Đầu tháng 7, tiệc sinh nhật của bà trùm TVB Lạc Di Linh quy tụ quá nửa nghệ sĩ Hong Kong đến chúc mừng như Tăng Chí Vỹ, Miêu Kiều Vỹ, Mã Quốc Minh, Huỳnh Tông Trạch, Huỳnh Thúy Như, Lâm Phong, Ngô Trác Hy.
Năm nay, mối quan hệ giữa Lạc Di Linh và Đường Thi Vịnh gây bàn tán. Trong bức ảnh chụp chung, Giám đốc phụ trách nhân sự TVB cười gượng gạo khi đứng cạnh nữ diễn viên. 4 năm qua, Đường Thi Vịnh không được TVB xem trọng. Dù có trong tay danh hiệu Thị hậu, cô vẫn có rất ít cơ hội thể hiện mình trên màn ảnh.
Những năm qua, nhân sự của TVB do một tay Lạc Di Linh thao túng. Vì vậy, sự kiện sinh nhật của bà là thời điểm các nghệ sĩ đua nhau thể hiện tấm lòng để lấy lòng lãnh đạo giữa lúc nhà đài đang cải tổ nhân sự, còn nhiều rối ren.
Cuộc tranh giành quyền lực
Theo HK01, dưới lớp vỏ ngoài hào nhoáng, hòa khí tay bắt mặt mừng trên dưới của TVB, bên trong hãng là một chảo lửa căng thẳng với những cuộc đấu đá nội bộ. Người ta ví đây là "cuộc chiến ngai vàng" giữa những nhân vật tai to mặt lớn trong nhà đài hàng đầu Hong Kong.
Cố chủ tịch Thiệu Dật Phu sau khi thành lập TVB từng đưa ra tôn chỉ "cạnh tranh lành mạnh", lãnh đạo "nói không với bè phái", mọi diễn viên đều phải tự lực cánh sinh, đi lên bằng thực lực. Tuy nhiên, nhà đài Hong Kong bắt đầu đi chệch quỹ đạo sau khi bước vào giai đoạn hoàng kim ở thập niên 1980.
Tăng Lệ Trân (trái) và Lạc Di Linh luôn ở thế đối đầu. Ảnh: HK01. |
Trận chiến nổi cộm nhất trong lịch sử đài là giữa Lương Gia Thụ và Tăng Lệ Trân - em họ Tăng Chí Vỹ. Tăng Lệ Trân vào TVB từ năm 1973. Sau 3 năm, bà trở thành Phó giám đốc đài và được mệnh danh là "Từ Hi thái hậu". Theo On, nhân viên trên dưới hãng đều sợ tiếng hét ra lửa của Tăng Lệ Trân.
E ngại quyền lực của Tăng Lệ Trân sẽ thống trị đài, Thiệu Dật Phu đề bạt Lương Gia Thụ lên vị trí phó giám đốc để kìm hãm em họ Tăng Chí Vỹ. Nội bộ TVB từ đó trở nên lộn xộn với cuộc đấu đá của hai nhóm phe phái.
Theo On, hai lãnh đạo đài trong mỗi cuộc họp đều "sẽ thô lỗ thẳng thừng với nhau, gạt toẹt và cho rằng ý kiến của đối phương là ngớ ngẩn, thậm chí không ngại công khai chửi nhau là đồ khốn".
Để trả đũa hành động cướp diễn viên của Tăng Lệ Trân, Lương Gia Thụ nâng lương thưởng và ngày nghỉ phép để chiêu mộ giám chế, biên kịch và đạo diễn chất lượng từ phía đối thủ. Theo Hk01, cuộc tranh đấu kéo dài hơn 25 năm của Tăng Lệ Trân và Lương Thụ Gia khiến nội bộ TVB lũng đoạn. Không chỉ vậy, họ còn khiến chất lượng phim ảnh đi xuống khi tranh đua sản xuất bất chấp chỉ vì muốn khẳng định bản thân giỏi hơn đối phương.
Năm 2010, cuộc chiến ngầm giữa Tổng giám đốc TVB Trần Chí Vân - Lạc Di Linh khép lại. Sếp TVB bước xuống "ngai vàng" sau bị bắt vì tham nhũng cát-xê diễn viên. Trần Chí Vân được tha bổng nhưng ông phải từ chức để đảm bảo hình ảnh cho đài. Dưới trướng của Lạc Di Linh có 700 nghệ sĩ.
