Có nên vay ngân hàng mua nhà?
Dù giá nhà giảm nhiều nhưng nếu số tiền phải trả hàng tháng lớn hơn 50% thu nhập và chưa đủ 70% giá trị căn nhà thì chưa nên vay.
Tại các website mua bán nhà đất hay những trang rao vặt trên các báo gần đây thường xuất hiện câu “Kẹt nợ ngân hàng (NH), cần bán nhà gấp giá rẻ” hay “vỡ nợ, cần bán nhà gấp”… Một căn nhà 2 mặt hẻm đường Phan Xích Long, phường 1, quận Phú Nhuận, TP.HCM được rao bán giá 1,9 tỷ đồng, diện tích gần 60 m2. Theo lời bà My - chủ nhà, so với mặt bằng khu vực thì mức giá này đã giảm vài triệu đồng/m2. “Tôi chấp nhận bán rẻ vì đang thiếu nợ NH khoảng 500 triệu đồng từ nhiều tháng nay mà không có tiền trả”, bà My nói.
Giá nhà ở TP.HCM hiện đã giảm nhiều nhưng nhiều người có nhu cầu mua nhà để ở vẫn băn khoăn khi quyết định mua. |
Tương tự, một căn nhà hẻm xe hơi ở quận Bình Thạnh, diện tích gần 100 m2 chủ nhà cũng đang rao bán 2,2 tỷ đồng vì “kẹt nợ NH”. Chưa đầy 1 tháng sau kể từ lúc rao, chủ nhà đã tự giảm giá xuống còn 1,9 tỷ đồng nhưng vẫn không bán được. Anh Ngọc, môi giới nhà đất khu vực quận Bình Thạnh, cho hay giới “cò” nhà đất hiện nay “chẳng làm ăn được gì vì gần như không có người mua nhà” dù giá đã giảm khá nhiều so với trước. “Đi xem thì nhiều lắm, nhưng họ chưa quyết định mua vì ai cũng chờ giá nhà giảm thêm. Một số khách xem nhà thấy “kết” lắm rồi, nhưng họ bảo không đủ tiền, mà đi vay NH thì chưa dám…”, anh Ngọc kể.
Khi nào nên vay NH ?
Vì sao người mua nhà ngại vay NH, trong khi dịch vụ này được rất nhiều nhà băng triển khai, mời gọi và thời gian cho vay mua nhà có NH lên đến 20 - 25 năm? Một kinh nghiệm xương máu của không ít người vay tiền NH mua nhà thời gian qua là NH đã tăng lãi suất (LS) vay lên đến 25%/năm sau thời gian đầu cố định LS, khiến người vay đổ nợ. Cách làm này đã gây một tâm lý hoảng sợ trong phần lớn người có nhu cầu vay, đến nay vẫn chưa giảm. Vì thế, dù một số NH đang triển khai nhiều gói khuyến mãi cho vay mua nhà, sửa chữa nhà như LS trong 3 hoặc 6 tháng đầu dưới 10%/năm, hoặc cố định LS trong vòng 1 - 2 năm ở mức 12 - 12,5%/năm để người vay yên tâm, nhưng vẫn rất ít người vay do sợ mức LS sẽ tăng cao vào những năm sau.
Theo các chuyên gia tài chính, người mua cần cân nhắc khoản lợi từ việc có thể mua được căn nhà mình ưng ý với giá rẻ hơn trước với khoản lãi phải trả cho NH để có quyết định đúng, đặc biệt với người mua nhà để ở. Chị Thanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Vào năm 2008, tôi mua căn nhà rẻ hơn so với giá thị trường khoảng 300 triệu đồng để ở. Lúc đó, tôi có vay NH 300 triệu đồng với LS “chóng mặt” 19,5%/năm. Cũng may, sau đó LS trên thị trường giảm nên tính ra khoản lãi phải trả NH vẫn thấp hơn khoản giá nhà rẻ, chưa kể tiền thuê nhà mình phải tốn nếu không mua nhà…”.
Một cán bộ tín dụng NH tư vấn: “Khách hàng cần đánh giá mức thu nhập, mức chi tiêu cho bản thân và gia đình mỗi tháng như thế nào, trả NH bao nhiêu. Thường thì số tiền lãi và vốn trả NH không nên quá 50% thu nhập để không bị ảnh hưởng đến gia đình nếu LS vay có tăng lên. Chỉ nên vay tiền mua nhà khi số tiền trong túi có được chiếm từ 70% giá trị căn nhà trở lên. Hiện nhiều NH đưa ra thời gian vay khá dài, nhưng khách hàng cần tính toán chọn thời gian vay hợp lý để không phải chịu khoản phạt khi trả trước hạn. Ngoài ra, cần lưu ý chọn cách tính lãi trên dư nợ giảm dần sẽ tốt hơn".
Theo Thanh Niên