Lần gần nhất cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 giảm sàn 3 phiên liên tiếp đã diễn ra vào tháng 7/2018, cách đây hơn 8 tháng. Tuy nhiên, đợt giảm đó diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu YEG đã có nhiều phiên tăng mạnh liên tiếp, khối lượng giao dịch trong các phiên giảm thời điểm đó cũng khá khiêm tốn.
Cổ phiếu bị bán tháo
Hện tại, Yeah1 đã giao dịch ổn định trong khoảng 240.000 đồng/cổ phiếu gần 3 tháng nay, tuy nhiên vướng vào sự cố với YouTube đã khiến cổ phiếu này giảm liên tục.
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay (6/3), YEG tiếp tục giảm kịch biên độ (7%), xuống mức 197.200 đồng/cổ phiếu. Tương tự như 2 phiên trước đó, cổ phiếu này vẫn trong trạng thái trắng bên mua (không có lệnh đặt mua), trong khi lệnh rao bán vẫn còn thừa tới hơn 340.000 cổ phiếu ở giá sàn.
Chỉ trong 3 ngày sau khi sự cố với YouTube được phát đi, cổ phiếu YEG đã giảm tổng cộng 47.800 đồng (21%), vốn hóa doanh nghiệp này cũng đã “bốc hơi” gần 1.500 tỷ.
Đặc biệt, dù loạt lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này đã đăng ký mua vào cổ phiếu doanh nghiệp như một lời khẳng định về tương lai của cổ phiếu nhưng giới đầu tư vẫn không lạc quan với YEG khi cổ phiếu này giảm sàn liên tiếp.
Hệ sinh thái kinh doanh của Yeah1: Ảnh: YEG. |
Không giống như những lần giảm trước đó, YEG giảm sàn những ngày gần đây là do ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin bị YouTube chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) với 3 công ty con/công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Yeah1 từ ngày 31/3. Trong đó bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Nguyên nhân của việc nền tảng phát triển video lớn nhất thế giới chấm dứt hợp đồng này do YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube.
Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc tập đoàn của Việt Nam.
Phụ thuộc YouTube
Thông tin mới nhất từ phía Yeah1 cho biết, mảng YouTube MCN (doanh thu chính từ YouTube AdSense) đóng góp 12,9% lợi nhuận sau thuế cho Yeah1.
Theo đó, hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của tập đoàn này bao gồm hai mảng chính là kinh doanh trên YouTube và xuất bản nội dung số (Yeah1 Publishing) với tổng đóng góp 55,6% doanh thu và 84,1% lãi ròng năm vừa qua.
Dễ hiểu hơn, phân khúc YouTube của doanh nghiệp này bao gồm mảng bán hàng trực tiếp (Direct Sales) với phần lớn doanh thu đến từ đánh giá được tài trợ (trực tiếp quảng cáo sản phẩm trong video), hợp tác B2B trong sản xuất nội dung. Mảng thứ 2 là mạng đa kênh YouTube (YouTube MCN) liên quan đến việc quản lý các kênh YouTube.
Trong đó, YouTube MCN lại được phân thành quản lý các kênh tự sở hữu và quản lý các kênh của bên thứ ba (đối tác).
Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận theo mảng hoạt động của Yeah1 năm 2018 vừa qua. Nguồn: BCTC Tập đoàn Yeah1. |
Theo đó, trong năm 2018 doanh thu từ YouTube MCN mang về cho doanh nghiệp này 309 tỷ đồng (13,3 triệu USD). Trong đó, 1,35 triệu USD từ các kênh YouTube tự sở hữu và 11,95 triệu USD từ các kênh của bên thứ ba.
Theo tập đoàn này, biên lợi nhuận từ các kênh tập đoàn tự sở hữu lên tới trên 50%, trong khi tỷ lệ này tại các kênh của bên thứ ba vào khoảng 8%.