Theo công bố của Yeah1, chỉ vì liên quan tới một công ty do tập đoàn sở hữu gián tiếp chưa tới 17%, toàn bộ hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của họ bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte. Ltd và ScaleLab LLC đang bị chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung.
Yeah1 đang gặp những khó khăn đến từ chính nền tảng kinh doanh chủ yếu của mình. Ảnh: Xuân Tiến. |
YouTube AdSense là gì?
YouTube AdSense còn được biết tới với cái tên dễ hiểu hơn là kiếm tiền từ YouTube vốn không còn quá xa lạ tại Việt Nam.
Với chức năng này, YouTube cho phép đối tác của mình (người sản xuất, phát triển nội dung video) đặt quảng cáo trong các video mà họ chia sẻ trên nền tảng. Qua đó, YouTube sẽ đứng làm trung gian giữa người muốn đặt quảng cáo (các nhãn hàng/nhà quảng cáo) trên YouTube với những người đặt quảng cáo (người sản xuất nội dung) xây dựng nguồn traffic để kiếm tiền. YouTube cũng sẽ được hưởng lợi từ số tiền quảng cáo này.
Theo thông tin từ Yeah1, các nhãn hàng/nhà quảng cáo sẽ trực tiếp trả tiền cho YouTube để phân phối các quảng cáo của họ tới người xem. Doanh thu quảng cáo này dựa trên CPM (giá trên mỗi 1.000 lượt xem). YouTube sẽ giữ 45% doanh thu quảng cáo và trả 55% còn lại cho các đối tác sản xuất nội dung.
Bên cạnh đó, các đối tác cũng sẽ nhận được tiền từ mỗi lần người dùng nhấp chuột vào quảng cáo.
Tuy nhiên, để có thể bật chức năng kiếm tiền từ YouTube AdSense, đối tác của nền tảng này cũng cần những điều kiện tối thiểu để tham gia bao gồm tuân thủ tất cả các chính sách của YouTube, có hơn 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất, hơn 1.000 người đăng ký và phải liên kết tài khoản AdSense.
Trên thực tế, chủ sở hữu các kênh trên YouTube có thể làm việc trực tiếp với YouTube để kiếm tiền từ nội dung video. Tuy nhiên, nhiều chủ sở hữu kênh thường chọn hợp tác với các MCN (như Yeah1) để thu hút số lượt xem nhiều hơn và tăng doanh thu.
Với trường hợp của Yeah1, thông qua SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC, tập đoàn này đứng vai trò trung gian MCN cho những kênh riêng lẻ của các cá nhân.
55% doanh thu được chia từ YouTube sẽ trả cho Yeah1, công ty này sau đó giữ 5-30% phần doanh thu này và thanh toán 70-95% còn lại cho các nhà sản xuất nội dung/đối tác kênh YouTube của mình (YouTuber).
Đây cũng chính là lý do chỉ một SpringMe Pte. Ltd. (công ty do Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube mà nền tảng chia sẻ video này áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube AdSense trực thuộc tập đoàn của Việt Nam.
Kinh doanh dựa nền tảng của doanh nghiệp khác
Theo bản cáo bạch năm 2018 của Yeah1, tập đoàn này mới chỉ được cấp giấy phép Mạng đa kênh của YouTube (MCN) từ năm 2015 và thành lập hệ thống Yeah1 Network từ năm 2017. Từ đó nhờ vào nền tảng YouTube mà kinh doanh của Yeah1 trôi chảy.
Yeah chưa công bố chi tiết cơ cấu doanh thu thực tế năm 2018. |
Tuy mới chính thức hoạt động hơn 3 năm, Yeah1 Network đã quản lý hơn 1.000 kênh sản xuất video, chiếm 25% tổng số lượt xem YouTube tại Việt Nam và là MCN lớn thứ 6 trên thế giới, đứng đầu châu Á về lượt xem.
Cơ cấu kinh doanh của tập đoàn này cũng được chia thành 2 mảng chính gồm kinh doanh truyền thống và mảng kỹ thuật số. Trong đó, đóng góp doanh thu của 2 mảng này tương đương nhau nhưng hiệu quả lợi nhuận từ mảng kỹ thuật số cao hơn rất nhiều. Như trong năm 2017, mảng truyền thống đóng góp vào 43% doanh thu của tập đoàn nhưng toàn bộ lợi nhuận đều đến từ mảng kỹ thuật số. Trong năm 2018, lợi nhuận từ mảng kỹ thuật số cũng là hơn 84%.
