Theo thông báo trước đó của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ ngày 15/12, 29 mã chứng khoán trên UPCoM sẽ chính thức bị đình chỉ giao dịch. HNX cho biết các cổ phiếu trên bị đình chỉ giao dịch do các tổ chức giao dịch chưa công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên.
Cổ phiếu của "Bông hồng vàng" Phú Yên Võ Thị Thanh
Đáng chú ý, trong danh sách 29 mã chứng khoán bị đình chỉ giao dịch từ hôm nay, nhiều cổ phiếu trong đó thuộc về doanh nghiệp của các đại gia nổi tiếng một thời.
Như trường hợp cổ phiếu GTT của Công ty CP Thuận Thảo, doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của nữ doanh nhân Võ Thị Thanh, người được mệnh danh là "Bông hồng vàng" trong giới kinh doanh Phú Yên.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GTT từng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với giá tham chiếu 20.000 đồng/cổ phiếu (sau điều chỉnh là 13.900 đồng). Doanh nghiệp này đặt tham vọng huy động vốn để trở thành tập đoàn đa ngành hàng đầu thị trường phía Nam.
Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh không khả quan, các dự án đầu tư kém hiệu quả, thị giá GTT thời điểm lên cao nhất chỉ đạt xấp xỉ 15.500 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh) vào tháng 1/2014, sau đó là chuỗi ngày đi ngang và giảm liên tục. Đến tháng 6/2016, 43,5 triệu cổ phiếu GTT bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ kéo dài và phải chuyển xuống giao dịch tại UPCoM.
Trước khi bị cơ quan quản lý đình chỉ giao dịch, mỗi cổ phiếu GTT chỉ có giá 300 đồng và thường xuyên rơi vào tình trạng không có thanh khoản.
Về Công ty Thuận Thảo của nữ doanh nhân Võ Thị Thanh, đây từng là doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực vận tải phía Nam. Công ty này là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên sở hữu khách sạn 5 sao, siêu thị ở Phú Yên và cũng là doanh nghiệp đầu tiên sở hữu bến xe khách tư nhân của cả nước.
Nhờ những thành công trong hoạt động kinh doanh giai đoạn 2006-2011, bà Thanh liên tục nhận được giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cúp Bông hồng vàng. Thuận Thảo cũng được xem là thương hiệu lớn đầu tiên tại Phú Yên có tiếng tăm trong giới kinh doanh cả nước.
Tuy nhiên, tham vọng bước chân vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã khiến Thuận Thảo phải vay nợ lớn. Trong khi du lịch Phú Yên thời điểm đó chưa phát triển cùng với thị trường bất động sản đóng băng đã khiến doanh nghiệp của nữ đại gia thua lỗ và đối diện nguy cơ phá sản.
Điển hình trong số những dự án từng được công ty "ôm mộng" lãi trăm tỷ là khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất của tỉnh Phú Yên hiện nay. Công trình gồm 218 phòng ngủ hạng sang, kèm hồ bơi, phòng họp hiện đại... được đánh giá là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn và kéo tỷ suất lợi nhuận của công ty trong giai đoạn xây dựng xuống mức rất thấp.
Từ năm 2017, hoạt động kinh doanh của Thuận Thảo thường xuyên rơi vào thua lỗ. Theo báo cáo tài chính gần nhất được công bố, tính đến tháng 9/2020, lỗ lũy kế của Thuận Thảo đã vượt 1.500 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ là hơn 435 tỷ, dẫn tới khoản âm vốn chủ sở hữu hơn 1.075 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản nợ phải trả hơn 1.746 tỷ đồng đến cuối quý III/2020 (97% là nợ ngắn hạn) trong khi tài sản ngắn hạn của công ty chỉ còn vỏn vẹn 10 tỷ đồng.
"Vua cá tra" một thời cũng chịu chung số phận
Cũng nằm trong danh sách bị đình chỉ giao dịch là cổ phiếu Công ty CP Hùng Vương (HVG), doanh nghiệp từng được mệnh danh là "vua cá tra" của đại gia Dương Ngọc Minh.
