Tỷ số 2-1 là kết quả làm nhẹ lòng rất nhiều người, từ người hâm mộ cho tới ban huấn luyện U22 Việt Nam. 3 điểm trước Indonesia khiến chúng ta không phải rơi vào tâm thế quá căng thẳng ở 2 trận khó còn lại của vòng bảng.
Từ 3 điểm ấy, chúng ta cũng nhìn ra được rất nhiều điểm được lẫn chưa được của U22 Việt Nam để kịp thời khắc phục trước thềm những trận đấu mới.
Hàng phòng ngự U22 Việt Nam chơi ổn định trong trận đấu gặp Indonesia. Ảnh: Thuận Thắng. |
Điểm sáng hàng phòng ngự
Đầu tiên, điểm được của U22 Việt Nam chính là hàng thủ. Phải thừa nhận hàng thủ đã chơi rất chắc chắn và chính sự chắc chắn ấy đã không cho Indonesia có được cơ hội tạo ra các tình huống uy hiếp khung thành Bùi Tiến Dũng. Có thể nói, trừ bàn mở tỷ số ra, U22 Indonesia không tạo ra pha tấn công sắc nét nào. Khi hàng thủ chơi chắc chắn như thế, tuyến trên rất yên tâm thi đấu.
Sự chắc chắn của hàng thủ còn được bổ sung bởi Đỗ Hùng Dũng chơi quá già dặn so với phần còn lại. Có thể nói, chính Hùng Dũng mới là cầu thủ sáng nhất trên sân.
Hơn thế nữa, phương án Hoàng Đức chơi cặp tiền vệ trung tâm với Hùng Dũng cũng rất khả thi. Cách di chuyển, chọn vị trí, chọn thời điểm tham gia can thiệp, hỗ trợ và cách cầm bóng của Hoàng Đức cho thấy anh sẽ còn tiến xa, khi mà trung tâm hàng tiền vệ đội tuyển Việt Nam vẫn còn là bài toán mà ông Park Hang-seo cần tính toán nhiều.
Khi hàng thủ và hàng tiền vệ chơi ổn định như vậy, tuyến trên lẽ ra phải yên tâm phát huy sức mạnh, nhất là khi chúng ta cầm bóng chủ động hơn U22 Indonesia.
Hàng công thiếu sự tinh quái
Tuy nhiên, trên thực tế, tuyến trên đã chơi không tốt. Thiếu sức sống, thiếu sức sáng tạo và thiếu cả độ quái cần thiết, U22 Việt Nam thực tế không tạo ra được cơ hội uy hiếp khung thành đối thủ dù cầm bóng nhiều hơn hẳn.
Tình huống hiếm hoi thứ nhất mà U22 Việt Nam cho thấy nét tấn công sáng tạo là pha dứt điểm của Hùng Dũng sau khi bị thủng lưới. Pha phối hợp giữa Trọng Hoàng - Quang Hải - Hùng Dũng đã khiến hàng thủ Indonesia bị bất ngờ.
Tiếc rằng cú dứt điểm của Hùng Dũng thiếu chút chính xác cuối cùng. Nếu không, đây sẽ là bàn thắng đẹp nhất của U22 Việt Nam từ đầu giải khi hội tụ cả yếu tố tốc độ, phối hợp đồng đội và kỹ thuật cá nhân.
Bàn thắng của Hoàng Đức mang về 3 điểm cho U22 Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tình huống sáng tạo hiếm hoi thứ hai của U22 Việt Nam là pha đá phạt góc bất ngờ của Quang Hải cho Đức Chinh dứt điểm cuối hiệp hai. Đổi cách đá phạt góc đã bị bắt bài từ đầu hiệp một của mình (tạt bổng vào góc xa), Quang Hải đưa bóng sệt vào và điều đó nằm ngoài phán đoán của hàng thủ đối phương.
Ngoài ra, cũng có thể kể đến cú đá phạt góc “đổi bài” của Hùng Dũng cho Hoàng Đức dứt điểm từ xa hay cú sút xa của Trọng Hoàng ở hiệp một. Tuy nhiên, tất cả tình huống tạo ra cơ hội bằng cách làm bất ngờ đối thủ nhờ vào tính sáng tạo ấy đều không che giấu nổi một thực tế: U22 Việt Nam không thể làm chủ được “không gian cơ hội”.
