Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Có một sát thủ vô hình ở Hàn Quốc

Số người chết trong cô đơn tại Hàn Quốc, đặc biệt là ở nhóm đàn ông trung niên, đang gia tăng do nhiều yếu tố. Điều này gây ra vấn đề lớn cho chính phủ nước này.

cai chet co don anh 1

Theo CNN, Hàn Quốc đang gặp phải vấn đề đau đầu: Hàng nghìn người, đa phần ở độ tuổi trung niên, đang qua đời trong cô độc và thường không được phát hiện trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.

Đó được gọi là “godoksa” hay “những cái chết cô đơn”, hiện tượng phổ biến mà chính phủ nước này đã cố gắng giải quyết trong nhiều năm, khi dân số già đi nhanh chóng.

Theo luật pháp Hàn Quốc, “cái chết cô đơn” là khi một người sống một mình, xa cách gia đình hoặc người thân, chết do tự tử hoặc bệnh tật. Thi thể của họ chỉ được tìm thấy sau “một khoảng thời gian nhất định”.

Nguy cơ đặc biệt cao đối với đàn ông trung niên

Vấn đề này đã thu hút sự chú ý của Hàn Quốc trong thập kỷ qua, khi số người chết trong cô độc ngày càng tăng.

Các yếu tố đằng sau xu hướng này bao gồm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, khoảng cách về phúc lợi xã hội, nghèo đói và sự cô lập xã hội. Tất cả điều đó đều trở nên sâu sắc hơn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Vào tháng 9, một người đàn ông ngoài 60 tuổi được phát hiện chết tại nhà riêng - căn hộ dành cho người có thu nhập thấp ở quận Songpa của Seoul.

Theo những người hàng xóm, người đàn ông sống ở đó một mình mà không có liên hệ với gia đình. Cảnh sát kết luận đây là trường hợp "godoksa", theo Korea Times.

Năm ngoái, nước này ghi nhận 3.378 ca tử vong như vậy, tăng từ 2.412 ca vào năm 2017, theo báo cáo được Bộ Y tế và Phúc lợi công bố hôm 14/12, Yonhap đưa tin.

Đó là báo cáo đầu tiên kể từ khi chính phủ Hàn Quốc ban hành đạo luật quản lý và ngăn chặn cái chết cô đơn vào năm 2021.

Báo cáo cho biết số người chết trong cô đơn đang gia tăng đều đặn do nhiều yếu tố, chẳng hạn các vấn đề kinh tế, sự cô lập khỏi xã hội,...

Mặc dù những cái chết cô đơn tác động đến mọi người thuộc nhiều nhóm nhân khẩu học khác nhau, báo cáo cho thấy đàn ông trung niên và cao tuổi có nguy cơ đặc biệt cao.

Số nam giới chết trong cô đơn gấp 5,3 lần so với nữ giới vào năm 2021. Những người ở độ tuổi 50-60 chiếm tới 60% số ca tử vong trong cô đơn vào năm ngoái. Con số đó ở độ tuổi 20 và 30 chiếm 6-8%.

cai chet co don anh 2

Một người Hàn Quốc lặng lẽ tưởng niệm trước linh cữu không ai thừa nhận. Ảnh: New York Times.

“Để chuẩn bị cho xã hội siêu già, cần phải tích cực đối phó với những cái chết cô đơn”, cơ quan nghiên cứu lập pháp của Hàn Quốc cho biết trong thông cáo đầu năm nay. Họ thêm rằng ưu tiên của chính phủ là “nhanh chóng xác định các trường hợp bị cô lập trong xã hội”.

Hàn Quốc là một trong số quốc gia châu Á đang phải đối mặt với sự suy giảm nhân khẩu học, với việc người dân sinh ít và muộn hơn.

Tỷ lệ sinh của đất nước này đã giảm dần kể từ năm 2015. Giới chuyên gia đã quy vấn đề này cho nhiều yếu tố như văn hóa làm việc với nhiều đòi hỏi khắt khe, chi phí sinh hoạt tăng và tiền lương trì trệ.

Đồng thời, lực lượng lao động đang bị thu hẹp, làm dấy lên lo ngại sẽ không có đủ nhân lực để chăm sóc số người cao tuổi đang gia tăng.

Một số hậu quả của điều này đang trở nên rõ ràng, với hàng triệu cư dân già đang phải vật lộn để tự mình sinh tồn.

Tính đến năm 2016, hơn 43% người Hàn Quốc trên 65 tuổi sống dưới mức nghèo khổ, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Con số này cao gấp ba lần mức trung bình của các nước OECD khác.

Nỗ lực của chính phủ

Song In Joo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phúc lợi Seoul, cho rằng cuộc sống của những người trung niên và cao tuổi Hàn Quốc “tồi tệ đi nhanh chóng” nếu họ bị loại khỏi thị trường lao động và thị trường nhà ở. Trong báo cáo về những cái chết cô đơn năm 2021, ông cho rằng đây là “nguyên nhân chính dẫn đến tử vong”.

