Không cấm mua nhà, xe bằng tiền mặt
Theo ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch mua nhà, xe vẫn được thanh toán bằng tiền mặt, nhưng phải qua ngân hàng.
Theo dự thảo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng, người dân sẽ không dùng tiền mặt cho các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, ô tô đối với bất kể giá trị giao dịch nào. Các tổ chức không được dùng tiền mặt giao dịch bất động sản, chứng khoán, tàu bay, tàu thủy, ô tô với mọi giá trị giao dịch; kể cả khi tổ chức thanh toán cho tổ chức, cá nhân khác số tiền vượt hạn mức.
Ngay sau khi thông tin về dự thảo được đưa ra, dư luận có những phản ứng trái chiều. Nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có không ít ý kiến chỉ trích NHNN cấm đoán giao dịch tiền mặt của người dân là vi phạm quyền công dân, trái ngược nhiều văn bản khác. Ông Tiên nói: “Không ai nói cấm người dân dùng tiền mặt để mua bán bất động sản, xe, chứng khoán cả mà trong dự thảo nghị định chúng tôi chỉ nói là thanh toán qua ngân hàng (NH)”.
Phương thức thanh toán này gồm: chuyển khoản, séc hay ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu qua NH. Mục đích của quy định này nhằm tạo sự an toàn cho người dân khi có nhu cầu mua, bán tài sản có giá trị lớn như ô tô, nhà đất... Người dân sẽ không phải cầm số tiền lớn để thanh toán, hạn chế được rủi ro như bị cướp giật, tiền rách, giả, thiếu tiền. Ông Tiên dẫn chứng: “Ai có tiền mặt muốn mua ngôi nhà của tôi, cứ mang tiền đến NH chuyển vào tài khoản của tôi là xong, chứ có phải dự thảo NHNN cấm dùng tiền mặt đâu”.
Theo đại diện NHNN, dự thảo không cấm người dân dùng tiền mặt mua nhà, xe, mà chỉ yêu cầu khi mua bán sẽ thực hiện qua chuyển khoản NH. |
Theo Vụ Thanh toán, việc mở rộng quy định không giao dịch tiền mặt sẽ giúp người dân chứng minh được tính hợp pháp gắn với đảm bảo tài sản sở hữu, đặc biệt trong các trường hợp kiện tụng, tranh chấp tài sản, về lâu dài tạo tính an toàn và minh bạch trong giao dịch. Đây là nhu cầu thực tế, tạo thói quen giao dịch NH hiệu quả, an toàn. Bên cạnh đó, việc hạn chế sử dụng tiền mặt có giá trị lớn sẽ triệt tiêu được những mầm mống bất ổn về an ninh trật tự xã hội, thất thu thuế và tham nhũng.
Khuyến khích thay vì bắt buộc
Mặc dù mục tiêu của dự thảo là hết sức thiết thực, nhưng cũng có một số nội dung, định hướng tỏ ra chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Bà Nguyễn Thanh Hằng - Giám đốc trung tâm thẻ của Vietcombank - cho biết: "Hơn mười năm nay khi các NH cung cấp dịch vụ thẻ ATM, thẻ tín dụng, chuyển khoản, séc…, các giao dịch thanh toán của người dân đã thay đổi một cách nhanh chóng, tiện ích và an toàn hơn nhiều so với dùng tiền mặt. Tuy nhiên, dự thảo quy định cho phép các NH áp biểu phí dịch vụ liên quan đến giao dịch tiền mặt qua hệ thống NH, thay vì miễn phí hoặc thu ở mức thấp chỉ 0,05% như hiện nay. NHNN cần cân nhắc bởi một chính sách khi chuẩn bị ban hành cần phải có những cơ chế, chính sách khuyến khích để người dân tham gia, tránh gây sốc".
Một chuyên gia tài chính nhận xét, thanh toán qua NH sẽ mang lại nhiều thuận lợi, nhưng tiện ích đó mới chỉ đến với người dân ở các đô thị, thành phố, trong khi đại bộ phận dân chúng là nông dân, mà nông thôn thì các phòng giao dịch, chi nhánh NH còn thưa thớt. Nông dân sẽ gặp khó khăn. Xu hướng hiện nay của tất cả các nước trên thế giới đưa các giao dịch mua, bán qua NH để quản lý chặt chẽ về tài sản, minh bạch thu nhập của người dân. Tuy nhiên, đó là các quốc gia có cơ sở hạ tầng thanh toán tốt, hệ thống mạng lưới NH, đơn vị chấp nhận thanh toán phủ khắp mọi nơi. Trong khi hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ thanh toán của Việt Nam còn yếu kém, lạc hậu, đặc biệt tình trạng ATM luôn bị tắc nghẽn nên chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi thực thi sớm chính sách này.
