Tôi đang dùng một chiếc điện thoại Android. Những tưởng điều này sẽ cho tôi nhiều lựa chọn hơn khi mua một mẫu tai nghe không dây truewireless bởi thị trường có rất nhiều mẫu tai nghe dành cho Android.
Thế nhưng, suốt một thời gian dài tôi không thể chọn cho mình một mẫu tai nghe ưng ý. Yếu tố đầu tiên khiến các mẫu tai nghe khác bị tôi loại khỏi danh sách lựa chọn chính là kích thước.
Thiết kế tai nghe truewireless cho Android vẫn quá to
Mẫu tai nghe truewireless đầu tiên tôi trải nghiệm chính là Bose SoundSport Free. Về chất âm, model này sẽ tự động điều chỉnh âm thanh cho từng mức âm lượng sao cho tối ưu nhất.
Sản phẩm này mang lại chất âm đặc trưng của Bose, tươi sáng, trẻ trung. Các dải âm được thể hiện rõ ràng, không bị chồng chéo lên nhau.
Bose SoundSport Free với tôi quá to. |
Âm thanh tốt nhưng Bose SoundSport quá to, từ hộp sạc cho tới tai nghe. Cảm giác đeo Bose SoundSport Free chắc chắn nhưng đeo thời gian dài sẽ gây đau tai bởi trọng lượng nặng. Bên cạnh đó, các phím bấm trên tai nghe rườm rà và cứng. Đôi khi chỉ chuyển bài hát cũng khiến tai nghe rớt khỏi tai tôi.
Mẫu tai nghe tiếp theo mà tôi trải nghiệm là Galaxy Buds. Model đáp ứng tốt tiêu chí gọn nhẹ. Tuy vậy, tôi gặp khó khăn trong việc thao tác với sản phẩm.
Chỉ cần tay tôi hơi ướt do mồ hôi thì cảm ứng trên Galaxy Buds đã không còn nhận được cảm ứng. Các thao tác trên tai nghe cũng dừng lại ở mức chuyển bài hát, tăng giảm âm lượng.
Chất lượng âm thanh của Galaxy Buds lại quá thấp. |
Đồng thời, kết nối của mẫu tai nghe này cũng không thật sự ổn định. Việc mất kết nối âm thanh xảy ra thường xuyên. Trong một số trường hợp mỗi bên tai nghe còn chịu độ trễ khác nhau, khiến âm thanh phát ra không đồng đều, rất khó chịu.
Về ngoại hình thì sau 3 tháng sử dụng, hộp đựng Galaxy Buds đã trầy, bẩn đi rất nhiều do thiết kế vỏ nhựa nhám kém chất lượng.
Cả hai mẫu tai nghe trên đều không được trang bị công nghệ chống ồn chủ động. Vì vậy, lần thứ ba tôi quyết định chọn Sony WF 1000XM3.
Hộp sạc của Sony bằng nhựa, phủ cao su mềm nhanh cũ sau thời gian ngắn sử dụng. So với thế hệ đầu tiên, hộp sạc của WF 1000XM3 đã được thu gọn đáng kể. Tuy vậy, nếu so với AirPods, hộp sạc này vẫn quá to.
Cảm giác đeo của Sony WF 1000XM3 không được thoải mái. Để tương tác với tai nghe, người dùng sẽ chạm vào một khu vực cảm ứng để chỉnh play/pause, gọi trợ lý ảo, bật tắt chống ồn, xuyên âm, qua bài.
Tuy vậy mẫu tai nghe này lại không có chống nước. Công nghệ chống ồn và xuyên âm chỉ ở mức hoạt động tốt chứ không thật sự thông minh.
AirPods Pro đáp ứng các tiêu chí để trở thành tai nghe truewireless xịn
Cuối cùng, tôi quyết định dừng lại ở AirPods Pro. Mẫu tai nghe này đáp ứng được các yếu tố như gọn nhẹ, chất lượng âm thanh, thời lượng pin, sự thoải mái khi đeo, chống ồn chủ động và cả kháng nước.
