Hầu hết doanh nghiệp IPO đều có kế hoạch bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nhằm tăng cường năng lực tài chính và quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, để thu hút được vốn ngoại, mức giá bán cổ phần và tỉ lệ bán cần phải đủ hấp dẫn.
Sau nhiều lần trễ hẹn, dự kiến trong quý II/2014 tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Trong ảnh: công nhân Trần Thị Ngọc Dung thao tác trên máy dệt khổ lớn 3,2m của công ty cổ phần may quốc tế Thắng Lợi. |
Hấp dẫn cổ phiếu của các ông lớn
Được ấn định sẽ IPO trong năm 2014, tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) đang chờ duyệt phương án IPO và định giá cổ phần. VNA được đánh giá khá tiềm năng, bởi đây là doanh nghiệp có thị phần chi phối trong lĩnh vực hàng không. Năm 2013, VNA công bố lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 533 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Lê Anh Tuấn, kinh tế trưởng Dragon Capital cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài ít quan tâm đến doanh nghiệp độc quyền hay không, mà nhìn vào lợi nhuận của doanh nghiệp, giá cổ phiếu được định như thế nào.
“Giá cổ phiếu ở Việt Nam đã không còn quá rẻ. Vì thế khi IPO, giá cổ phiếu phải được xác định phù hợp mới thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư”, ông Tuấn nói. Trong khi đó, dù chưa được phê duyệt, nhưng với số lượng đấu giá dự kiến là 383 triệu cổ phần, số tiền thu về dự kiến 200 triệu USD, mức giá ban đầu khoảng 10.900 đồng/cổ phiếu, chênh lệch so với mệnh giá không đáng kể.
Cũng như nhiều nhà đầu tư, ông Tuấn đánh giá cao tiềm năng của MobiFone. Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến MobiFone, bởi viễn thông là ngành có lợi nhuận cao, luôn tăng trưởng. Thực tế trong năm 2013, lợi nhuận của MobiFone được công bố khoảng 6.000 tỷ đồng. TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng, nên tập trung cổ phần hóa (CPH) vì ngành viễn thông đang nóng trên thị trường chuyển nhượng quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.
Trong hai năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) luôn đạt ở mức hai con số. Năm 2013, doanh thu của Vinatex đạt hơn 45.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước, xuất khẩu khoảng 2,9 tỷ USD và có doanh thu nội địa đạt gần 23.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2012. Trong năm 2014, các chỉ số nói trên đều được Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 12% so với năm 2013, cho thấy tập đoàn này cũng đặt kỳ vọng vào sự kiện IPO sắp tới. Ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, hiện vẫn đang chờ Chính phủ phê duyệt phương án IPO của Vinatex.
Xét về tiến độ, Vinatex đang chậm ít nhất gần ba tháng so với dự kiến, khi kế hoạch IPO của tập đoàn này từng được ấn định vào cuối năm 2013 vừa qua. Theo ông Nghị, sau khi được thông qua phương án IPO, lúc đó “Vinatex mới có thể công bố đối tác chiến lược nước ngoài là ai”. Ngoài tỉ lệ 51% nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Vinatex chỉ được phép bán ra bên ngoài 49% cổ phần, trong đó đối tác chiến lược cũng chỉ được phép nắm giữ tối đa 50% số cổ phần được bán ra bên ngoài, phần còn lại dành cho các nhà đầu tư khác.
Thu về hàng trăm ngàn tỷ đồng
Theo các chuyên gia, với những ngành nghề nhà nước không cần nắm giữ, dứt khoát nên bán xuống dưới mức chi phối, tức nắm tối đa 49%. Như vậy, không những quản trị doanh nghiệp thay đổi mà nhà nước có thể thu về hàng trăm ngàn tỷ đồng từ tiền bán cổ phần, nếu hoàn thành tiến độ CPH trong hai năm 2014-2015. Đơn cử, theo lộ trình đã được phê duyệt, ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ bán thêm cổ phần ra bên ngoài, để đến năm 2015 nhà nước nắm giữ tỉ lệ không thấp hơn 65%. Hiện tỉ lệ sở hữu nhà nước ở BIDV là 95,76%. Giả sử năm 2015 hoàn thành việc bán vốn nhà nước về còn mức nắm giữ là 65%, tính theo giá cổ phiếu hiện nay, thì nhà nước thu về trên 14.300 tỷ đồng. BIDV cho biết, ngân hàng này vẫn đang tìm đối tác chiến lược để bán vốn nhà nước.
Tương tự, tỉ lệ sở hữu của nhà nước ở tổng công ty cổ phần Khí Việt Nam (PV Gas) sẽ giảm từ 96,72% xuống còn 75%. Nếu tính theo giá cổ phiếu của PV Gas đang giao dịch trên thị trường chứng khoán hiện nay, tiếp tục bán vốn nhà nước sẽ thu về thêm khoảng 34.980 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang trong quá trình tiếp tục đàm phán để bán vốn nhà nước cho các nhà đầu tư chiến lược. Trong số đó, tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào triển vọng dài hạn và Petrolimex được đánh giá tốt. Petrolimex sẽ hoàn thành CPH vào năm 2015.
Theo các chuyên gia, để có thể bán được cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tỉ lệ bán cổ phần phải đủ hấp dẫn. Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc bộ phận tư vấn tài chính doanh nghiệp công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng: “Khi tách ra khỏi VNPT, nếu có đối tác chiến lược tham gia nắm khoảng 15-20% cổ phần tại MobiFone thì quản trị doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Tỉ lệ IPO càng cao, sản phẩm bán ra càng hấp dẫn”.
Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cũng cho rằng, nhà đầu tư chiến lược thường muốn mua ít nhất 20%. Vì thế, nếu cứ bán nhỏ giọt khó có thể thu hút. Hơn nữa, khi thực hiện CPH, điều quan trọng là phải minh bạch mọi thông tin, công bố rõ lộ trình bán vốn mới thu hút được các nhà đầu tư tổ chức.
Đơn giản bớt thủ tục mới kịp lộ trình
TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, cho rằng rào cản hiện nay của CPH là về mặt kỹ thuật. CPH các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vô cùng khó khăn. Riêng chuyện tìm ra nhà tư vấn định giá đã rất khó. Khi CPH Vietcombank, chỉ riêng khâu thủ tục mất đến hai năm. Để tăng tốc CPH, những doanh nghiệp nhà nước quy mô nhỏ và vừa thì giao cho tư vấn trong nước làm. Còn những trường hợp quy mô lớn, có nhiều yếu tố đặc thù nên thuê tư vấn nước ngoài.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, ngay cả những doanh nghiệp làm ăn có lãi, thị trường có tiềm năng nhưng nếu không gỡ vướng mắc về CPH đang tồn tại thì việc CPH vẫn gặp nhiều trở ngại.