Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có khả năng tiêm kích Su-22 vỡ trước khi rơi xuống biển

Sau ba ngày, đội tìm kiếm vẫn chưa có thông tin về hai phi công điều khiển tiêm kích Su-22 gặp nạn. Nhiều mảnh vỡ của máy bay dưới biển đã được trục vớt và đưa lên bờ.

Tối 18/4, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, công tác tìm kiếm cứu hộ hai máy bay tiêm kích Su-22 cùng hai phi công là trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú đang phải tạm ngưng do trời tối.

Tàu Cảnh sát biển 2009 tham gia tìm kiếm cứu hộ hai máy bay Su-22 gặp nạn.
Tàu Cảnh sát biển 2009 tham gia tìm kiếm cứu hộ hai phi công điều khiển máy bay Su-22 gặp nạn. Ảnh: Ngọc An

Trong ngày 18/4, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện, vớt 2 thùng dầu phụ, khung kính buồng lái, một số mảnh kim loại nghi là bộ phận của tiêm kích Su-22 và đưa vào bờ.

Trao đổi với Zing.vn, thiếu tướng Tuấn nhận định: “Từ những gì vớt được, nhiều khả năng máy bay đã bị vỡ trước khi lao xuống biển. Hiện vẫn chưa có thông tin gì về hai phi công trong vụ việc này. Lực lượng tìm kiếm cứu hộ sẽ cố gắng hết sức mình”.

Ông Nguyễn Trường Thanh, Đội phó nghiệp vụ Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý (Bình Thuận) cho biết, công tác tìm kiếm máy bay và phi công gặp nạn hôm nay có kết quả không như mong đợi.

Một mảnh vỡ của máy bay Su-22 được vớt lên. Ảnh: VOV.
Một mảnh vỡ của máy bay Su-22 được vớt lên. Ảnh: VOV.

“Hiện tại, lực lượng tìm kiếm mới chỉ phát hiện các vết dầu loang và một số mảnh vỡ, nghi của máy bay Su-22. Một số mảnh khác được người nhái tìm thấy ở độ sâu 40m nhưng chưa thể trục vớt”, ông Thanh cho biết

Cũng theo ông Thanh, thân máy bay chưa được tìm thấy nên tung tích 2 phi công vẫn không thể xác định.

Trong ngày 18/4, lực lượng tìm kiếm bao gồm 6 tàu thuộc cảnh sát biển, kiểm ngư, hải quân, biên phòng cùng 20 người nhái thuộc Lữ đoàn Đặc công 5 đã rà soát vùng biển tại đảo Hòn Đá Tí (Phú Quý) thuộc tọa độ 10'36''11 vĩ độ Bắc, 108'50''52 kinh độ Đông.

Tàu Biên phòng 11-1901 chở những mảnh vỡ trục vớt được cập cảng Phú Qúy, tỉnh Bình Thuận.
Tàu Biên phòng 11-1901 chở những mảnh vỡ trục vớt được cập cảng Phú Qúy, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngọc An

Ngày mai, 19/4, cuộc tìm kiếm sẽ tiếp tục, lực lượng đặc công được điều động thêm cùng tàu có hệ thống dò tìm kim loại.

Trước đó, khoảng 11h30, biên đội Su-22 (thuộc Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370) cất cánh tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang, Ninh Thuận) để tập luyện. Trong tập luyện, máy bay gặp sự cố, cách đảo Phú Qúy 8 hải lý về phía tây bắc. 

Hai phi công bị mất tích là Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú. 

Trung tá Lê Văn Nghĩa đạt trình độ phi công cấp 1 với hơn 1.000 giờ bay. Không chỉ là sĩ quan chỉ huy, anh còn là thầy dạy của nhiều thế hệ phi công trẻ Su 22M4 của trung đoàn. 

Đại úy Nguyễn Anh Tú sinh năm 1981, là một phi công có năng lực của trung đoàn. Anh hiện là phi công cấp 3 với khoảng 600 giờ bay. Anh vừa được bổ nhiệm cương vị Phi đội phó (tiểu đoàn phó) Phi đội 1 cách đây 2 tháng. 

Vớt được khung kính buồng lái của Su-22 gặp nạn

Lực lượng đặc công và thợ lặn đã phát hiện và trục vớt thành công khung kính buồng lái của một trong 2 chiếc Su-22. Lúc 16h30, lữ đoàn đặc công 5 tạm ngưng tìm kiếm.

Trường Nguyên - Ngọc An

Bạn có thể quan tâm