Sau khi Trần Chí Vân rời đài, Lạc Di Linh với tư cách Giám đốc nhân sự lên kế hoạch soán ngôi Tăng Lệ Trân. Cuộc chiến giành quyền lực thứ 3 ở TVB tiếp diễn và đã kéo dài không hồi kết nhiều năm qua.
Đầu năm nay, sau khi Tăng Chí Vỹ nhậm chức Phó giám đốc TVB, bộ máy đầu não của hãng có sự xáo trộn dữ dội. Nam nghệ sĩ đã thẳng tay trảm Dư Vịnh San sau khi bà từ chối làm việc cho ông.
Theo On, Tăng Chí Vỹ vốn không ưa Dư Vịnh San. Năm 2013, trong cuộc họp bàn về kế hoạch phát triển đài, ông đã dùng nhiều lời lẽ dung tục chửi Dư Vịnh San vì bà ký quyết định ngừng phát sóng trực tiếp cuộc thi Hoa hậu Hong Kong. Nam diễn viên từng thề rằng sẽ trù dập Dư Vịnh San nếu có một ngày được TVB trọng dụng.
Tại nhà đài Hong Kong, Dư Vịnh San gây bất bình nhiều năm qua vì lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân. Sau khi gia nhập TVB, bà o bế người nhà giữ những chức vụ quan trọng trong cơ cấu đài. Để nâng đỡ nghệ sĩ của mình, Dư Vịnh San thẳng tay loại bỏ và gạch tên nhiều diễn viên thực lực ra khỏi các dự án lớn.
Tăng Chí Vỹ thẳng tay trảm hạ Dư Vịnh San khi chưa ngồi nóng ghế Phó giám đốc đài. Ảnh: HK01. |
Đánh giá về nội bộ hỗn loạn của TVB, HK01 mỉa mai lực lượng lãnh đạo đài rất hăng hái, thừa năng lượng cho những cuộc đấu đá vì cái tôi, nhưng lại thiếu năng lực quản lý. Ở hãng chồng chéo kiểu phân quyền ngầm.
Ở cấp quản lý, họ đánh giá lẫn nhau dựa trên việc ai có thành tích công việc vượt trội hơn ai hay chiếm được số đông sự ủng hộ trong mỗi cuộc họp. Ai thắng nhiều nhất sẽ có được vị trí cao nhất tại công ty, nắm quyền kiểm soát những mảng tối trọng của đài như vấn đề nhân sự, cấp quyền phát sóng, xét duyệt dự án mới.
Vì vậy, "trò chơi vương quyền" của các bộ sậu TVB thường kéo dài dai dẳng cho đến khi nghỉ hưu. Họ tận dụng quyền lực, vận động hành lang và thậm chí là chơi xấu nhau để giành phần thắng.
"Hòa bình chưa bao giờ tồn tại ở TVB. Nó chỉ xuất hiện trong một vài năm đầu Thiệu Dật Phu thành lập đài, về sau ông cũng mất quyền khống chế. Cuộc chiến tranh giành thô bạo kéo dài hơn 60 năm, qua nhiều thế hệ lãnh đạo kìm hãm sự phát triển và đang khiến TVB trả giá đắt".
"Không ai dám giương rìu đốn thẳng bộ máy của TVB", Apple Daily bình luận.
Cổ Thiên Lạc bị hắt hủi và sự ghẻ lạnh vì phe cánh
Theo On, để không "gây thù chuốc oán", bị ghẻ lạnh trong đài, các nghệ sĩ TVB buộc phải bóp méo con người họ, hạ thấp cái tôi để bắt tay thỏa hiệp và trở thành bù nhìn của các lãnh đạo cấp cao.
Với những ngôi sao không muốn "đi thưa, về dạ", đứng hẳn về một phe phái quyền lực, họ chỉ có hai sự lựa chọn hoặc chịu cảnh hẩm hiu đóng vai phụ hoặc rời đài.
Theo HK01, năm 2001, Tăng Lệ Trân lợi dụng việc Cổ Thiên Lạc vuột giải Thị đế TVB, đã đòi sa thải người quản lý lâu năm của anh. Một số nguồn tin cho biết nam diễn viên khi đó theo phe của Lương Gia Thụ. Liên tục bị Tăng Lệ Trân "khủng bố" tinh thần, Cổ Thiên Lạc quyết định rời đài.
