Zenfone 5 mang lại cảm giác khác với các phiên bản trước đó của Asus, nhưng giống với những model Android bắt chước iPhone X. Bù lại, lợi thế của máy nằm ở phần cứng.
N
ăm 2014, Asus giới thiệu đến thị trường Việt Nam 3 mẫu smartphone mang tên Zenfone 4,5,6. Phiên bản thành công nhất lúc bấy giờ là chiếc Zenfone 5, model này được vinh danh là smartphone tốt nhất năm 2014, nhờ vào cấu hình khá mạnh và mức giá chỉ 4 triệu đồng.
Tuy nhiên, những model tiếp theo như Zenfone 2,3,4… không mang đến kết quả kinh doanh khả quan. Năm nay, Asus tiếp tục giới thiệu chiếc Zenfone 5 (2018) với slogan #BackTo5 với hy vọng, model này sẽ mang đến hào quang như “đàn em” được ra mắt cách đây 4 năm.
Zenfone 5 được Asus giới thiệu vào tháng 2 tại sự kiện MWC 2018. Máy là một trong những smartphone Android có thiết kế ăn theo iPhone X đầu tiên. Tuy nhiên đến tận tháng 5, model này mới về Việt Nam.
Zenfone 5 có mức giá 7,9 triệu đồng, máy sở hữu thiết kế cứng cáp, màn hình cho khả năng hiển thị tốt và camera kép. Tuy nhiên, model này vẫn có những điểm trừ cần được cải thiện.
Cảm nhận ban đầu
Lần đầu tiên khi cầm chiếc Zenfone 5 trên tay, tôi có cảm giác đây là iPhone X phiên bản chạy Android, vì nó được làm rất giống từ màn hình khuyết đỉnh phía trước cho đến cụm camera kép được đặt dọc ở phía sau.
Nếu so với các phiên bản trước, Zenfone 5 có sự lột xác hoàn toàn về thiết kế. Nhưng hiện nay trên thị trường, ngày càng nhiều smartphone có màn hình khuyết đỉnh copy từ thiết kế của iPhone X và Zenfone 5 là một trong số đó. Thế nên, thiết kế của máy không mang cho tôi cảm giác đặc biệt vì nó cũng giống như Huawei Nova 3i hay Sharp Aquos S3…
Trong buổi ra mắt Zenfone 5, ông Marcel Campos, Giám đốc tiếp thị toàn cầu của Asus đã từng nói “một số người sẽ nói chúng tôi sao chép iPhone X nhưng điều đó cũng chẳng tránh được. Nhu cầu của người dùng là trên hết”. Điều này dễ hiểu vì Asus đang trong thời gian trượt dài với những sản phẩm không gây được chú ý từ người dùng. Vì thế, Asus đánh cược với Zenfone 5 khi có thiết kế giống iPhone X nhưng giá bán chỉ bằng 1/3.
Thiết kế giống iPhone X, nhưng Zenfone 5 vẫn có những điểm riêng, các vân tròn đồng tâm, được làm nổi bật ở phần mặt lưng, tạo nên các hiệu ứng phản chiếu khi thay đổi các góc độ khác nhau. Đây được xem là phần linh hồn của các sản phẩm đến từ Asus.
Có một điểm làm tôi thấy không hài lòng ở phần mặt lưng của máy, chính làm cảm biến vân tay đặt ở giữa tấm kính rất đẹp. Nếu như Asus bỏ cảm biến vân tay này thì sẽ làm cho mặt lưng liền lạc và đẹp mắt hơn.
Khả năng hiển thị tốt
Theo như Asus giới thiệu, Zenfone 5 được trang bị công nghệ AI cho màn hình, từ đó theo dõi ánh mắt người dùng và tự động điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp, giống tính năng True Tone trên iPhone X. Trong quá trình trải nghiệm, tôi không nhận thấy tính năng này phát huy tác dụng, tuy nhiên màn hình trên Zenfone 5 cho khả năng hiển thị trong nhà hay ngoài trời đều rất tốt. Các smartphone cao cấp hơn như Mi Mix 2 hay Honor 10 mà tôi từng trải nghiệm thì màn hình vẫn chưa ấn tượng bằng Zenfone 5.