“Khó khăn của những người có nguy cơ chết trong cô đơn trước khi qua đời là các vấn đề về sức khỏe, khó khăn về kinh tế, sự mất kết nối và bị khước từ, cũng như những khó khăn trong việc xoay sở sống qua ngày”, Song viết.

Các yếu tố khác bao gồm hỗ trợ của chính phủ bị trì hoãn và “thiếu dịch vụ chăm sóc tại nhà” đối với những người mắc bệnh nghiêm trọng hoặc mạn tính.

Những phát hiện của nghiên cứu năm 2021 đã được lặp lại trong báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi. Trong đó, nhiều người có nguy cơ chết trong cô đơn nhận thấy sự hài lòng trong cuộc sống của họ “suy giảm nhanh chóng do mất việc làm và ly hôn” - đặc biệt nếu họ “không quen thuộc với việc chăm sóc sức khỏe và gia đình”.

cai chet co don anh 3

Một người đàn ông Hàn Quốc trung niên xem các tin tuyển dụng tại hội chợ việc làm ở Seoul hồi năm 2019. Ảnh: Yonhap.

Nhiều người trong nghiên cứu năm 2021 sống trong những không gian chật chội, tồi tàn, chẳng hạn các căn hộ chia nhỏ hoặc nhà bán hầm. Tại các thành phố lớn như Seoul, thị trường nhà ở nổi tiếng đắt đỏ nên các dạng căn hộ này là một trong những lựa chọn hợp lý nhất hiện có.

Bên cạnh điều kiện sống tồi tệ, họ còn có nguy cơ bị cô lập hơn. Nghiên cứu năm 2021 cho biết những ngôi nhà như vậy “đã bị chỉ trích là khu ổ chuột và cũng bị kỳ thị”.

Mối quan tâm ngày càng tăng của công chúng về những cái chết cô đơn đã thúc đẩy nhiều sáng kiến ​​cấp khu vực và quốc gia trong những năm qua.

Năm 2018, chính quyền Seoul đã công bố chương trình “quan sát khu phố”, trong đó các thành viên cộng đồng đến thăm các hộ gia đình độc thân ở những khu vực dễ bị tổn thương như căn hộ bán hầm và nhà ở chia nhỏ, theo hãng tin Yonhap.

Theo kế hoạch này, bệnh viện, chủ nhà và nhân viên cửa hàng tiện lợi đóng vai trò “người giám sát”, thông báo cho nhân viên cộng đồng khi không nhìn thấy bệnh nhân hoặc khách hàng trong một thời gian dài,...

Một số thành phố, bao gồm Seoul, Ulsan và Jeonju, đã triển khai ứng dụng di động dành cho những người sống một mình. Ứng dụng này sẽ tự động gửi tin nhắn đến số liên lạc khẩn cấp nếu điện thoại không hoạt động trong một khoảng thời gian.

Các tổ chức khác như nhà thờ và tổ chức phi lợi nhuận cũng đã đẩy mạnh các dịch vụ tiếp cận cộng đồng và sự kiện cộng đồng, cũng như tổ chức tang lễ cho người đã khuất mà không ai đến nhận thi thể hoặc đến viếng.

Đạo luật quản lý và ngăn chặn cái chết cô độc được thông qua vào năm ngoái là biện pháp mới nhất và sâu rộng nhất, yêu cầu chính quyền địa phương thiết lập các chính sách để xác định và hỗ trợ cư dân đứng trước rủi ro.

Ngoài việc thiết lập báo cáo tình hình 5 năm, đạo luật này còn yêu cầu chính quyền lập kế hoạch phòng ngừa toàn diện.

Cuốn sách giải mã "hiện tượng" Hàn Quốc

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Giải mã Hàn Quốc sành điệu (The Birth of Korean Cool). Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện và quan sát của Euny Hong, hiện đã là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, về cách một quốc gia vươn lên dẫn đầu toàn cầu về kinh tế, công nghệ, giáo dục và pop culture (văn hóa đại chúng).

Thánh địa mua sắm Hàn Quốc vắng gian hàng đêm Noel vì sợ thảm họa

Các gian hàng ở Myeongdong, điểm du lịch nổi tiếng của Seoul, sẽ đóng cửa vào đêm Giáng sinh vì lo ngại một thảm họa đám đông khác, hiệp hội các gian hàng cho biết hôm 18/12.

Biệt kích SEAL của Mỹ và Hàn Quốc tập trận

Lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ và Hàn Quốc gần đây đã hoàn tất cuộc tập trận song phương kéo dài hai tuần nhằm tăng cường khả năng phối hợp.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm