Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến về tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) sáng nay (18/7), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm. Phó thủ tướng kỳ vọng với mức tăng trưởng kinh tế 7,08%, lạm phát kiểm soát dưới 4%, chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định..., năm nay cả nước sẽ tiếp tục hoàn thành, vượt các chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các địa phương thực hiện 12 điểm cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Điểm quan trọng đầu tiên là đẩy mạnh thu địa phương, đặc biệt tại 20 tỉnh còn thu dưới 50% dự toán. Trong khi đó, lại có một số địa phương thu rất tốt như Bắc Giang, 6 tháng đầu năm tỉnh này đã hoàn thành trên 90% kế hoạch thu, với dự kiến đạt hơn 8.000 tỷ đồng trên dự toán được giao 4.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở góp ý từ các địa phương, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính từ nay đến cuối năm phải xây dựng kế hoạch thu ngân sách cho năm 2019 hợp lý. Khắc phục tình trạng trung ương không thu được mà địa phương thì thu nhiều, hoặc có địa phương hụt thu nhưng có nơi tăng thu rất nhiều so với dự toán. Cần xây dựng dự toán phù hợp trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế.
Bộ Tài chính cùng các địa phương phải tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xói mòn cơ sở thuế, nhất là trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại hội nghị sáng nay. Ảnh: Bùi Dương. |
Khẳng định tầm quan trọng của việc xử lý nợ đọng thuế, Phó thủ tướng lấy ví dụ về Dự thảo Luật thuế tài sản. Phương án của Bộ Tài chính tính toán, với mức trần 700 triệu đồng, cả nước sẽ thu thêm khoảng 2.500 tỷ đồng/năm, nếu ngưỡng chịu thuế là 1 tỷ thì số thu chỉ còn 1.500 tỷ đồng/năm. Số tiền này chỉ bằng một phần nhỏ so với phần nợ đọng thuế đang tồn tại.
"Chi phí để quản lý thuế nhà, đất không phải nhỏ. Trên thế giới có những nơi phải bỏ 2 đồng chi phí quản lý thuế mới thu được 1 đồng thuế nhà, đất. Nên chống thất thu và nợ đọng thuế rất quan trọng", Phó thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên, Luật Thuế tài sản cần được nghiên cứu một cách cẩn trọng, vì đây là nguồn thu của địa phương. Nhiều thành phố lớn tại các nước phát triển xem đây là khoản thu rất lớn cho địa phương để cải thiện hạ tầng cho các hộ gia đình.
Bên cạnh việc đẩy mạnh thu, các bộ, ngành, địa phương phải siết chặt kỷ luật chi, chi đúng mục tiêu. Những khoản chi lễ tân, lễ hội, mua sắm ôtô công, đi công tác nước ngoài... cần siết chặt quản lý. Kết hợp xử lý nghiêm theo kết luận thanh tra, kiểm toán, sai phạm các tổ chức kinh doanh trong việc chi tiêu thường xuyên thanh toán. Cùng với đó, phải đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công để đẩy nhanh xây dựng các công trình cần thiết.
Công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát cũng được quán triệt. Theo Phó thủ tướng, giá xăng E5 sẽ còn dư địa để giảm thông qua sửa đổi Luật thuế môi trường. Thủ tướng cũng đã có yêu cầu, giao Bộ Tài chính sớm xây dựng, sửa đổi góp phần hạn chế ảnh hưởng tác động tới môi trường.
Với các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ Tết hoặc địa phương bị thiên tai, bão lũ, đặc biệt là thịt lợn hơi, được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ.
Phó thủ tướng lưu ý trong tháng 6 vừa qua, chỉ số CPI tăng 0,61%, thì riêng thịt heo tăng 0,34%. "Đầu ra khó khăn thì bà con thua thiệt, mà mất cân bằng ra vào lại khiến giá tăng nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số CPI", Phó thủ tướng nói.