Có nên cho nước ngoài mua nợ Việt Nam?
Đề án thành lập công ty mua bán nợ còn là ý tưởng nhưng đã xuất hiện nhiều tranh luận về việc có nên cho công ty nước ngoài mua bán nợ tại Việt Nam hay không.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, đến thời điểm này, đề án công ty xử lý, mua bán nợ xấu vẫn là ý tưởng. Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ sớm nhất. Song một số ý kiến cho rằng, trong đề án sẽ có thể cho doanh nghiệp nước ngoài được mua nợ xấu tại Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, hiện các cơ quan chức năng chưa có định hướng bán nợ xấu cho người nước ngoài vì đây là vấn đề lớn, dù họ rất có tiềm năng mua nợ. Trở ngại lớn nhất, theo ông Nghĩa, bên cạnh thủ tục hành chính phức tạp, là nước ngoài sẽ không được quyền sở hữu ngay cả khi bỏ tiền mua nợ.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, có thể bán nợ cho nước ngoài nếu như những đơn vị này xử lý nợ một cách đàng hoàng. |
“Cũng giống như việc nước ngoài mua một dự án nào đó, nhưng không có quyền sở hữu, nên quay ra thuê 50 năm. Có đơn vị chấp nhận không cần sở hữu, làm thủ tục chuyển từ sổ đỏ sang thuê”, ông Nghĩa nhận định. Theo chuyên gia này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang nhòm ngó, kỳ vọng vào thị trường mua bán nợ của Việt Nam, nhưng lại vướng nhiều thủ tục. Ông đề xuất, nên có quy định nào đó về vấn đề này trong nghị định thành lập công ty xử lý nợ.
Trước đó, khi trình bày đề án về thành lập công ty mua bán nợ xấu Ngân hàng Nhà nước đưa ra bàn thảo cuối tháng 5, các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên, nên để nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán nợ trong nước. Lý do được đưa ra là các công ty nước ngoài thường có tiềm lực mạnh hơn so với trong nước.
Nhắc lại vấn đề trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, không chỉ mua bán nợ, việc cho nước ngoài tăng sở hữu tại các nhà băng Việt Nam cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ông nói, nếu bây giờ cho các ngân hàng nước ngoài tăng sở hữu tại nhà băng trong nước, có thể thoát được tình cảnh khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài, đến khi kinh tế trở lại bình thường thì ngân hàng nằm trong tay nước ngoài hết. “Lúc đó, có tiền cũng không mua lại được. Bây giờ là tiền lẻ, nhưng sau phải mua bằng tiền chẵn”, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước thẳng thắn.
Nói về đề án công ty mua bán nợ xấu, ông Bình cho biết thêm, chưa từng công bố bất cứ thông tin gì chi tiết. “Cần hết sức bình tĩnh và cần hiểu chuyện mua bán nợ là rất bình thường. Cái anh không dùng, anh bỏ đi thì với tôi là quý, cái anh không quản lý được, càng làm càng dở, đưa cho tôi, sau một ngày làm tốt hơn”, ông Bình nhận định. Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương cũng nói thêm, đã họp hội đồng chính sách tiền tệ, thời gian tới sẽ trình Chính phủ cụ thể.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ông không nghĩ việc hạn chế tổ chức nước ngoài mua bán nợ là hợp lý. Vì ngoài để giải quyết nợ xấu, mua bán nợ còn cần kỹ năng, kinh nghiệm và vốn của tổ chức nước ngoài. Tuy vậy, theo chuyên gia này, vẫn cần có một sự tiết chế hay giới hạn nào đó để hoạt động nói trên nằm trong khuôn khổ pháp luật và phù hợp với môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Theo quan điểm của chuyên gia này, loại bỏ tổ chức nước ngoài là thiếu đi một thành phần quan trọng trong việc xử lý nợ, đặc biệt khi những đơn vị nước ngoài xử lý nợ đàng hoàng.
Trở ngại lớn nhất hiện nay khi các tổ chức nước ngoài mua nợ của Việt Nam, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, là quy định không được sở hữu. Ông nói, hạn chế lớn nhất là các tổ chức nước ngoài được đóng góp bao nhiêu vào đầu tư sở hữu cổ phần, cổ phiếu. Trong tiền lệ chưa có ngân hàng nước ngoài nào mua nợ tại Việt Nam, nên cũng chưa có quy định cụ thể số nợ các tổ chức nước ngoài được mua.
“Tôi cho rằng, nếu đề án công ty mua bán nợ quốc gia được duyệt, nên quy định cụ thể về các vấn đề này. Lý do là, khi tổ chức nước ngoài mua nợ tại Việt Nam, thì những con nợ đó trở thành con nợ của nước ngoài, sẽ chịu lệ thuộc vào quyết định, cơ chế của tổ chức đó. Luật pháp cần quy định vấn đề này bằng văn bản pháp lý”, chuyên gia này bày tỏ.
Mới đây, trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời", ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cũng cho biết, sẽ không lấy tiền ngân sách để xử lý nợ xấu. Ông Đam hé lộ, xử lý nợ không nhất thiết chỉ có công ty mua bán nợ, nếu có thành lập cũng không cần thiết số vốn bằng với số nợ xấu. Nghĩa là, nếu nợ xấu hiện là trên 200.000 tỷ đồng, vốn của công ty không nhất thiết phải là hơn 200.000 tỷ.
Số liệu nợ xấu, tính đến hết tháng 6, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại lên Ngân hàng Nhà nước là 4,49%, chỉ nhích nhẹ so với con số trước đó là 4,47%. Thực tế, mới hết tháng 3, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng do chính Ngân hàng Trung ương công bố ra là 8,6%. Quý II, báo cáo tài chính của nhiều nhà băng cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong đó có nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) tăng mạnh. Điển hình là trường hợp của Vietcombank, số nợ xấu đã tăng từ 2% lên 3,47%, Vietinbank từ 1,82% hết quý I lên 2,45%.
Lan Anh
Theo Infonet