Cổ Thiên Lạc rời TVB vì bị Lạc Di Linh chèn ép. Ảnh: On. |
Không chỉ Cổ Thiên Lạc, Lâm Phong, Trần Tuệ San và nhiều nghệ sĩ khác, do một tay Lương Gia Thụ bồi dưỡng, cũng bị Tăng Lệ Trân dùng chiêu "đe dọa" để quy phục dưới trướng bà.
Từ Tử San từng bị Tăng Lệ Trân mắng thẳng mặt là "đồ vô ơn", cấm vận hoạt động sau khi cô lỡ miệng xếp Lạc Di Linh trước bà Tăng khi phát biểu trong lúc nhận giải.
Xa Thi Mạn khiến Tăng Lệ Trân, Lạc Di Linh và Dư Vịnh San không hài lòng vì một chân đạp ba thuyền. Cô không muốn đứng hẳn về một phe phái nào. Năm 2016, nữ nghệ sĩ chính thức rời TVB.
Tại TVB, các buổi dạ tiệc và quà tặng lãnh đạo nhân dịp quan trọng là nguyên tắc xã giao đã "thành luật". Năm 2004, Lê Tư để có được vai trong Thâm cung nội chiến phải thường xuyên mời hai phe phái có ảnh hưởng bậc nhất đài đi ăn uống riêng.
Theo HK01, ở TVB, chỉ cần có mối quan hệ tốt với những người đứng đầu đài thì không cần lo không có phim đóng, không lo không thể nổi tiếng. Ví dụ hoa hậu Phùng Doanh Doanh vốn nhiều tai tiếng nhưng những năm gần đây đều rất có lòng nịnh bợ Nhạc Di Linh nên vẫn được hãng ưu ái.
Với những nghệ sĩ không được lòng lãnh đạo, họ phải chịu cảnh bất công. Gần đây, Trần Triển Bằng bị TVB "ép" làm khách mời 3 phim liên tục, thay vì giao hẳn cho anh một vai chính. On tiết lộ nam diễn viên chỉ được giao vai "cho có" để phim trở nên hùng hậu.
Xa Thi Mạn lựa chọn không nghiêng về bất kỳ phe phái nào trong đài TVB. Ảnh: Sohu. |
Đầu tiên Trần Triển Bằng làm khách mời trong Liêm chính thư kích, sau đó làm nền cho Trương Chấn Lãng trong phim mới Yêu em từ khi còn nhỏ.
Sao nam cũng bị Giám chế Văn Vỹ Hồng gạch vai chính khỏi phim Ẩn hình chiến đội, nhường chỗ cho Mã Quốc Minh mà không rõ lý do. Tại TVB, Văn Vỹ Hồng và Trần Triển Bằng là đối tác ăn ý.
Mâu thuẫn giữa cấp quản lý khiến TVB chảy máu chất xám nghiêm trọng, cho ra mắt nhiều diễn viên vừa kém tài vừa thị phi, đi lên nhờ sự xua nịnh lãnh đạo thay vì thực lực.
Không ít cái tên như Trần Mẫn Chi, Khang Hoa, Quách Chính Hồng, Huỳnh Trường Hưng, Huỳnh Gia Lạc... từng được đôn lên đóng chính, nhận phản hồi tốt từ khán giả. Tuy nhiên, sau đó họ lại bị đài cho xuống đóng vai phụ.
Trong khi đó, lứa nghệ sĩ vài năm trở lại được hãng lăng xê hết mình như Đường Thi Vịnh, Trần Khải Lâm, Thái Tư Bối, Hoàng Tâm Dĩnh, Huỳnh Thúy Như có diễn xuất còn tệ hại, qua nhiều bộ phim vẫn không được lòng khán giả.
Nhiều nghệ sĩ kỳ cựu như Xa Thi Mạn, Đới Chí Vỹ, Quách Chính Hồng cho đến Lâm Phong, Hồ Hạnh Nhi, Ngô Trác Hy, Lưu Giang đều quyết định dứt áo ra đi để tìm cơ hội mới tại thị trường Đại lục, Đài Loan do không chịu nổi chế độ đãi ngộ bạc bẽo của TVB.