“Những giao dịch về bất động sản, chứng khoán, xe hơi có thể thanh toán qua NH. Nhưng dự thảo quy định cả hạn mức trong giao dịch như mua xe hai bánh cũng phải qua NH thì e rằng người nông dân ở vùng xa xôi sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại. Do đó cần phải nghiên cứu kỹ về tính khả thi của nó”, chuyên gia này đề nghị. Bên cạnh đó, dù NHNN nói không cấm tiền mặt nhưng lại đề xuất quy định các giao dịch có giá trị cao phải thanh toán qua NH mới được coi là chi phí hợp lệ, được nộp thuế trước bạ, sang tên, cấp sổ đỏ. Quy định như vậy chẳng khác gì ép người dân phải thực hiện, không phải là khuyến khích. TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp, Đại học NH TP.HCM - đề xuất: “Trong khi chất lượng dịch vụ thanh toán qua NH như thẻ ATM còn kém thì thời gian đầu chỉ nên khuyến khích thanh toán qua NH chứ chưa nên bắt buộc”.
Giao dịch nào phải qua NH ?
Theo dự thảo nghị định về thanh toán bằng tiền mặt, tổ chức phải thanh toán qua NH các giao dịch sau: Mua, bán, chuyển nhượng bất động sản; Mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán (GDCK), trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK); Mua, bán, chuyển nhượng các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng gồm: máy bay; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; ô tô (kể cả ô tô điện), rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Thanh toán cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch khác vượt hạn mức thanh toán bằng tiền mặt.
Cá nhân không thanh toán tiền mặt trực tiếp đối với: Mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán trên Sở GDCK, TTGDCK; Mua, bán, chuyển nhượng các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng gồm: máy bay; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; ô tô (kể cả ô tô điện), rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Các giao dịch khác có giá trị vượt hạn mức thanh toán bằng tiền mặt gồm: Mua, bán, chuyển nhượng bất động sản; Mua, bán, chuyển nhượng xe mô tô hai bánh, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự phải đăng ký và gắn biển số; Giao dịch góp vốn bằng tiền; Mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán không qua Sở GDCK, TTGDCK.
Hạn chế rủi ro"Xu hướng nên thanh toán các giao dịch nhà đất qua NH là tất yếu. Điều này sẽ hạn chế các rủi ro cho cả người mua và người bán khi sử dụng một dịch vụ trung gian thứ 3. Đứng ở góc độ người sử dụng, dịch vụ thanh toán liên NH tăng lên sẽ giúp người dân được lợi. Thường thì trong giao dịch nhà đất, tiền đặt cọc khoảng 100 triệu đồng. Dù nghị định chưa đưa ra mức bao nhiêu nhưng có thể quy định số tiền thanh toán 10% bằng tiền mặt, 90% qua NH", ông Phạm Văn Hải (Tổng giám đốc công ty cổ phần địa ốc ACB). Thời gian chuyển khoản hiện nay quá lâu"Hằng ngày tôi phải theo dõi các chuyển khoản và nhận tiền của công ty. Với những đối tác mở tài khoản không cùng hệ thống thường mất từ 1 đến 2 ngày mới nhận được tiền, chưa kể nếu chuyển khoản vào cuối ngày thứ sáu thì phải đợi đến thứ hai. Sự chậm trễ trong giao dịch ảnh hưởng lớn đến các giao dịch, có khi khiến giao dịch thất bại. Đơn cử như trong giao dịch mua bán nhà đất, sau khi đặt cọc và đến ngày công chứng người mua muốn nhận tiền ngay. Nếu hai bên cùng mở tài khoản ở một NH thì sau khi chuyển khoản là nhận được tiền liền. Nhưng nếu khác NH phải mất có khi đến vài ngày mới nhận được tiền thì giải quyết như thế nào?", chị Bích (nhân viên kế toán một công ty tại quận 1, TP.HCM). Nên tương thích với luật khác"Tôi cũng ủng hộ thanh toán không dùng tiền mặt, như vậy sẽ bảo đảm an toàn, hợp thức hóa tài sản cho người dân. Tuy nhiên, cần phải xây dựng được cơ sở thanh toán thật tốt, thông suốt trước khi triển khai. Đối với mua bán bất động sản, cần xem xét lại quy định trong dự thảo vì đang “đá” nhau với luật Kinh doanh bất động sản. Điều 69 luật này ghi rõ việc thanh toán trong giao dịch bất động sản do các bên thỏa thuận lựa chọn theo các phương thức: Thanh toán thông qua tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam. Thanh toán trực tiếp cho bên bán, bên chuyển nhượng, bên cho thuê, bên cho thuê mua bất động sản. Việc thanh toán trong giao dịch do các bên thỏa thuận trong hợp đồng theo hình thức trả một lần, trả tiền ứng trước hoặc trả chậm, trả dần. Như vậy có vi phạm vào quyền của người dân được pháp luật công nhận không?", Ts Lê Đăng Doanh. |
Theo Thanh Niên