Trải nghiệm sử dụng một thiết bị Apple với điện thoại Android không khó chịu như tôi nghĩ. Với người dùng iOS chỉ cần mở nắp hộp, AirPods sẽ được tự động nhận diện và kết nối, rất nhanh. Nhưng đó chỉ tiện với lần kết nối đầu tiên.
Chỉ có AirPods Pro đáp ứng được tất cả các tiêu chí của tôi về một mẫu tai nghe không dây. |
Khi dùng AirPods Pro với điện thoại Android, tôi không cảm thấy khó chịu với các bước kết nối. Đồng ý là bất tiện hơn Apple khi phải mở menu cài đặt, nhấn nút trên hộp AirPods Pro mới có thể kết nối được. Nhưng trên thị trường hiện nay, mẫu tai nghe nào khi kết nối với Android cũng phải qua các bước như vậy.
Những lần kết nối sau đó, AirPods phản hồi rất nhanh, kết nối ổn định với điện thoại Android. Vì vậy, tôi hoàn toàn cảm thấy ổn về phần kết nối.
Tuy vậy, điện thoại Android không tự hiển thị phần trăm pin còn lại trên tai nghe. Để giải quyết việc này, tôi buộc phải cài các ứng dụng bên thứ ba cho điện thoại Android như Poddroid, AirBattery…
Về khả năng tùy chỉnh, tôi có thể bóp tai nghe một lần để play/pause, hai lần để qua bài hát, ba lần để trở về và bóp giữ để chuyển qua lại xuyên âm và chống ồn chủ động. Mọi thứ hoạt động rất mượt mà.
Cá nhân tôi thích tương tác với tai nghe bằng cách bóp hơn là chạm. Vì khi bóp, tôi có thể chắc chắn tai nghe mình sẽ không rơi ra như khi chạm. Bù lại, tôi lãng phí con chip H1 trên AirPods bởi không thể dùng được trợ lý ảo qua tai nghe.
Khả năng chống ồn chủ động trên AirPods theo cá nhân tôi là hơi “mạnh tay”. Bản chất của việc chống ồn là tai nghe sẽ phát ra một luồng âm thanh triệt tiêu các tiếng ồn xung quanh.
Tôi vẫn cảm giác không gian vẫn yên tĩnh nhưng thực tế, tai tôi đang chịu một lực từ các âm thành dùng để triệt tiêu tiếng ồn. Chính vì vậy, khi đeo tai AirPods Pro và bật chống ồn chủ động thời gian dài, tôi thường bị ù tai.
Về tính năng xuyên âm, tôi cho rằng Apple đã làm rất tốt. Tai nghe sẽ thu lại âm thanh xung quanh và truyền vào tai tôi. Tuy vậy, không phải âm thanh nào cũng được truyền vào tai. Tiếng gió, những tiếng ồn lớn vẫn được điều chỉnh cho cân bằng. Đây là điểm yếu của các mẫu tai nghe có xuyên âm của Samsung hay Sony.
Khi môi trường quá ồn, tính năng chống ồn chủ động trên AirPods Pro sẽ được tự động kích hoạt dù đang ở chế độ xuyên âm. Như vậy người dùng sẽ vẫn được bảo vệ khỏi những âm thanh quá lớn, khó chịu.
Trong tầm giá khoảng 6 triệu đồng, có lẽ AirPods Pro là mẫu tai nghe đáng tiền nhất dành cho smartphone không chỉ của Apple mà còn là Android.
Tuy vậy, một số người bạn của tôi phàn nàn về việc họ không thể đeo các mẫu tai nghe thiết kế nhét tai bởi nó gây bí. Nếu gặp phải trường hợp như vậy, có lẽ Huawei Free Buds 3 sẽ là giải pháp bởi hiệu năng của nó không khác gì AirPods Pro nhưng có thiết kế dạng gài tai khá thoáng.