Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ quan tại TP.HCM làm việc thế nào sau chỉ thị cách ly toàn xã hội

Lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM khẳng định các cơ quan Nhà nước trên địa bàn vẫn làm việc như thường lệ, chỉ thay đổi cách thức làm việc trong thời gian cao điểm dịch Covid-19.

Chiều 31/3, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM tổ chức buổi họp để bàn những việc cấp bách sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc cách ly toàn xã hội để phòng, chống Covid-19. Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm khẳng định sau chỉ thị trên, các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn vẫn làm việc bình thường.

"Có nhiều ý kiến hỏi về việc cách ly toàn xã hội thì các cơ quan, đơn vị có làm việc hay không. Tôi khẳng định rằng các cơ quan đơn vị Nhà nước vẫn duy trì hoạt động bình thường, chỉ thay đổi cách thức làm việc", ông Trương Văn Lắm nhấn mạnh.

Lam viec trong dich Covid-19 anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất với UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan Nhà nước tăng cường áp dụng phân công, giao việc bằng phần mềm quản lý công việc. Các cơ quan Nhà nước chỉ duy trì một số vị trí lãnh đạo trực tại đơn vị nhưng không được quá 1/3 quân số.

"Những vị trí được phân công trực tại cơ quan là vị trí lãnh đạo và những vị trí quan trọng khác để đảm bảo kịp thời ban hành những văn bản cần thiết. Trường hợp đặc biệt khác cần xin ý kiến của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, đối với sở, ngành, quận, huyện thì cần có ý kiến của UBND thành phố", Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho hay.

Lãnh đạo ngành Nội vụ của TP.HCM đặc biệt lưu ý việc làm việc tại nhà vẫn phải đảm bảo yêu cầu công việc, kế hoạch đã đề ra của cơ quan. Các cơ quan nhà nước cần tăng cường dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, toàn bộ cơ quan hành chính cần có thủ trưởng hoặc chuyên viên làm đầu mối liên lạc, trực máy tính và điện thoại toàn thời gian trong ngày.

Trao đổi về cách thức làm việc trực tuyến trong thời gian phòng, chống Covid-19, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay Sở Thông tin Truyền thông đã lên kế hoạch để hướng dẫn các cơ quan về việc áp dụng công nghệ thông tin xử lý công việc trong 2 tuần tới.

Các buổi hội họp cấp thành phố hoặc quận, huyện, sở, ngành có thể sử dụng hệ thống họp trực tuyến của thành phố đã xây dựng. Sở Thông tin Truyền thông sẽ đảm bảo hệ thống đạt tín hiệu tốt, thông suốt.

Sáng 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người nơi công cộng.

Theo Thủ tướng, các giải pháp theo Chỉ thị 16 mang tính “tiền khẩn cấp”, là để giãn cách xã hội. Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cách ly xã hội không phải phong tỏa đất nước

Theo lý giải của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các giải pháp về cách ly xã hội mới là dự lệnh, khuyến cáo, chưa phải lệnh cấm. Việc này cũng không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước.

Quang Huy - Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm