Mọi chuyện bắt đầu từ khi Khoa - chàng sinh viên năm cuối ngành Nhân học lên đường đến thung lũng Cô Mặc Sầu xa xôi để thực hiện chuyến điền dã để hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Từ một thung lũng vô danh nơi thâm sơn cùng cốc, Cô Mặc Sầu đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng nhờ vẻ đẹp hoang dại đầy cuốn hút của hoa dạ thảo phong.
Đó cũng chính là lý do khiến cho vùng núi hẻo lánh này mất đi sự yên bình vốn có của nó. Đồng hành cùng Khoa trong chuyến đi ấy là những vị khách du lịch từ khắp nơi đổ về như: Triều, Hà Duy, Min. Họ đều mang trong mình những câu chuyện rất riêng.
Cuốn sách Cô Mặc Sầu. |
Với một chàng công tử ăn chơi trác táng như Triều, du lịch chỉ là cái cớ để cậu thực hiện những phi vụ buôn bán ma túy. Không nhận được sự quan tâm đúng mức của cha mẹ, chàng thanh niên ấy đã trượt dài trong những cám dỗ vật chất, buông xuôi tuổi trẻ của chính mình. Giờ đây, thứ duy nhất mà Triều quan tâm chỉ là những ảo giác phù phiếm và đầy nguy hiểm mà ma túy mang lại.
Chàng người mẫu trẻ Hà Duy lại mang trong mình một câu chuyện rất xót xa. Sinh ra ở một vùng quê nghèo bởi một bà mẹ đơn thân đã lớn tuổi. Từ khi còn bé cái nghèo, cái khổ và sự coi thường của người đời như “bóng ma vô hình” ám ảnh cậu. Bởi vậy khi bước chân vào nghề người mẫu, Hà Duy đã không cưỡng lại được những cám dỗ của danh vọng. Vì nó, cậu sẵn sàng cặp với một nữ đại gia đáng tuổi mẹ mình.
Còn Min cô Việt kiều Úc trẻ trung năng động lại cảm thấy lạc lõng khi phải sống giữa những con người không cùng máu mủ, hay chủng tộc với mình. Dẫu có được yêu thương và sống trong đủ đầy, Min vẫn luôn băn khoăn về nguồn gốc của mình. Chính điều đó đã thôi thúc cô tìm đến thung lũng này.
Dù cho xuất thân, hoàn cảnh sống và tính cách của Khoa, Triều và Min rất khác nhau nhưng họ đều sống trong sự cô đơn luôn thường trực, xâm chiếm tâm hồn. Nó khiến những con người đầy nhiệt huyết ấy mất niềm tin vào cuộc sống. Họ sống những ngày không lý tưởng và buông trôi bản thân, mặc kệ tuổi trẻ của chính mình.
Cuốn tiểu thuyết khép lại với những cái kết rất khác nhau cho mỗi nhân vật. Nếu người dũng cảm tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống thì kẻ yếu đuối lại kết thúc tất cả trong tuyệt vọng. Dù kết cục có thế nào thì ẩn sâu trong những số phận ấy, là tiếng nói nhân văn, là lời bênh vực mà tác giả muốn dành cho những người trẻ.
Điều thú vị là nhà văn Nguyễn Đình Tú lại sử dụng thể loại tiểu thuyết trinh thám để viết nên “câu chuyện số phận” trong Cô Mặc Sầu. Lồng ghép trong câu chuyện về những vị khách du lịch trẻ tuổi là những vụ án giết người liên tiếp xảy ra ở thung lũng xinh đẹp này. Những bí mật được nhà văn “ngụy trang” một cách khéo léo cho tới trang cuối cùng sẽ khiến độc giả không khỏi bất ngờ. Đan xen những câu chuyện đời thường của các nhân vật là quá trình phá án đầy cam do của các chiến sĩ cảnh sát hình sự.
Là một nhà văn đa dạng và nhiều biến hóa trong cách thể hiện, Nguyễn Đình Tú đã kết hợp khéo léo hai tuyến tự sự song hành trong một cuốn tiểu thuyết. Tuyến thứ nhất là văn phong mang đầy tính nghệ thuật của tiểu thuyết. Tuyến tự sự thứ hai là các văn bản Thỉnh thị án của cơ quan công an. Hai thể loại này tuy có nhiều khác biệt nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Tú chúng đã hòa quyện một cách rất mượt mà. Cô Mặc Sầu đã đạt Giải B Cuộc thi Viết tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (2012-2015) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.