Máy có kích thước màn hình 6,2 inch Full HD, hỗ trợ tiêu chuẩn màu điện ảnh kỹ thuật số DCI-P3, khi xem phim hay chơi game màn hình của Zenfone 5 cho độ sáng cao, màu sắc trong trẻo.
Phần màn hình khuyết đỉnh trên Zenfone 5 không cho phép tùy chỉnh ẩn đi như trên Huawei Nova 3i, LG G7… tôi xem đây là điểm trừ vì nó gây khó chịu khi xem phim trên YouTube. Ngoài ra, 3 phím điều hướng của máy không được tùy biến bằng các thao tác vuốt, như trên iPhone X, tính năng được nhiều đối thủ trang bị trên các sản phẩm của mình như Oppo F9, Xiaomi Redmi Note 5...
Camera có tiến bộ rõ
Không đánh giá cao về mặt camera trên các sản phẩm của Asus, tuy nhiên, khi chụp ảnh bằng Zenfone 5, tôi đã thấy sự nâng cấp khá lớn. Lần này, Asus đã làm lại giao diện camera của máy, đơn giản và dễ sử dụng hơn. Tôi có thể chuyển qua lại giữa chế độ chụp ảnh thường và góc rộng nhanh chóng bằng icon được đặt ở giữa giao diện máy ảnh. Còn lại các chế độ chụp ảnh xóa phông, HDR hay Pro điều được sắp xếp rất dễ nhìn.
Máy được trang bị AI camera, có thể nhận biết 16 ngữ cảnh khác nhau. Khi chụp ảnh, AI có thể nhận ra đó là hoa, lá, thức ăn hay động vật… nhưng sự thay đổi hoặc áp các bộ lọc màu hầu như không xuất hiện, vẫn giống như những bức ảnh bình thường tôi chụp.
Zenfone 5 vẫn kế thừa khả năng chụp góc rộng lên đến 120 độ. Đây được xem là đại diện duy nhất trong phân khúc tầm trung, có camera kép chụp được xóa phông và góc rộng. Trong khi, những đối thủ khác điều lựa chọn xu hướng camera kép chụp xóa phông.
Tôi chụp khá nhiều ảnh bằng chế độ góc rộng trên máy, nó phù hợp khi chụp phong cảnh, hình ảnh được thu vào nhiều hơn. Đổi lại, chất lượng ảnh khi chụp góc rộng không cao, có phần bị noise và các chi tiết bị cong, dễ nhận thấy nhất là các đường chân trời.
Khả năng xóa phông trên Zenfone 5, làm tôi ngạc nhiên, độ mờ được chuyển nhẹ nhàng từ vật thể đến phông nền phía sau, mang lại cảm giác tự nhiên và đẹp mắt. Tuy nhiên, với những chi tiết phức tạp như tóc, ảnh cho ra bị lẹm.
Phần cứng là thế mạnh
Với những sản phẩm trung cấp, các hãng thường chú trọng màn hình, camera… cắt giảm cấu hình để có giá tốt hơn, chẳng hạn Oppo F9 với chip MediaTek Helio P60 hay Samsung Galaxy J8 dùng chip Snapdragon 450…Do đó, Zenfone 5 có phần nhỉnh hơn khi được Asus trang bị chip Snapdragon 636, 8 nhân, tốc độ 1,8 GHz.
Khi dùng phần mềm Antutu để kiểm tra sức mạnh, thì Zenfone 5 đạt hơn 135.000 điểm, cao hơn 19.000 điểm so với Xiaomi Redmi Note 5 có cùng con chip. Có thể do Zenfone 5 được tối ưu tốt hơn nhờ trang bị bộ nhớ tốc độ cao… tuy nhiên, điểm GPU của máy khá thấp chỉ đạt 21.000 điểm.
