Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có nên bỏ thể loại văn học

Theo Guardian, phân loại văn học có thể giúp việc bán sách trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, nhưng nó không thực sự phản ánh cách tác giả viết và độc giả đọc.

phan loai van hoc anh 1

Tranh minh họa: Elia Barbieri/The Guardian.

Trong cuốn sách phi hư cấu A Memoir of My Former Self (được xuất bản sau khi nhà văn qua đời), Hilary Mantel chia sẻ kỷ niệm về những ngày đầu sự nghiệp tiểu thuyết gia của mình vào những năm 1970.

Bà kể: "Vào thời điểm đó, tiểu thuyết lịch sử không được coi trọng. Người ta coi tiểu thuyết lịch sử là tiểu thuyết lãng mạn với bối cảnh lịch sử. Nếu bạn đọc một cuốn tiểu thuyết xuất sắc như I, Claudius, bạn không dán nhãn thể loại cho nó, bạn chỉ coi nó là 'văn học'. Vì vậy, tôi rất ngại gắn nhãn cho những gì mình đang làm. Nhưng tôi vẫn cứ phải làm thôi. Tôi muốn tìm đọc một cuốn tiểu thuyết về cuộc Cách mạng Pháp, nhưng không tìm được cuốn nào mình thích, nên tôi tự viết một cuốn".

Mantel đã viết A place of greater safety, một tác phẩm về các nhà cách mạng Danton, Robespierre và Desmoulins. Dù được hoàn thành từ năm 1979, mãi đến 1992 cuốn sách mới được xuất bản. Mantel cho biết cuốn sách đã bị rất nhiều nhà xuất bản từ chối, cho rằng cuộc Cách mạng Pháp không hấp dẫn độc giả đại chúng.

Mantel đã quyết định viết một cuốn tiểu thuyết đương đại - Every day is Mother's day - chỉ để có thể được xuất bản. Mãi sau khi bà góp mặt trong một bài viết trên tờ Guardian về những tiểu thuyết đầu tay chưa từng được xuất bản của các nhà văn, A place of greater safety mới được chú ý và trao cơ hội tiếp cận với độc giả.

Những hiểu lầm về sự phân loại

Cây viết Alex Clark từ Guardian cho rằng thể loại là một sự giam cầm điên rồ; rằng thể loại không phản ánh cách tác giả viết hay cách độc giả đọc; nó không tương ứng với cách các nhà xuất bản, các nhà bán lẻ mong muốn ở tác giả và độc giả.

Ông cho rằng cái nhãn thể loại tệ nhất không phải là "trinh thám", "kinh dị", "lãng mạn" hay "khoa học giả tưởng"... mà là "tiểu thuyết văn học". Ông cho cái cụm "văn học" ở đây chỉ là một cách viết tóm gọn khó hiểu, được đặt ra để tạo một lớp vỏ thông thái và tham vọng, lên mặt với độc giả thích đọc tiểu thuyết bình dân và tiểu thuyết thương mại.

Cuốn sách đoạt giải Booker năm ngoái, The Seven Moons of Maali Almeida của Shehan Karunatilaka, là một câu chuyện ma vì nhân vật trung tâm đã chết, hay là một câu chuyện ly kỳ vì anh ta phải tìm ra kẻ đã sát hại mình? Một cuốn tiểu thuyết lịch sử vì nó lấy bối cảnh trong cuộc nội chiến ở Sri Lanka, hay tiểu thuyết giả tưởng vì nó có những cảnh về thế giới bên kia?

Và những tác phẩm đoạt giải trước đó như Lincoln in the Bardo (Lincoln ở cõi trung ấm) của George Saunders hay A brief history of seven killings của Marlon James ở đâu trong danh sách thể loại?

