Bạn vẫn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để không bị tăng cân và ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật. Ảnh: Hindustan Times. |
Nếu bạn đã định trước được lượng thức ăn trong ngày, bạn nên cố gắng chia nhỏ thành nhiều bữa ăn, như vậy sẽ giúp chỉ số đường huyết tăng không quá cao và insulin cũng không phải tiết ra nhiều, nên bạn cũng sẽ không bị tăng cân.
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ hơi cực đoan để các bạn cân nhắc về đường, nguyên nhân gây béo phì. Bạn hãy ăn một ngày sáu nắm cơm nắm. Khi đó, thay vì chia thành hai lần, mỗi lần ba nắm cơm và ăn vào lúc đói, nếu bạn cứ 2 giờ ăn một nắm và ăn trong 12 tiếng thì bạn sẽ không bị tăng cân.
Thời gian gần đây ngày càng có nhiều người giảm số bữa ăn trong ngày của bản thân. Nếu có người “giảm được cân nhờ việc giảm từ ba bữa một ngày xuống hai bữa” thì đó là kết quả của việc giảm tổng lượng thức ăn trong một ngày.
Việc giảm tổng lượng thức ăn trong một ngày đương nhiên sẽ dẫn tới giảm cân. Thế nhưng, nếu bạn đã làm được như vậy thì sao bạn không hành động thông minh hơn một chút. Cụ thể, nếu bạn đem tổng lượng thức ăn của hai bữa chia thành ba bữa hoặc hơn thế, bạn chắc chắn còn giảm được nhiều cân hơn.
Khi đó, bạn không chỉ giảm được cân mà chắc chắn hiệu suất làm việc trong ngày của bạn sẽ tăng lên nhờ duy trì ổn định được chỉ số đường huyết.
Ngoài ra, cũng có người nói rằng “bỏ bữa sáng giúp cơ thể khỏe mạnh hơn”, những người nói như vậy, vốn dĩ ăn rất nhiều vào ban đêm. Và trong tình trạng mà những thứ họ ăn ngày hôm qua vẫn chưa được tiêu hóa hết, nếu cứ ép bản thân phải ăn bữa sáng thì đương nhiên họ sẽ cảm thấy khó chịu.
Đa phần những người như vậy chắc chắn đang rơi vào một vòng tròn như dưới đây.
1. Bỏ bữa sáng nhưng đến bữa trưa mới thấy đói bụng.
2. Do đói bụng nên bữa trưa sẽ ăn đến no căng.
3. Vì ăn no căng nên cơ thể mãi không tiêu hóa được hết thức ăn, dẫn đến tình trạng ăn tối muộn.
4. Sáng hôm sau trong dạ dày vẫn còn thức ăn nên lại bỏ bữa sáng.
Nếu bạn ăn uống theo cách như vậy thì việc hiệu suất trong công việc suy giảm cũng là điều đương nhiên. Việc bỏ bữa sáng khiến bản thân cảm thấy “thân thể tốt hơn” là việc làm sai với mục đích ban đầu là giảm cân. Chỉ có điều, khi dạ dày được giảm gánh nặng tạm thời, thì thực tế là nó đang kêu gọi sự tăng giảm của chỉ số đường huyết.
Những người muốn nhanh chóng đạt được kết quả thường có xu hướng sử dụng những phương pháp cực đoan. Trong đó, có lẽ cũng có không ít người cho rằng “dạo này béo quá rồi, nhịn ăn thôi”. Đúng là ngay sau khi nhịn ăn, cân nặng của bạn sẽ giảm xuống. Thế nhưng, như vậy sẽ khiến chỉ số đường huyết biến động dữ dội và về lâu dài sẽ tạo thành một “cơ thể dễ béo phì” và không khỏe mạnh.
Những người Hồi giáo trong tháng ăn chay “Ramadan” đều chịu đựng cái đói mà hoàn toàn không ăn gì vào ban ngày, nhưng bù lại, khi Mặt trời lặn họ sẽ lại ăn thật nhiều.
Thêm vào đó, người Hồi giáo đều không uống rượu và rất thích đồ ngọt. Do thói quen ăn thật nhiều đường ngay lúc đói bụng lặp đi lặp lại liên tục, nhiều người Hồi giáo bị mắc bệnh béo phì và tiểu đường.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, điều quan trọng là phải hạn chế tối đa sự dao động của chỉ số đường huyết.
Đặc biệt, trình tự “đói bụng → ăn thật nhiều” chính là nguồn gốc dẫn đến “béo phì → lão hóa → bệnh tật”. Hãy cố gắng tăng số bữa ăn lên từng chút một.