Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đăng nhập tài khoản Facebook. Đó là khoảng đầu năm 2007 và tôi đã đọc nhiều bài báo về hiện tượng mới này. Tuy nhiên, tôi gia nhập phong trào sử dụng Facebook khá sớm và người duy nhất tôi có thể tìm thấy trên Facebook là một phụ nữ từng học cùng trường, khoảng ba khóa trên tôi.
Cô có lẽ không nhớ rõ tôi là ai, nhưng vẫn chấp nhận lời mời kết bạn. Cả hai chúng tôi đều không thể biết rằng chỉ trong một năm sau đó, Facebook đã phát triển vượt bậc và có thể kết nối chúng ta với hơn 2 tỷ người trên thế giới.
Ngày nay, Facebook chỉ là một trong các nền tảng mạng xã hội; Instagram và Twitter cũng đã gia nhập hệ thống các phương tiện truyền thông mạng xã hội và trở thành những công cụ giao tiếp quan trọng của thế kỷ 21.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2016 phát hiện ra rằng, những người có nhiều bạn trên mạng xã hội, trên thực tế lại chỉ có vài người ủng hộ. Giáo sư tâm lý học Robin Dunbar của Đại học Oxford (người đưa ra “con số thần kì Dunbar” cho rằng, phần lớn mọi người sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ xã hội với nhiều hơn 150 người) phát hiện rằng thu thập nhiều “bạn bè” trên Facebook sẽ không mang về nhiều hơn những người bạn tốt. Nó chỉ khiến người ta định nghĩa lại từ “bạn” để lí giải việc thêm ngày càng nhiều người tham gia vào mạng lưới quan hệ online.
Có một số lượng lớn bạn online không tạo ra khác biệt gì tới con số những người bạn thân thực sự của chúng ta. Không những vậy, một số bằng chứng chỉ ra rằng việc các nền tảng mạng xã hội được biến tấu thành một phương pháp để thúc đẩy các mối quan hệ cá nhân sẽ khiến con người cảm thấy cô đơn hơn.
Mạng xã hội khiến con người cảm thấy cô đơn hơn. Nguồn: unicef. |
Những nghiên cứu đưa ra các kết luận khác nhau về việc liệu Facebook có làm người ta cô đơn hơn. Theo một báo cáo năm 2011, những người cô đơn dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn, và họ dùng Facebook theo cách thụ động lướt qua các bài đăng thay vì tương tác với người dùng khác.
Theo một nghiên cứu năm 2010, khi người dùng tương tác với những bài đăng - ví dụ ấn “thích” một đường link, hoặc bình luận vào một trạng thái - họ cảm thấy có sự kết nối và ít cô đơn hơn. Trong khi đó, những người dùng chỉ lướt bài đăng, không tương tác sẽ cảm thấy mức độ kết nối thấp hơn với những người bạn online và cảm thấy cô đơn hơn.
Nếu chỉ phụ thuộc vào mạng xã hội để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm hay duy trì tình bạn là hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến chống lại nỗi cô đơn. Mạng xã hội sẽ có ích nếu chúng ta buộc phải rời xa bạn bè trong một khoảng thời gian dài. Nhưng nó là cách thay thế khá tệ cho việc thực sự ngồi xuống và dành thời gian với một người bạn cũ.
Trong khi đó, sự dễ dàng và bản chất ít cản trở của việc nhấn “thích” có thể dẫn đến cảm giác thân mật và tương tác cảm xúc giả. Tôi không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần mình nồng nhiệt chào một người lạ mặt ảo ngoài đời thực bởi chúng tôi thi thoảng xã giao “thích” bài của nhau.
Ít nhất điều đó chỉ dẫn tới cảm giác xấu hổ thoáng qua. Điều tệ hơn - thực sự tệ hơn - là những trường hợp tôi cho rằng một người bạn vẫn ổn (trong khi họ không hề ổn) đơn giản bởi trang mạng xã hội của họ đem lại ấn tượng về một cuộc sống hoàn hảo, hoàn toàn không có vấn đề.
Hãy tự hỏi, liệu bạn có mắc phải sai lầm của việc lười biếng “thích” những cập nhật trạng thái của một người bạn và tiếp tục lướt đi thay vì việc cố định một ngày để đi cà phê cùng nhau? Hay đơn giản là chỉ nhấc điện thoại lên và gọi cho họ?
Hãy cố gắng tạo ra thói quen liên lạc với những người trong nhóm thứ nhất và thứ hai một cách thường xuyên, hoặc thậm chí là gửi cho họ một tin nhắn riêng thay vì truyền tải tình cảm của mình bằng cách nhấn “thích” trên mạng xã hội.
Trên hết, tương tác một cách có ý nghĩa với người khác - tốt nhất là trên thực tế, mặt đối mặt - là điều chúng ta mong muốn trong cuộc sống. Cảm giác cô đơn gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe. Một điều tra kéo dài trong 10 năm với 12.000 đối tượng được tiến hành bởi Đại học bang Florida phát hiện rằng, cô đơn làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ lên tới 40%.
Một điểm đáng lưu ý về cuộc điều tra này là người ta không thể dự đoán được nỗi cô đơn: cảm giác cô đơn không phụ thuộc vào số lượng tương tác xã hội mà một người có. Như vậy, một người có thể được bao quanh bởi nhiều cá thể khác nhưng vẫn sẽ cảm thấy cô đơn.
Những mối quan hệ, cho dù là người quen, bạn bè, người yêu, bạn đời, đều có tiềm năng là cội nguồn của hạnh phúc… hoặc buồn đau. Nếu đủ may mắn để tìm thấy những người bạn thực sự, chúng ta có thể được biết thoáng qua về thế giới tâm hồn của một con người. Nhưng nếu để bản thân vướng vào những thứ độc hại, hoặc trượt dài trong vòng lặp của các mối quan hệ cũ, vô tác dụng, chúng ta sẽ khó có thể phát triển và trưởng thành.
Bởi vậy hãy dành thời gian để đánh giá các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn. Đâu là những người bạn thực sự? Đâu là những người nhìn thấy tiềm năng và cổ vũ bạn trên hành trình để trở thành một phiên bản tốt nhất của chính bạn? Hãy dành thời gian và công sức vào nơi bạn được tôn trọng và ủng hộ.