. Do đó, ông đã thuyết phục được.

Bà Phạm Chi Lan chia sẻ về tình bạn của Nguyên Thủ tướng Kiệt và Khải Bà Phạm Chi Lan đặc biệt ấn tượng với tình bạn gắn bó của 2 vị Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.

nguyen thu tuong phan van khai anh 9

- Bà lý giải thành công của các ông Sáu Khải, Sáu Dân thế nào? Đâu là điều mà các thế hệ kế cận có thể học tập và tiếp nối?

- Những người như thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, chúng ta thấy rất rõ, xuyên suốt các vấn đề, trong mọi suy nghĩ và quyết định, luôn luôn đặt lợi ích của đất nước, dân tộc, của nhân dân lên cao nhất, lên trên mọi cái khác. Đó là điều quan trọng số một. Nhờ đó mà hai ông cũng như những người lãnh đạo thời kỳ đầu đổi mới đã dũng cảm quyết định tiến hành đổi mới từ tư duy đến hành động, đưa đất nước đi theo con đường mới.

Bản thân hai vị nguyên Thủ tướng đã hy sinh nhiều cái riêng, chịu đựng nhiều mất mát trong khi dốc lòng dốc sức cho sự nghiệp chung. Người lãnh đạo ở bất cứ cấp nào muốn được người dân đi theo thì trước hết phải có tinh thần đó. Nếu cứ nghĩ mình trên hết, đặt quyền và lợi ích của mình, của nhóm mình lên trên hết thì không thể được.

nguyen thu tuong phan van khai anh 10

Cái thứ 2 cần phải gần dân, tôn trọng và biết lắng nghe dân. “Gần” không phải là hình thức, mà là hiểu cuộc sống và mong muốn của dân, thương yêu, lắng nghe tiếng nói của người dân một cách thực tâm. Đối xử với dân phải rất công bằng, công tâm, khoan hòa, nhất là quan tâm tới những người yếu thế.

Phải thực sự biết ơn người dân bao đời nay đã hy sinh cho nền độc lập của nước nhà và ngày nay đang lao động vất vả để dựng xây đất nước, đang chắt chiu đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước. Hai vị nguyên Thủ tướng luôn nhắc nhở những người cộng sự phải ghi nhớ những điều đó trong mọi suy nghĩ, hành động của mình.

Tôi nghĩ những người lãnh đạo từ cấp cao nhất trở đi có ý thức như thế thì mới có thể làm gương và buộc các cấp dưới hành xử đúng mực, chứ nếu cái gì cũng bênh che, “bảo vệ” cán bộ, đảng viên bất chấp đúng sai thì làm sao thuyết phục được dân, và cán bộ hư hỏng, sách nhiễu hay vô cảm với dân sẽ là điều đương nhiên.

Thứ ba cần phải biết dùng người, tạo mọi điều kiện để phát huy tốt nhất năng lực của những người cùng làm việc và trong toàn xã hội vì sự nghiệp chung. Hai vị nguyên Thủ tướng đều có đầu óc và phong thái cởi mở, quý trọng trí thức, tôn trọng chuyên môn, không định kiến, sẵn sàng nghe những lời nói thẳng dù có trái tai.

Hai vị cũng sống rất bình dị, tình nghĩa với những người xung quanh, đặc biệt với những người từng chia ngọt sẻ bùi trong những tháng năm gian khó. Tôi đặc biệt thích tính cách phóng khoáng, nghĩa hiệp, “anh Hai Nam bộ” trong cả hai vị. Tôi hiểu hầu hết người được làm việc dưới trướng hai vị đều thực sự yêu quí hai vị nguyên Thủ tướng này.

- Làm được nhiều điều, thế nhưng bà có từng nghe cố Thủ tướng còn điều gì nuối tiếc, trăn trở với đất nước khi rời nhiệm sở?

- Những điều tiếc nuối đã được ông bộc bạch trong lời từ nhiệm tại kỳ họp Quốc hội cuối cùng trước khi ông rời nhiệm sở. Ông đã nói rõ còn trăn trở về hiệu quả thấp của nền kinh tế, về tình trạng tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu tràn lan, về những bất cập trong điều hành của chính phủ, trong công tác cán bộ... Ông đã nói những điều đó một cách rất thẳng thắn, chân thành.

Trong Ban nghiên cứu, vào những năm tháng cuối, chúng tôi cũng thấy ông tỏ ra bức xúc nhiều về tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tuy cao và ổn định nhưng mô hình tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng chưa cải thiện được nhiều. Đó là điều ông luôn trăn trở, và chúng tôi hiểu ông rất buồn vì nhiều giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị đúng, nhưng do nhiều rào cản nên không thực hiện được.

nguyen thu tuong phan van khai anh 11

Hiếu Công thực hiện

Ảnh - Video: Hoàng Hiệp
Đồ hoạ: Như Ý

Bạn có thể quan tâm