Nếu bỏ qua các thông số cấu hình, khi trải nghiệm thực tế Zenfone 5, cho khả năng xử lý các tác vụ thông thường như lướt web, tin nhắn, camera...rất mượt, tốc độ không thua kém các máy cao cấp. Nhưng khi chơi game nặng như Asphat 8 thì máy có tình trạng bị lag nhẹ ở những tình huống va chạm giữa các xe và máy nóng lên khá nhanh.
Những điểm đáng khen trên Asus Zenfone 5
Dung lượng pin 3.300 mAh trên máy, có thể đáp ứng trọn một ngày với những nhu cầu sử dụng hỗn hợp như lướt web, nghe nhạc, xem phim và chơi game.
Zenfone 5 cho tốc độ mở khóa bằng khuôn mặt rất nhanh và chính xác. Khi sử dụng vào ban đêm, nó tự động tăng độ sáng màn hình lên để phản chiếu vào gương mặt của tôi để có thể mở khóa. Tuy nhiên, khi đeo khẩu trang hay mắt kính, máy sẽ không nhận diện, lúc này có thể sử dụng cảm biến vân tay để mở khóa.
Máy được tùy biến lại theo giao diện ZenUI, dựa trên nền tảng Android 8.0. Giao diện của máy được làm lại khá nhiều từ icon, hiệu ứng chuyển cảnh hay các ứng dụng đặc trưng của Asus. Giao diện này không quá nặng, vẫn mang lại cho tôi cảm giác nhẹ nhàng, các thao tác vuốt, chạm điều đáp ứng một cách mượt mà.
Vài điều cần cải thiện
ZeniMoji trên Zenfone 5 được làm khá giống với Animoji trên iPhone X. Với những biểu tượng hình các con vật dễ thương, cho phép tạo ra các Emoji động khi chụp ảnh hay quay video. Tuy nhiên, ZeniMoji hoạt động chưa ổn định và không mô tả được những biểu cảm của tôi, đôi khi còn bị đơ và phản hồi chậm.
Ứng dụng Selfie Master độc quyền của Asus có thể làm đẹp khuôn mặt 10 cấp độ. Khi chụp ảnh, quay video hoặc Livestream trên Facebook, YouTube…. tính năng này phù hợp cho các bạn streamer. Tuy nhiên, nó làm cho phần da người bị “ảo hóa”, nâng độ trắng và hồng quá cao, đồng thời ảnh bị mờ do máy làm đẹp “quá tay”.
Có nên mua Zenfone 5?
Zenfone 5 là sẽ là lựa chọn phù hợp dành cho những Zenfan, những người đã từng sử dụng những phiên bản trước như Zenfone 3,4 thì việc nâng cấp lên Zenfone 5 là rất xứng đáng. Model này đã được cải tiến về thiết kế, cấu hình và camera so với các phiên bản tiền nhiệm.
Cón nếu bạn chưa từng sử dụng những sản phẩm của Asus trước đây thì Zenfone 5 vẫn có thể đáp ứng tốt, giao diện ZenIU đơn giản và dễ sử dụng cùng với đó là dung lượng pin khá cao.
Tuy nhiên, trong tầm giá 7-8 triệu đồng, được xem là phân khúc sôi động với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ nhiều nhà sản xuất mới nổi như Honor Play, Xiaomi Mi A2 có cấu hình tốt, phục vụ cho game thủ, Oppo F9 tập trung vào camera selfie và sạc nhanh hay Samsung Galaxy J8 được trang bị màn hình lớn, đáp ứng nhu cầu giải trí thì Zenfone 5 đem đến sự cân bằng, không quá nổi trội ở điểm cụ thể nào.