Ảnh minh họa: Sputnik News |
Từ khi giới khoa học phát hiện vũ trụ đang giãn nở, họ đã đưa ra khá nhiều giả thuyết để giải thích về hiện tượng ấy.
Các nhà khoa học của Đại học Vanderbilt tại Mỹ vừa thiết lập một mô hình mới về động lực học chất lỏng để giải thích về sự mở rộng của vũ trụ. Theo mô hình, ngay cả khi năng lượng tối không tồn tại, vũ trụ vẫn tự giãn nở từ bên trong. Kết quả của quá trình giãn nở là vũ trụ sẽ nổ tung trước khi biến mất trong khoảng 22 tỷ năm nữa, còn mọi nguyên tử sẽ tự phân rã, Sputnik News đưa tin. Đương nhiên, khi đó trái đất cũng sẽ nổ, kết thúc sự tồn tại của mọi sinh vật sống.
Hiện nay giới khoa học đang chấp nhận một giả thuyết mang tên Big Rip về ngày tàn của vũ trụ. Giả thuyết này dựa trên một ý tưởng: Năng lượng tối tồn tại và nó thúc đẩy quá trình phình ra của vũ trụ. Yếu tố quan trọng của kịch bản là tỷ số giữa áp suất và mật độ năng lượng tối. Nếu tỷ số rơi xuống mức dưới -1, vũ trụ sẽ tự hủy diệt.
Độ nhớt vũ trụ là chỉ số đo tính chống co và giãn của chất lỏng. Những mô hình về sự phình ra của vũ trụ, bao gồm Big Rip, không tính tới độ nhớt vũ trụ và không thể giải thích những hiện tượng xảy ra với những chất lỏng lý tưởng khi chúng di chuyển với tốc độ gần bằng ánh sáng.
Marcelo Disconzi, một thành viên trong nhóm nghiên cứu mô hình mới của Đại học Vanderbilt, nói rằng ông và các đồng nghiệp xem xét những chất lỏng không co và cũng không giãn trên các thiên thể đặc biệt như sao từ và siêu tân tinh.
"Rất có thể tính nhớt của vũ trụ là thủ phạm khiến vũ trụ giãn với tốc độ tăng dần, chứ không phải năng lượng tối", Disconzi nhận xét.
Robert Scherrer, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, nói rằng, trong các mô hình không có độ nhớt vũ trụ, viễn cảnh vũ trụ tự nổ vì giãn nở không thể xảy ra.
"Nhưng trong mô hình của chúng tôi, đặc tính nhớt sẽ đưa vũ trụ tới trạng thái hủy diệt", ông lập luận.
Một giả thuyết khác về ngày tận thế của trái đất cho rằng, sau khoảng 7,6 tỷ năm nữa, mặt trời sẽ phồng lên thành một ngôi sao khổng lồ đỏ rồi "nuốt chửng" trái đất.