Nỗi lo Bùi Tiến Dũng
Trong bóng đá hiện đại, khu vực hành lang trong (nằm giữa hành lang biên và trung lộ) và cách mặt thành đối thủ khoảng 20-25 m được gọi là không gian cơ hội.
Ở không gian đó, cầu thủ cầm bóng có thể chuyển hướng tấn công, chọc khe, sút xa, phối hợp 1-2 với đồng đội để thâm nhập hoặc cầm bóng đột phá. Làm chủ không gian cơ hội đó, đội bóng có khả năng tạo ra nhiều cơ hội để kiếm tìm bàn thắng hơn. Trước Indonesia, U22 Việt Nam không làm chủ không gian cơ hội quý giá đó.
Khi không làm chủ không gian cơ hội và gặp phải đối thủ thận trọng, đá thấp và chắc, chúng ta thực sự có lúc bế tắc. Thậm chí, không ít người lên mạng xã hội bi quan rằng U22 Việt Nam sẽ nhận thất bại.
May mắn thay, trong thế trận không tạo ra cơ hội, đoàn quân của HLV Park Hang-seo lại tận dụng tốt tình huống khi cơ hội phát sinh từ các sai sót của đối phương.
Trước khi nói về tình huống U22 Việt Nam tận dụng được, phải điểm lại tình huống mắc sai lầm hiến tặng bàn thắng cho U22 Indonesia. Sự lập bập của Bùi Tiến Dũng làm lộ diện mối lo về việc anh không được bắt chính nhiều ở V.League.
Tiến Dũng mang đến mối quan ngại về việc ít được thi đấu ở V.League. Ảnh: Minh Chiến. |
Thực tế, Tiến Dũng đã lập bập kể từ trận lượt đi chung kết liên khu vực Đông Á của AFC Cup trên sân Hàng Đẫy. Bàn thua dẫn đến trận hòa 2-2 hôm ấy có lỗi một phần từ phản xạ của anh. Bàn thua trước U22 Indonesia cũng đến từ việc Tiến Dũng lóng ngóng trước cú tạt tưởng chừng không có gì nguy hiểm.
Quay lại với tình huống U22 Việt Nam đã tận dụng được. Cú đánh đầu của Thành Chung là hoàn hảo nhưng đó cũng là giây phút hiếm hoi hàng thủ Indonesia sơ hở trước một pha phạt góc.
Kế đến là cú dứt điểm của Hoàng Đức nâng tỷ số lên 2-1. Tiền vệ của CLB Viettel xuất sắc nhưng phải thừa nhận, đó cũng là tình huống đầu tiên kể từ đầu trận hàng tiền vệ của Indonesia để hổng một quả bóng hai. Nếu U22 Indonesia vẫn tỉnh táo, chiếm lĩnh tốt vị trí bọc lót bóng hai như từ đầu trận, Hoàng Đức chưa chắc có bóng để thể hiện bản lĩnh và kỹ thuật tuyệt vời.
Khi U22 Indonesia có biểu hiện nóng vội, pha giành bóng của Tiến Linh để đối mặt cũng là tình huống đáng chú ý. Tuy nhiên, nếu tình huống đó Tiến Linh tỉnh táo hơn, quái hơn nữa mới có thể ăn bàn.
Bóng đá hiện đại cho thấy đội nào tận dụng tình huống tốt hơn, đội đó có khả năng chiến thắng, cho dù về tình thế trên sân, đội bóng chiến thắng ấy lép vế. U22 Việt Nam còn quá nhiều thứ cần rút kinh nghiệm sau trận đấu này. Các học trò của thầy Park phải biết tự tạo ra cơ hội trước, bởi không phải đối thủ nào cũng bộc lộ sơ hở để có tình huống ăn bàn phát sinh.
Bên cạnh đó, tạo ra cơ hội là nhiệm vụ hàng đầu nhưng tận dụng tốt tình huống cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém. Nếu được tặng một cơ hội nào đó nhưng bỏ lỡ, rất có thể đội bóng sẽ dẫn tới bỏ lỡ cả một cơ hội đăng quang.