Tác động quán tính của phiên lao dốc đầu tuần và áp lực lao dốc trên thị trường quốc tế tiếp tục gây tác động lên thị trường trong nước. Các chỉ số chứng khoán ngay khi mở cửa vẫn giảm khá sâu trước khi tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại.
VN-Index thời gian sau đó biến động mạnh mẽ quanh mốc tham chiếu khi bên mua và bên bán giằng co quyết liệt. Thị trường phân hóa lớn khi một số nhóm bứt phá để dẫn dắt chỉ số, trong khi một số nhóm khác bị bán tháo ở chiều kéo xuống.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index lấy lại sắc xanh sau phiên bán tháo với mức tăng nhẹ 3,27 điểm (0,27%) lên 1.230,31 điểm. Trong khi HNX-Index tăng 1,71 điểm (0,59%) đạt 290,08 điểm và UPCoM cũng kết phiên trong sắc xanh.
Thị trường phân hóa khá mạnh mẽ giữa các nhóm ngành. Trong đó chiều kéo lên chứng kiến sự bứt phá của cổ phiếu dầu khí, mà dẫn đầu là mã GAS của PV Gas tiến sát giá trần với mức tăng 6,8% lên 126.000 đồng (đóng góp lớn nhất đến 3,9 điểm tăng của thị trường).
Bên cạnh đó còn ghi nhận PVS tăng trần đạt 29.900 đồng, BSR tăng 8% ở 31.900 đồng, PVC bứt phá 7,2% lên 22.200 đồng, CNG tăng 5,1%, PVD có thêm 4,5% giá trị đạt 22.200 đồng, PVT tăng 3,2% lên 21.000 đồng.
Sự bứt tốc của nhóm dầu khí bởi giá các mặt hàng trên thế giới đi lên. Giá khí đốt tại Anh hôm qua nhảy vọt hơn 6% lên mức 1,9 USD/therm. Giá dầu Brent tăng lên 122,27 USD/thùng và dầu WTI cũng vượt lên 120,93 USD/thùng, trong bối cảnh nhà đầu tư quan ngại nhiều hơn về rủi ro thiếu hụt nguồn cung.
Một nhóm khác cũng tạo điểm nhấn tốt trong phiên là thủy sản. Trong đó ANV của Navico tăng trần lên 53.600 đồng, sau thông tin bất ngờ nâng mục tiêu lợi nhuận năm nay lên 1.000 tỷ đồng, gấp 6,6 lần năm 2021. Ngoài ra còn có VHC của Vĩnh Hoàn tăng 2,9% đạt 98.000 đồng, MPC của Minh Phú có thêm gần 4% giá trị.
Một số khác cũng có đà tăng tốt phải kể đến cổ phiếu phân bón khi DCM tăng 5,7%, DPM tăng 4,1%, LAS có thêm 4,4%... Hay cổ phiếu điện với REE dẫn đầu tăng 4,6%, NT2 bứt phá 5,1%, GEG thêm 2,5%...
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép trở thành lực cản lớn nhất cho thị trường, dẫn đầu là HPG của Hòa Phát tiếp tục rơi 4,7% về 30.300 đồng (làm mất 1,7 điểm vào xu hướng của thị trường). Bên cạnh đó còn phải kể đến HSG của Hoa Sen giảm sàn, NKG của Nam Kim rơi 5,7%, TVN mất 4,1%.
Cổ phiếu ngành bán lẻ, tiêu dùng nhìn chung cũng tiêu cực khi MSN của Masan Group mất 2,5% giá trị về 106.300 đồng, SAB của Sabeco giảm 2% còn 150.000 đồng, DGW sụt 3%, FRT giảm 2,3%.
Cổ phiếu chứng khoán tiếp tục chìm trong sắc đỏ bởi áp lực bán tháo. Các mã đầu ngành như SSI rơi 6,2%, VND lao dốc 6,5% về sát giá sàn, HCM mất 5,5% hay VCI sụt 5,8%, ngoài ra TVB đã giảm hết biên độ và FTS đã chạm giá sàn.
GAS bứt phá để kéo thị trường xanh trở lại. Nguồn: VNDirect. |
Dù chỉ số có được sắc xanh nhưng độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên bán. Toàn sàn vẫn có đến 577 mã giảm giá, chiếm ưu thế so với 361 mã tăng giá và 149 mã đứng tại tham chiếu.
Thanh khoản thị trường nhìn chung vẫn ở mức thấp và giảm so với phiên bán tháo hôm qua, đạt tổng giá trị chỉ 17.250 tỷ đồng. Tuy nhiên yếu tố tích cực là nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại hơn 300 tỷ đồng.
Thị trường trong nước đã có phiên hồi phục khá ấn tượng dù chịu áp lực không nhỏ từ thị trường quốc tế. Hôm qua chứng khoán Mỹ tiếp tục mất giảm để rơi vào thị trường giá xuống, trong bối cảnh nhà đầu tư gia tăng quan ngại về rủi ro suy thoái.
Chỉ số S&P 500 lao dốc 3,88% xuống 3.750, thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và thấp hơn 20% so với đỉnh. Chỉ số Dow Jones mất 2,79% về 30.517 điểm, hiện thấp hơn 17% so với đỉnh. Chỉ số Nasdaq Composite rơi 4,68% xuống 10.809 điểm, chìm sâu vào thị trường giá xuống khi thấp hơn 33% so với đỉnh.