Có thể bạn đã nghe
Thuật ngữ “kẻ giết người hàng loạt” do đặc vụ FBI Robert K. Ressler đặt ra vào cuối thập niên 1970. Bản thân ông thường lặp lại tuyên bố này. Nó cũng được nhắc đến trong bộ phim truyền hình xuất sắc của Netflix là Mindhunter (tạm dịch: Kẻ săn suy nghĩ) và bộ phim tài liệu Conversations with a Killer: The Ted Bundy Tapes (tạm dịch: Cuộc trò chuyện với một tên sát nhân: Những cuốn băng Ted Bundy).
Vì vậy, điều này phải là sự thật, bởi đặc vụ FBI thì không thể nhầm lẫn và Netflix sẽ không nói dối chúng ta… đúng không nào?
Vạch trần
OK, tôi thừa nhận, đây là một câu chuyện hơi mang tính mô phạm, nhưng việc khảo cứu rất vui, đồng thời dẫn tôi đến một số câu chuyện thú vị về một chủ đề khủng khiếp. Thế nên, dù sao đi nữa thì tôi cũng sẽ kể hết cho bạn nghe về nó.
Kẻ giết người hàng loạt là kẻ sát nhân giết nhiều người (thường là nhiều hơn 3 người) trong một khoảng thời gian (không phải giết tất cả cùng một lúc), không có lý do rõ ràng, hoặc vì động cơ tâm lý và/hoặc tình dục tàn bạo.
Đặc vụ FBI Robert K. Ressler là một người rất thông minh và tài giỏi. Ông đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu chủ đề này, nhưng tôi dám chắc rằng, ông cũng là người cường điệu hóa hàng loạt, bởi đã nhiều lần Ressler tuyên bố bản thân là người đầu tiên sử dụng cụm từ này kể từ buổi bình minh của loài người.
Nhưng không phải như vậy. Bạn biết đấy, dù cho điều này nghe có vẻ tương đối mới mẻ, nhưng những kẻ giết người hàng loạt đã luôn quanh quẩn bên chúng ta. Càng quay ngược thời gian, chúng ta càng khó phân định việc liệu mình có đang đối mặt với một kẻ giết người hàng loạt thực sự hay là ai đó bị buộc tội oan là kẻ giết người.
Nhưng từ thời La Mã, đã có nhiều kẻ sát nhân mà chúng ta có thể chỉ mặt đặt tên, những kẻ dường như không dừng lại “chỉ” với một vài xác chết. Ví dụ, Locusta xứ Gaul có thể đã đầu độc tới 7 nạn nhân vào thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên.
Năm 1324, ở Ireland, Alice Kyteler bị buộc tội đầu độc 4 người chồng (và khi ả ta bỏ trốn, người hầu của Alice đã bị thiêu sống trên cọc thay ả!). Ở Hà Lan vào thế kỷ 18, người ta cho rằng một băng cướp gia đình đã giết tới 400 người; còn ở nước Anh thời Victoria, Amelia Dyer đã giết ít nhất 6 em bé - mặc dù một số ước tính đã đưa con số lên tới hàng trăm.
Có thể không nhiều người biết tên sát nhân trên, nhưng mọi người đều biết về Jack the Ripper (Jack đồ tể)… Dù sao đi nữa, hãy quay trở lại việc sử dụng thuật ngữ “kẻ giết người hàng loạt”.
Trong bài báo “Die Düsseldorfer Sexverbrechen” năm 1930, Gennat đã sử dụng thuật ngữ Serienmörder, dịch sát nghĩa là “sát nhân hàng loạt”. |
Tôi đã quyết định không phân biệt giữa “kẻ giết chóc hàng loạt” (serial killer) (1) và “sát nhân hàng loạt” (serial murderer) (2) - bởi xét cho cùng, thì chúng đều có chung một ý nghĩa. Nhưng ai là người đầu tiên đã đặt ra một trong hai thuật ngữ này? Mặc dù không phải là người đầu tiên sử dụng cụm từ này, nhưng tôi muốn nhắc đến Ernst August Ferdinand Gennat, một thám tử nổi tiếng người Đức ở Berlin vào thập niên 1920 và 1930.