Năm 2009, Hùng Vương đưa cổ phiếu niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu 50.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh là 11.490 đồng), vốn điều lệ khi đó xấp xỉ 600 tỷ đồng. Thời điểm đó, doanh thu của "vua cá tra" đạt gần 3.100 tỷ đồng, lợi nhuận lên tới hàng trăm tỷ/năm. Giá cổ phiếu HVG sau đó cũng tăng mạnh lên hơn 22.000 đồng vào tháng 10/2014.
Ở đỉnh cao hoạt động, Hùng Vương có tổng tài sản trên 10.000 tỷ đồng, công ty cũng liên tục thực hiện các thương vụ thâu tóm trong ngành thủy sản như mua lại Công ty Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), Thực phẩm Sao Ta (FMC), Thủy sản Tắc Vân (TFC)...
Tuy nhiên, đến năm 2015, khi giá cá tra xuất khẩu giảm mạnh, hoạt động kinh doanh của Hùng Vương bắt đầu suy yếu. Cộng với việc mở rộng bảng cân đối tài sản quá nhanh khiến nợ phải trả tăng nhanh tương ứng. Kết quả là chi phí lãi vay đã ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp.
Năm 2016, Hùng Vương ghi nhận doanh thu lên tới gần 18.000 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận ròng chỉ đạt chưa đầy 10 tỷ. Sang năm 2017, "vua cá tra" vẫn đạt trên 15.500 tỷ đồng doanh thu nhưng đã lỗ sau thuế hơn 705 tỷ đồng.
Những năm sau đó, doanh thu và lợi nhuận Hùng Vương liên tục lao dốc, đỉnh điểm là năm 2019 với khoản lỗ ròng 1.123 tỷ đồng.
KẾT QUẢ KINH DOANH LAO DỐC CỦA "VUA CÁ TRA" HÙNG VƯƠNG | ||||||
Số liệu: BCTC doanh nghiệp | ||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | |
Doanh thu thuần | tỷ đồng | 12337 | 17884 | 15515 | 8105 | 4106 |
Lợi nhuận sau thuế | 142 | 10 | -705 | 16 | -1.123 |
Công ty sau đó đã phải bán một loạt công ty con cũng như nhiều tài sản để trả nợ.
Hùng Vương cũng từng được Tập đoàn Thaco rót vốn đầu năm 2020 thông qua việc mua cổ phần trực tiếp và liên kết hợp tác qua công ty con Thadi. Theo thỏa thuận, Thaco và những cổ đông liên quan sẽ sở hữu 35% cổ phần Hùng Vương và tham gia hoạt động điều hành, quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến cuối 2020, Thaco bất ngờ thoái vốn và không còn là cổ đông lớn tại đây.
Tháng 8/2020, hơn 227 triệu cổ phiếu HVG chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE. Từ đó, HVG chuyển đăng ký giao dịch sang UPCoM. Tuy vậy, việc công bố thông tin vẫn chậm trễ dẫn đến việc bị duy trì diện đình chỉ giao dịch.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Hàng loạt đại gia bị ngân hàng siết nợ nhà đất, xe sang, du thuyền
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp liên quan đến các đại gia nổi tiếng liên tục bị ngân hàng siết nợ, giá khởi điểm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu từng đắt nhất sàn chứng khoán nay sắp bị hủy giao dịch
Từ ngày 29/12, 8.200 cổ phiếu XDC của Công ty CP Xây dựng Công trình Tân Cảng sẽ bị hủy đăng ký giao dịch do chưa đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng.
FLC chốt ngày họp cổ đông bất thường bàn về kết quả tái cơ cấu
Đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC dự kiến tổ chức ngày 2/1/2024 với nội dung chính là báo cáo về kết quả tái cơ cấu tập đoàn và kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024.