Theo Alex Clark, bản thân việc tìm cách mô tả các câu chuyện không phải là vấn đề, hay rộng hơn, thể loại cũng không phải là vấn đề. Sự hiểu biết về truyền thống văn học đã hình thành qua nhiều thế kỷ và xuyên suốt các nền văn hóa không phải là điều cần thiết để thưởng thức sách, nhưng nó giúp ích cho việc đánh giá toàn cảnh cách các văn bản tương tác với nhau thông qua các phong cách và môtíp lặp đi lặp lại.

Nhưng thói quen phân loại đã trở nên kém hiệu quả. Nó củng cố các hệ thống phân cấp dựa trên ý tưởng về cái gì là “nghiêm túc” và cái gì không. Một phần lý do cũng đến từ cách hiểu mang tính giải phóng về hai chữ "văn học", rằng những cuốn sách được cho là "văn học" là những cuốn sách phóng khoáng, thể nghiệm, sâu lắng, có sự chơi đùa với ngôn từ và ý tưởng hơn.

Sự thật là công chúng vẫn thích thưởng thức văn học thuộc các thể loại "bình dân". Alex Clark chia sẻ rằng trong giai đoạn giãn cách vì đại dịch, ông tìm thấy nguồn an ủi lớn trong các tác phẩm tâm lý-ly kỳ, với những môtíp đặc trưng: thường có một nhân vật nữ chính với cuộc sống cá nhân tưởng như đáng ghen tị bị hủy hoại bởi những mối bất mãn khó giải quyết (một người chồng xa cách và nhiều vấn đề, một cuộc cải tạo nhà tồi tệ, các hóa đơn chồng chất, những đứa con hư...) và một nhân vật bí ẩn (thường là một người hàng xóm mới đầy mê hoặc, một thi thể bỗng nhiên xuất hiện...).

Clark viết: "Tôi bị mê hoặc bởi cách những cuốn tiểu thuyết này diễn đạt một loạt nỗi lo của giới tư sản đương thời - giá trị tài sản, chế độ một vợ một chồng lâu dài, địa điểm học tập, sự nghiệp bị đình trệ - và sau đó tưởng tượng chúng có thể được xoa dịu như thế nào khi có sự xuất hiện của một kẻ gây rối, chỉ để khám phá ra rằng thực tế không hẳn là tệ đến thế...".

Ông cho rằng việc thưởng thức nhức tác phẩm này và coi đó là một "thú vui tội lỗi" là một cảm giác thật nghiệt ngã. Chỉ vì người ta có thể đọc tiểu thuyết thể loại bình dân này nhanh hơn nghiền ngẫm tác phẩm của Jon Fosse hay James Baldwin không có nghĩa rằng những tác phẩm tâm lý-ly kỳ thành công không có ngòi bút tài ba xử lý những nút thắt nội dung và tạo bầu không khí gay cấn.

Clark chia sẻ: "Chúng chỉ đơn giản là một khía cạnh khác trong thói quen đọc sách của tôi, nói lên một động lực khác, mang lại một phần thưởng khác. Tôi có thể ăn một quả trứng luộc vào bữa trưa và đắm mình vào công thức phức tạp với những nguyên liệu xa lạ vào bữa tối; kết thúc một bộ phim hài lãng mạn vui vẻ và sau đó chuyển sang một bộ phim tài liệu chi tiết và tỉ mỉ. Những điều này không được coi là mâu thuẫn mà là những lựa chọn hoàn toàn hợp lý dành cho những người trong chúng ta đủ may mắn để có được chúng".

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Người cầm bút 'phải sống' đã rồi mới viết

Hầu hết tác giả trẻ vẫn phải vật lộn với mưu sinh. Văn chương chưa được xem như một nghề để dồn mọi tâm huyết sống chết cùng trang viết.

Góc khuất của người phụ nữ đa tài

Không chỉ là một nhà báo, một nhà văn ghi nhiều dấu ấn, Như Bình còn rất cá tính trong thơ và gây bất ngờ với hội họa. Người phụ nữ đa tài đó cũng lắm nỗi giăng mắc đa đoan.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm