Ngay khi Apple ra mắt iOS 12, tôi đã lập tức nâng cấp cho chiếc iPhone X 64 GB của mình với các bước khá đơn giản. Giao diện bên ngoài của hệ điều hành này không có quá nhiều thay đổi so với thế hệ trước. Thay đổi khiến tôi cảm nhận rõ nhất chính là hiệu năng của máy.
Các thao tác như vuốt, chạm, mở ứng dụng trên iOS 12 đều rất nhanh. Tuy nhiên phiên bản beta này đôi lúc vẫn gặp tình trạng giật, khởi động lại. Có thể đây là "căn bệnh" thường gặp trên những bản beta. Tôi hy vọng bản hoàn thiện dành cho người dùng, Apple sẽ làm nó mượt hơn.
Mở ứng dụng nhanh hơn
Sau khi nâng cấp iOS 12 thành công, thứ tôi muốn kiểm chứng ngay lập tức là việc iOS 12 có tăng 70% tốc độ mở camera như Tim Cook nói không.
Tôi thực hiện so sánh với chiếc iPhone X 64 GB chạy iOS 11.4. Đầu tiên tôi khóa máy và ấn 3D Touch mở camera. Quan sát bằng mắt thường tôi cũng dễ dàng nhận thấy iOS 12 có tốc độ mở máy ảnh nhanh hơn hẳn iOS 11.4.
Từ thử nghiệm này tôi có thể thấy, iOS 12 đúng như lời Tim Cook nói, mở camera nhanh hơn 70%. Những ứng dụng khác cũng cho thời gian khởi động nhanh hơn phiên bản cũ.
Measure - thước đo bỏ túi
Một tính năng thú vị được tích hợp trong iOS 12 mà tôi khá thích là Measure, ứng dụng đo đạc bằng công nghệ AR. Trước đây, tôi đã thấy một cái tương tự trên App Store với tên gọi Measure AR, nhưng nó đo khá tệ.
Với những góc khó, ánh sáng yếu, Measure trên iOS 12 beta đo không chính xác. Ví dụ cây thước 7 cm, Measure lại cho kết quả chỉ 6 cm. |
Ứng dụng Measure trên iOS 12 cho kết quả đo khá chính xác. Nhưng lưu ý, ứng dụng này hoạt động nhờ vào camera nên chỉ cho kết quả chính xác khi đo ở môi trường ánh sáng tốt, hậu cảnh đơn giản, góc máy dễ nhận diện.
Lời khuyên là người dùng nên đo đi đo lại vài lần cho đến khi thông số không thay đổi để có kết quả chính xác. Ngoài ra Measure còn có khả năng tự nhận diện các hình khối, từ đó đưa ra độ dài các cạnh và diện tích với đơn vị nhỏ nhất là cm.
Nhưng tôi tự hỏi, những thiết bị không có camera kép của Apple sẽ dùng ứng dụng này như thế nào?
Screentime - không thực tế
Apple giới thiệu tính năng Screen time với mong muốn giúp người dùng hạn chế thời gian cầm điện thoại. Nhưng có vẻ "táo khuyết" bất lực với một "con nghiện" lâu năm như tôi.
Tôi gặp vấn đề ngay mục đầu tiên với tên gọi Downtime. Tùy chọn này cho phép người dùng cài đặt khoảng thời gian các ứng dụng bị ẩn đi, tránh gây mất tập trung.
Tuy nhiên lịch sinh hoạt của tôi có nhiều khung giờ tập trung khác nhau. Ví dụ buổi sáng tôi cần tập trung vào công việc, tối đến tôi cần thời gian cho gia đình... nhưng Downtime của Apple chỉ cung cấp một tùy chọn khung giờ duy nhất.
Việc "cai nghiện" điện thoại bằng Screen time tỏ ra không mấy hiệu quả. Bởi người dùng sẽ cấp quyền cho nhiều ứng dụng mạng xã hội, nơi tiêu tốn nhiều thời gian nhất của họ. |
Tiếp đến là phần Ứng dụng ưu tiên, dám chắc nhiều người cũng như tôi, sẽ cấp quyền ưu tiên cho Facebook, Messenger và YouTube, ba ứng dụng tiêu tốn nhiều thời gian nhất của người dùng di động. Những ứng dụng được cấp quyền sẽ không bị ẩn đi trong thời gian Downtime.
Ngoài ra trong thời gian Downtime, nếu muốn khởi động một ứng dụng nào đó tôi phải chọn vào "nhắc tôi sau 15 phút" hoặc "bỏ giới hạn trong ngày hôm nay". Đương nhiên tôi sẽ chọn hủy bỏ giới hạn trong cả ngày, bởi tôi nghĩ "dù gì tí mình cũng sẽ dùng tiếp".
Ở mục Limit App, tùy chọn cho phép cài đặt tổng thời gian ứng dụng có thể dùng trong ngày. Các ứng dụng sẽ được chia theo nhiều nhóm như trò chơi, mạng xã hội, giải trí... Nhưng không hiểu sao tôi đã đặt mức giới hạn, các ứng dụng bên ngoài vẫn không thể sáng lên. Có thể tính năng này vẫn chưa thật sự hoạt động trên iOS 12.
Ngoài ra Apple cung cấp một bảng biểu theo dõi thời gian sử dụng điện thoại khá chi tiết. Những ngày đầu tôi thường vào xem để biết mình đã đốt thời gian vào ứng dụng nào. Vài ngày sau, tôi cảm thấy chính nó mới khiến tôi mất thời gian và nhanh chóng lãng quên tính năng này.
Theo tôi nghĩ, việc "cai nghiện" di động bằng Screen time của Apple hoàn toàn không khả thi. Tính năng này vẫn chưa thật sự hoàn thiện và đòi hỏi tùy chỉnh quá nhiều. Vì vậy người dùng cần có ý thức tự "cai" là chính hoặc Apple nên đầu tư nghiên cứu A.I để tự phân tích hành vi sử dụng.
Tiện thể nhắc đến A.I tôi nghĩ đến Siri. "Cô nàng" này cũng không có quá nhiều thay đổi. Siri Shortcut đơn thuần chỉ gán các thao tác nhất định vào khẩu lệnh. Vì vậy người dùng buộc phải tự tay cài đặt.
Điều này giống như thể tôi bảo với Siri: "Khi anh nói 'buồn' thì em mở nhạc nhé!". Trông có vẻ như Siri hiểu được tôi, nhưng sự thật, tôi đã nói với "cô ấy" từ trước.
Facetime, Memoji - chỉ một nhóm người dùng sử dụng
Tính năng Memoji trên iOS 12 tạo cho tôi một ấn tượng thân thuộc, có cảm xúc hơn các emoji trên nền tảng khác. Các biểu tượng được chính người dùng các nhân hóa rất thú vị như màu da, màu mắt, mũi, tóc, kính...
Memoji lần này có nhiều cải tiến giúp người dùng sử dụng nó nhiều hơn phiên bản ban đầu. |
Một số hạn chế của Animoji trước đây cũng được Apple khắc phục như có thể tải video Memoji về máy mà không cần gửi tin nhắn, bổ sung các chuyển động khác trên gương mặt như mũi, lưỡi... Đặc biệt nó hoạt động cả trên cuộc gọi video Facetime. Tuy nhiên Memoji chỉ có sự tương tác khi mọi người cùng dùng iPhone X.
Tương tự Memoji, video Facetime chỉ có thể gọi nhóm khi tất cả những người tham gia đều sử dụng iOS 12. Theo tôi, Apple đang khéo léo "dụ dỗ" người dùng nâng cấp lên hệ điều hành mới nhất của mình.
Những thứ nhỏ nhặt khác
Dành thời gian để "nghịch" máy suốt một tuần tôi phát hiện một vài thay đổi nhỏ không được Apple thông báo khi ra mắt, trong đó có tính năng hỗ trợ lưu mật khẩu cho trình duyệt bên thứ ba bằng FaceID. Với tôi đây là một tính năng khá tiện dụng và an toàn cho người dùng thường xuyên sử dụng nhiều tài khoản trên nền tảng web.
Trình đa nhiệm trên iPhone X cũng thay đổi thao tác xóa ứng dụng. Thay vì phải bấm giữ mới có thể vuốt xóa được, iOS 12 cho phép người dùng thực hiện trực tiếp, nhanh và tiện hơn.
Một số từ khóa đơn giản nhưng ứng dụng photo của iOS 12 "thua sát ván" Google photo. |
Ứng dụng Photos gần như tôi không dùng tới. Tôi thử tìm một số từ khóa đơn giản như "mắt kính" iOS 12 vẫn không thể cho ra kết quả. Bên cạnh đó các video được tạo trong thẻ For You cũng không khác gì các phần mềm tạo clip từ ảnh bên thứ ba. Tôi không thấy nó có gì hấp dẫn cả.
Trong bản nâng cấp này, tính năng nhỏ nhưng tôi rất thích chính là nhóm thông báo. Nó giúp màn hình khóa của tôi trông gọn gàng hơn, các thông báo cùng một ứng dụng được nhóm lại giúp việc theo dõi trở nên dễ dàng hơn.
Một điều khiến tôi khó hiểu là chế độ không làm phiền lại hiện dòng chữ "Cuộc gọi và thông báo sẽ bị tắt tiếng" dù vốn dĩ trước đây nó đã thế. Tôi thấy ô thông báo này là dư thừa.
Chưa ổn định, khá hao pin
Suốt một tuần trải nghiệm iOS 12 beta, đều đặn 2 lần/ngày máy tôi phải khởi động lại. Một số ứng dụng không thể hoạt động, bàn phím bị lỗi font chữ, App Store đôi khi không dùng được.
Về pin, iOS 12 qua trải nghiệm của tôi có thời lượng không tốt như bản 11.4, nhưng mát hơn khi dùng. Cùng một thói quen sử dụng, iOS 12 đến giữa trưa chỉ còn 30% trong khi phiên bản cũ còn hơn 40%. Nhưng tôi thấy đây chỉ là mức hao hụt nhẹ, có thể chấp nhận được.
Kết luận
iOS 12 Beta là hệ điều hành tối ưu tốt tốc độ của iPhone, tuy chỉ mới là bản thử nghiệm. Tuy nhiên phiên bản này tập trung nâng cấp các tính năng đa phần phục vụ cho iPhone X ví dụ như AR, Memoji, FaceID...
Vì vậy tôi cảm nhận hệ điều hành này là một "chiêu bài" để người dùng iPhone đời cũ nâng cấp lên iOS 12 để đổi lấy tốc độ nhanh hơn. Sau khi trải nghiệm một thời gian họ sẽ yêu dần các tính năng này và tự hỏi: "Tại sao không mua iPhone X để có thể sử dụng tất cả tính năng nhỉ?". Và thế là Apple bán được hàng.
Nếu người dùng đang sử dụng iPhone X và thích "vọc vạch" máy móc, iOS 12 beta là sự lựa chọn hoàn hảo để nâng cấp. Đổi lại người dùng phải chấp nhận những nhược điểm mà tôi đã đề cập ở trên. Với những ai dùng máy đời cũ, tôi khuyên họ nên đợi phiên bản chính thức để ổn định hơn khi dùng. Bởi những tính năng mới này chỉ thật sự tốt cho iPhone X.