Ông đã làm việc trong các vụ án liên quan đến những kẻ giết người hàng loạt khét tiếng như Peter Kürten và Fritz Haarmann, nhưng cũng đã cách mạng hóa việc điều tra của cảnh sát, phát triển thứ mà ngày nay chúng ta gọi là “lập hồ sơ” và thành lập đội điều tra án mạng đầu tiên.
Ông ấy giống như phiên bản đời thật của Sherlock Holmes. Trong bài báo “Die Düsseldorfer Sexverbrechen” năm 1930, Gennat trình bày chi tiết công việc liên quan đến Peter Kürten của mình, ông được trích dẫn là đã sử dụng thuật ngữ Serienmörder, dịch sát nghĩa là “sát nhân hàng loạt” và cũng hay được hiểu là “kẻ giết chóc hàng loạt”.
Bằng cách nào đó, Gennat đã đại chúng hóa điều này: Ông là một thám tử nổi tiếng, thường được nhắc đến trên báo và tạp chí. Hình tượng thanh tra Karl Lohmann của một trong những bộ phim hay nhất từng được thực hiện (M, 1931) chính là được dựa trên Gennat.
Do một số kẻ giết người hàng loạt nhận được nhiều sự chú ý của giới truyền thông ở Đức vào thập niên 1920 và 1930, nên đây là một chủ đề nóng. (Trên thực tế, Gennat xứng đáng có chương trình truyền hình của riêng mình. Tôi hy vọng các bạn đang lắng nghe, hỡi các giám đốc điều hành của Netflix.)
Theo một cách nào đó, việc các cơ quan thực thi pháp luật và công chúng dành sự tập trung vào những kẻ giết người hàng loạttại Đức những năm 1920 và 1930 rất giống với những gì đã xảy ra ở Mỹ vào thập niên 1970 và 1980, khi Ressler cùng với FBI bắt đầu xem xét lại hiện tượng này và cả nước bị chấn động.
Thành thật mà nói, sẽ hơi kỳ lạ nếu Ressler chưa bao giờ nghe nói đến Gennat hoặc đọc bất kỳ tác phẩm nào của ông. Chắc chắn ông ấy phải đọc rồi. Ngoài Gennat, thuật ngữ “kẻ giết chóc/sát nhân hàng loạt” cũng đã được những người khác sử dụng từ rất lâu trước thập niên 1970.
Thậm chí ngay cả Gennat cũng không phải là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này. Năm 1927, một nhà báo người Hà Lan vô danh đã viết bài phê bình về bộ phim The Coming of Amos (1925) trên tờ Algemeen Handelsblad. Phim kể về một chàng chăn cừu người Úc đem lòng yêu một công chúa người Nga, và những người ngưỡng mộ cô đều liên tục bị sát hại. Kẻ sát nhân được mô tả là serie-moordenaar (sát nhân hàng loạt) trong bài báo.
Tôi không biết nhà báo đó là ai, nhưng đó là lần sớm nhất thuật ngữ này được sử dụng mà tôi có thể tìm thấy. Tôi cũng không chắc, liệu rằng đây có phải là lần đầu tiên lối diễn đạt này được sử dụng hay không. Sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu trong sớm muộn, một trường hợp (thậm chí) có niên đại xa hơn sẽ xuất hiện.
---------------------------
1 “Killer” (kẻ giết chóc) là một từ có nghĩa rộng, có thể dùng để chỉ để chỉ bất kỳ sinh vật nào đã gây ra cái chết của một sinh vật khác, không phân biệt động cơ. Từ này thường được sử dụng trong các ngữ cảnh mang tính chung chung, không mang tính pháp lý. (BTV)
2. “Murderer”(sát nhân/sát thủ): người đã giết người khác một cách có chủ ý, thường là vì động cơ xấu. Từ này thường được sử dụng trong các ngữ cảnh mang tính pháp lý, để chỉ những người đã bị kết án vì tội giết người. (BTV)