Cơ cấu kinh doanh kỹ thuật số của Yeah1 cũng chia làm 3 lĩnh vực gồm mạng đa kênh YouTube; chế bản kỹ thuật số và Webface.
Năm 2017, riêng mạng đa kênh YouTube mang về cho Yeah1 tới 34,4% doanh thu và 56,9% tổng lợi nhuận sau thuế, tương đương 293 tỷ doanh thu và 55 tỷ đồng lãi ròng. Đây cũng là mảng kinh doanh đang được Yeah1 chú trọng mở rộng thông qua các thương vụ M&A trị giá hàng triệu USD gần đây.
Trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng YouTube, ngoài doanh thu và lợi nhuận từ AdSense, Yeah1 còn có doanh thu đến từ quảng cáo trực tiếp trên các video do mình quản lý.
Theo đó, Yeah1 sẽ có thêm nguồn thu thông qua việc tiếp thị bán hàng trực tiếp cho các thương hiệu và nhà quảng cáo xuất hiện trong nội dung video (thay vì các biểu ngữ và video quảng cáo bên ngoài được YouTube nhúng).
Đây cũng là cách nhiều chủ sở hữu kênh thường chọn thông qua hợp tác với MCN của Yeah1 để thu hút số lượng xem nhiều hơn và qua đó tăng doanh thu.
Phụ thuộc vào YouTube đến 90%
So với 2017, đến 2018 Yeah1 lại thêm phụ thuộc YouTube. Báo cáo tài chính năm 2018 cho biết kết quả kinh doanh của Yeah1 năm qua tăng gần gấp đôi so với 2017. Trong đó, gần 90% lợi nhuận thu về đang đến từ mảng kinh doanh kỹ thuật số trên nền tảng Youtube. Trong đó tập đoàn này công bố YouTube AdSense đóng góp 13%.
Cụ thể, tập đoàn này ghi nhận 1.666 tỷ đồng doanh thu hoạt động, và khoản lợi nhuận trước thuế 227 tỷ đồng trong năm 2018, chỉ tiêu tài chính tốt nhất tập đoàn này tạo ra từ khi đi vào hoạt động năm 2006.
Mảng kinh doanh kỹ thuật số trên nền tảng YouTube và xuất bản nội dung số năm vừa qua của Yeah1 đã tăng hơn 93% và chiếm tới 89% lợi nhuận của tập đoàn. Trong khi năm 2015, tỷ lệ này chỉ chưa tới 50% lợi nhuận của công ty.
Tuy nhiên, những kế hoạch kinh doanh của Yeah1 đang cho thấy tập đoàn này đang có xu hướng cố gắng giảm phụ thuộc vào việc kinh doanh trên nền tảng YouTube mà chuyển sang nền tảng Google (trừ YouTube). Các nền tảng này đều của công ty khác chứ Yeah1 không có.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2017, doanh thu kỹ thuật số từ YouTube đều mang về cho Yeah1 hàng trăm tỷ đồng. Như 225 tỷ đồng (40% doanh thu) trong năm 2016, rồi tiếp tục tăng lên 289 tỷ cho năm 2017. Nhưng tỷ trọng đóng góp lại giảm còn 34% do công ty chuyển sang mảng kỹ thuật số trên Google (trừ YouTube).
Theo kế hoạch kinh doanh, năm 2019 này, doanh thu kỹ thuật số từ Google (trừ YouTube) cũng sẽ đóng góp cho Yeah1 1.044 tỷ, trong khi doanh thu kỹ thuật số YouTube là 544 tỷ.
Việc phụ thuộc hoàn toàn vào YouTube và Google để kinh doanh nên khi các nền tảng trên điều chỉnh chính sách lập tức Yeah1 rơi vào tình trạng nguy hiểm mà việc bốc hơi hơn 1.000 tỷ sau 2 phiên giao dịch chứng khoán vừa qua có thể mới chỉ là hệ quả ban đầu.