Phiên giao dịch chứng khoán ngày 19/6 tiếp tục ghi nhận xu hướng điều chỉnh mạnh của các chỉ số thị trường khi áp lực chốt lời của nhà đầu tư gia tăng và đà bán tháo mạnh mẽ ở một số nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Kết phiên hôm nay, chỉ số VN-Index trên sàn TP.HCM ghi nhận mức giảm 9,82 điểm (-0,88%), về còn 1.105,4 điểm, đánh dấu phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp sau giai đoạn hồi phục lên đỉnh ngắn hạn hơn 1.122 điểm.
Trong khi đó, chỉ số HNX- Index niêm yết tại sàn Hà Nội cũng có phiên đỏ lửa thứ 2 liên tiếp khi kết phiên hôm nay mất 1,92 điểm (-0,84%), về 226,52 điểm. Chỉ số UPCoM-Index cũng đảo chiều giảm 0,21 điểm (-0,25%), còn 84,41 điểm.
VN-Index giảm gần 10 điểm trong phiên 19/6. Đồ thị: TradingView. |
Tâm điểm của thị trường hôm nay đổ dồn về cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Apec của ông Nguyễn Đỗ Lăng - nhóm từng gây chú ý khi đeo khăn tím hô "gồng lãi". Toàn bộ các mã APS của Chứng khoán Apec; API của Apec Investment và IDJ của Đầu tư IDJ Việt Nam trong nhóm này đều giảm kịch sàn.
Trong đó, API và IDJ luôn trong trạng thái trắng bên mua và lượng dư bán lên đến hàng triệu đơn vị, cùng chốt phiên ở mức giá 12.900 đồng/cổ phiếu. Xu hướng giao dịch của APS cũng không khá khẩm hơn dù có thanh khoản, vẫn giảm hết biên độ phiên hôm nay về 13.700 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng giao dịch của nhóm này đạt hơn 28 triệu đơn vị.
Đà bán tháo của nhóm cổ phiếu kể trên gây bất ngờ cho giới đầu tư bởi trước đó cổ phiếu "họ Apec" được xem là có dòng tiền tốt và ghi nhận đà hồi phục ấn tượng hơn 60% trong nửa đầu năm nay. Riêng mã APS thậm chí còn giúp nhà đầu tư nhân 3 tài khoản giai đoạn này.
Tại phiên họp cổ đông mới đây, Chứng khoán Apec đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 10% và có kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu, dù công ty có mức lỗ ròng khủng gần 450 tỷ đồng năm ngoái.
Áp lực bán của nhóm cổ phiếu "họ Apec" lan nhanh ra các cổ phiếu đầu cơ khác như EVG, LGL, QBS, PSH, PTL, TTF, SJF, MHC, TDG, PV2, MST, KSQ... đều chuyển sang sắc xanh lơ giảm sàn.
Xét ở nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu ngân hàng VCB của Vietcombank gây tác động xấu nhất khi giảm mạnh 3,1% từ đỉnh lịch sử về 101.700 đồng/cổ phiếu. Tiếp đến là bộ đôi VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes lần lượt giảm 2,6% và 1,8%.
Trong khi lực đỡ của thị trường không quá nổi bật, chủ yếu nhờ sắc xanh tăng giá 1,2% của SAB (Sabeco), hay diễn biến tốt của nhóm cổ phiếu chứng khoán VCI, SSI, HCM, VDS.
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất tới chỉ số VN-Index phiên 19/6. Nguồn: FireAnt. |
Thị trường gặp áp lực bán lớn nhưng chủ yếu diễn ra ở nhóm cổ phiếu nhỏ, do đó thanh khoản toàn thị trường lại sụt giảm mạnh so với phiên cuối tuần trước, tổng giá trị chỉ đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng sàn HoSE chiếm 14.317 tỷ đồng, giảm đến 36% so với phiên liền trước.
Giao dịch lớn nhất thuộc về cổ phiếu NVL của Novaland khi ghi nhận tổng cộng hơn 67 triệu đơn vị được giao dịch sang tay, chiếm gần 10% tổng lượng giao dịch trên sàn HoSE. Mã chứng khoán này cũng đã lao dốc 6%, về 14.000 đồng/cổ phiếu cuối ngày hôm nay. Trong đó, áp lực bán từ khối ngoại lên tới hơn 24 triệu cổ phiếu NVL.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên hôm nay cũng đảo chiều từ mua ròng sang bán ròng mạnh trên trăm tỷ đồng. Riêng cổ phiếu NVL là mã bị khối ngoại xả mạnh nhất hơn 340 tỷ đồng; trong khi chứng chỉ quỹ FUEVFVND lại được gom nhiều nhất với hơn 230 tỷ đồng.
Trước phiên chứng khoán đầu tuần này, các đơn vị phân tích cũng cho rằng xác suất thị trường điều chỉnh ngắn hạn đang ở mức cao, nhưng đây là nhịp rung lắc cần thiết để tạo đà cho VN-Index hướng lên các vùng điểm cao hơn.
"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư bám sát diễn biến thị trường trong tuần này, duy trì tâm lý thận trọng và kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng trước khi quay lại giải ngân mới", báo cáo của VCBS nhận định.
Tương tự, Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho rằng VN-Index nhiều khả năng tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên đầu tuần này, lùi xuống ngưỡng hỗ trợ gần 1.105-1.110 điểm và sâu hơn là 1.09x nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chung nhận định thị trường sẽ cần thời gian để kiểm tra lại cung cầu quanh mức điểm hiện tại trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...