Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chúng tôi chỉ biết cầu mong cho chú ấy bình an'

Căn nhà ba gian của gia đình trung tá Nghĩa chỉ còn những người phụ nữ ngồi ngóng tin. Mẹ ngóng tin con, chị ngóng tin em và em ngóng tin anh, xóm làng ngóng tin anh.

Niềm tự hào của cả dòng họ

Trung tá Lê Văn Nghĩa, phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, quê ở thôn Xuân Đài, xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Trong căn nhà ba gian của gia đình trung tá Nghĩa chỉ còn những người phụ nữ ngồi ngóng tin, mẹ ngóng tin con, chị ngóng tin em và em ngóng tin anh, xóm làng ngóng tin người cùng quê.

“Trưa nay, nơi chú ấy công tác có cử người về đón gia đình vào trong Cam Ranh, bố tôi và các em đều đi hết, chỉ còn mấy chị em dâu ở lại chăm mẹ, cầu mong cho chú ấy bình an” - chị Đoàn Thị Phái, chị dâu trưởng của trung tá Nghĩa, nói.

Chị Đoàn Thị Phái (chị dâu của trung tá Nghĩa) và bà Hoàn Thị An (mẹ trung tá Nghĩa) từng giờ ngóng tin người thân.
Chị Đoàn Thị Phái (chị dâu của trung tá Nghĩa) và bà Hoàn Thị An (mẹ trung tá Nghĩa) từng giờ ngóng tin người thân.

Giữa căn nhà toàn phụ nữ, ánh mắt bà Hoàn Thị An, mẹ trung tá Nghĩa, hướng chăm chăm tới bức hình chụp những chiếc máy bay giữa bầu trời xanh. “Lúc nhỏ nó cứ mơ ước được làm chủ bầu trời. Niềm vui đến, nó sướng đến nghẹn ngào khi được tuyển chọn làm phi công. Nó là niềm tự hào của dòng họ” - bà An nghẹn giọng.

Là chị dâu cả của gia đình, chị Đoàn Thị Phái vẫn nhớ như in những kỷ niệm về người em mà chị gọi là “ưu tú” nhất trong gia đình.

“Có hỏi cả làng thì ai cũng chỉ một câu nói chú ấy là người con ngoan và giỏi từ nhỏ. Năm chú ấy học lớp 11 của Trường THPT Ứng Hòa B, khi có đoàn về khám tuyển phi công, chú ấy là người duy nhất đạt tất cả các tiêu chuẩn. Cả nhà tự hào lắm” - chị Phái kể.

Trong câu chuyện kể về trung tá Nghĩa, chị Phái không ngớt lời khen. “Mới có 42 tuổi mà đã là trung tá, phó trung đoàn trưởng, mỗi lần chú ấy về là nhà vui, xóm vui...” - chị Phái bỏ lửng câu nói.

Chị Lê Thị Thu Hiếu, em dâu trung tá Nghĩa, cho biết cả nhà đông anh em, trong nhà chỉ có bác Nghĩa và chú út là đỗ đạt. “Mỗi lần về quê bác ấy nhất mực chỉ nói có đói cũng phải cho con học, thiếu thốn bác phụ cho” - chị Hiếu tâm sự.

Là người cùng thôn, chị Lê Thị Thúy lặng lẽ qua phụ giúp công việc của gia đình trung tá Nghĩa. Chị Thúy kể ngày trước chị là người thường bế Nghĩa mỗi lúc rảnh. “Trưởng thành đi học xa, công tác xa, nhưng mỗi lần ghé về quê, dù bận cỡ mấy chú ấy cũng tới chào rồi mới đi” - chị Thúy nói.

Nghe chị Thúy nói, chị Phái lại nức nở: “Năm ngoái chú ấy về thăm nhà được hai lần. Lần đầu vào dịp 30/4, chú ấy về chốc lát rồi lại đi ngay. Lần hai chú ấy bận lắm nhưng cũng gắng về... Còn giờ thì chúng tôi chỉ biết cầu mong cho chú ấy, hy vọng chú ấy bình an”.

Người lái Su-22 mất tích là trung đoàn phó không quân

Hai phi công lái Su-22 gặp sự cố được xác định là đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) và trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1) - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937.

 


http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150418/sang-nay-truc-vot-may-bay-dau-tien/735464.html

Theo Viễn Sự-Nguyễn Nam-Tiến Thành-Xuân Long/Tuổi trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm