Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Có thể Triều Tiên nã pháo để chuyển lửa ra ngoài'

Phó giáo sư Hà Mỹ Hương, chuyên gia về quan hệ quốc tế, trả lời Zing.vn rằng rất có thể bất ổn nội bộ là nguyên nhân khiến Triều Tiên nã pháo sang lãnh thổ Hàn Quốc hôm nay.

Người dân xem bản tin về vụ nã pháo của Triều Tiên tại một nhà ga ở thành phố Seoul hôm 20/8. Ảnh: AP
Người dân Hàn Quốc xem bản tin về vụ nã pháo của Triều Tiên tại một nhà ga ở thành phố Seoul hôm 20/8. Ảnh: AP

Trao đổi với Zing.vn, Phó giáo sư Hà Mỹ Hương, người từng làm việc tại Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận xét rằng, vụ nã pháo của Triều Tiên là một hành động không quá bất ngờ. Thông thường Bình Nhưỡng luôn đe dọa hoặc phóng tên lửa mỗi khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận gần biên giới.

Trong khi đó, quân đội Mỹ và Hàn Quốc sắp tiến hành những cuộc tập trận thường niên vào hôm 24/8. Bình Nhưỡng cho rằng những cuộc tập trận như thế là sự chuẩn bị cho chiến tranh.

"Ngoài ra, rất có thể Bình Nhưỡng muốn đẩy tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên một mức mới nhằm thu hút sự chú ý của Mỹ, tăng vị thế trong một cuộc thương lượng nào đó trong tương lai gần. Đây là biện pháp mà Triều Tiên từng áp dụng vài lần trước đây", Phó giáo sư Mỹ Hương nói.

Gần đây giới truyền thông Hàn Quốc liên tục đưa tin về việc Bình Nhưỡng xử tử hoặc trừng phạt nhiều quan chức cấp cao, như Bộ trưởng Quốc phòng Hyon Yong Chol và Phó Thủ tướng Choe Yong Gon. Do đó, theo Phó giáo sư Mỹ Hương, có thể bắn pháo là cách để Triều Tiên "chuyển lửa" ra ngoài, đập tan mọi lời đồn đoán và hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra ngoài biên giới.

Căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên gia tăng cách đây khoảng 10 ngày, khi Seoul thông báo mìn nổ trong khu vực phi quân sự giữa hai miền hôm 4/8 khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên cài mìn, song Bình Nhưỡng khẳng định họ không làm việc đó.

Sau sự việc, Hàn Quốc bắt đầu hoạt động tuyên truyền chống Triều Tiên từ các loa phóng thanh ở biên giới, một biện pháp mà hai nước đều ngừng thực hiện từ năm 2004.

Hôm 15/8, Bình Nhưỡng yêu cầu Seoul ngừng tuyên truyền qua loa nếu không muốn đối mặt với hành động đáp trả bằng vũ lực. Triều Tiên cũng thực hiện chương trình tuyên truyền chống Hàn Quốc từ hôm 17/8.

Hôm 20/8, quân đội Triều Tiên nã hàng chục quả đạn pháo về phía một loa tuyên truyền do Hàn Quốc đặt gần biên giới. Chiếc loa không hư hại sau đợt tấn công của Bình Nhưỡng.

Các quan chức kinh tế và tài chính của Hàn Quốc sẽ họp vào sáng 21/8 để thảo luận về tác động của nền kinh tế và thị trường tài chính đối với vụ đấu pháo của hai nước hôm nay, Bộ Tài chính Hàn Quốc thông báo.

Triều Tiên và Hàn Quốc đấu pháo ở biên giới

Hãng tin Yonhap chiều 20/8 đưa tin, quân đội Triều Tiên bắn pháo về một chốt quân sự của Hàn Quốc ở khu vực phía tây vùng biên giới liên Triều và phía Seoul đã đáp trả.

Tương quan sức mạnh quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc

Số binh sĩ và đại pháo của Triều Tiên gấp đôi Hàn Quốc nhưng vũ khí của Bình Nhưỡng lạc hậu hơn nước láng giềng.

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm