Ẩm thực trực tuyến đã và đang thay đổi thói quen tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp có thu nhập khá. Thế nhưng cũng không ít doanh nghiệp ra đi từ việc đầu tư vào vùng đất mới này. Thời gian ẩm thực trực tuyến du nhập vào Việt Nam tuy chưa dài nhưng đây là mảnh đất hội đủ những thăng trầm, thách thức và cơ hội.
Đứa con sau của thương mại điện tử
Ẩm thực trực tuyến ra đời ở Việt Nam từ những năm 2011 tạo nên nhánh mới của giao dịch thương mại điện tử, sản phẩm là thức ăn, thực phẩm. Ẩm thực trực tuyến cho phép khách hàng gọi món mọi nơi mọi lúc, tận hưởng những món ăn mà mình lựa chọn một cách nhanh chóng, tiện lợi. Mô hình này thúc đẩy dịch vụ ẩm thực phát triển nhanh chóng, đồng thời mở ra diện mạo mới trong văn hóa ẩm thực Việt Nam và bức tranh thương mại điện tử nói chung.
Ẩm thực trực tuyến hình thành không nằm ngoài nhu cầu thị trường, khi phía nhà hàng có nhu cầu mở rộng kênh phân phối, tiếp cận khách hàng đến địa bàn rộng lớn hơn và gia tăng quảng bá thương hiệu. Phía khách hàng có nhu cầu trải nghiệm những nền ẩm thực đa dạng, mới lạ và tiện lợi hơn.
Ông Salvador Martinez, Giám đốc điều hành công ty đặt thức ăn trực tuyến foodpanda Việt Nam chia sẻ: “Trên sân chơi trực tuyến, khách hàng sở hữu một công cụ tương tác trực tiếp với nhà hàng. Họ có thể đưa ra nhận xét, đánh giá về chất lượng dịch vụ và món ăn trên cùng một nền tảng trực tuyến mà nhà hàng đang kinh doanh. Bên cạnh đó, các thông tin về món ăn, giá cả và chất lượng dịch vụ của nhà hàng cũng được phổ biến rộng rãi tới cộng đồng.
Điều này tạo cơ hội cho các nhà hàng nâng cao chất lượng dịch vụ và món ăn của mình để ghi điểm trong mắt người tiêu dùng. Mặc khác, nhờ sở hữu một lượng lớn cơ sở dữ liệu, các trang gọi món trực tuyến có thể hoàn thành tốt vai trò định hướng thị trường ẩm thực thông qua nguồn cơ sở dữ liệu hữu ích về thói quen và thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Điều này sẽ giúp thúc đẩy và hoàn thiện quan hệ cung - cầu trên thị trường ẩm thực”.
Trước những lợi ích này, lựa chọn hợp tác kinh doanh ẩm thực trực tuyến đã trở thành hướng đi tất yếu của nhiều thương hiệu ẩm thực lớn. Ông hoàng thức ăn nhanh Burger King trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt 2014-2017 đã ra sức chuẩn bị tổng lực cho cuộc tấn công mở rộng thị trường bằng những kế sách đón đầu gã khổng lồ McDonald’s tại Việt Nam.
Ông Salvador Martinez - Giám đốc điều hành công ty đặt thức ăn trực tuyến foodpanda Việt Nam. |
Trong đó có việc kết nối với kênh đặt hàng thức ăn trực tuyến vào tháng 12/2014 trên thị trường TP HCM và trên thị trường Hà Nội vào tháng 3. Đại diện Burger King Việt Nam, ông Nguyễn Gia Thành chia sẻ: “Kể từ khi lựa chọn một kênh đặt hàng thức ăn trực tuyến, số lượng đơn hàng của Burger King đã gia tăng trông thấy, những phản hồi tích cực từ phía khách hàng về một dịch vụ mới nhanh chóng, tiện lợi góp phần tối ưu hóa lợi ích mà khách hàng xứng đáng có được khi tìm đến thức ăn nhanh”. Trước Burger King, KFC đã từng ký hợp tác đặt hàng thức ăn trực tuyến vào tháng 2/2014, Jollibee vào tháng 4/2014, Pizza Hut vào tháng 5.
Gần đây nhất, một trong những thương hiệu đồ uống lớn nhất tại Đài Loan, Ding Tea, từng được đánh giá là cơn bão trà Đài Loan tại châu Á, vừa ký kết hợp tác độc quyền gia nhập dịch vụ đặt hàng thức ăn trực tuyến vào tháng 6. Mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam nhưng thương hiệu này đã nhanh chóng lan khắp Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và bắt đầu công kích thị trường miền Nam.
Bà Vũ Diệu Linh, đại diện thương hiệu Ding Tea Việt Nam chia sẻ: “Sự hợp tác với dịch vụ đặt hàng thức ăn trực tuyến khẳng định bước tiến và cam kết mới trong việc mang đến những món trà ngon cho khách hàng của chúng tôi thông qua kênh phân phối trực tuyến tiện lợi. Đây là một sự hợp tác chiến lược và mang lợi ích đến cộng đồng, đặc biệt là những người yêu trà”.
“Dòng thách thức” chưa bao giờ ngừng chảy
Ẩm thực trực tuyến thật sự trở thành sân chơi mới đầy tiềm năng phát triển cho các thương hiệu ẩm thực lớn. Cho đến khi mô hình ẩm thực trực tuyến thành công tại các nước phương Tây thì các nước châu Á, trong đó có Việt Nam mới bắt đầu chú ý đến mô hình này. Với hơn 90 triệu dân, các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn và thực phẩm trực tuyến tại Việt Nam chỉ tiếp cận được chưa tới 1% dân số. Bên cạnh những cơ hội, cuộc chơi này cũng khiến các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối mặt với những thách thức và sự đối đầu nảy lửa.
“Những trở ngại khiến người Việt Nam còn e dè khi sử dụng dịch vụ đặt hàng thức ăn trực tuyến bao gồm sự lo sợ về chất lượng thức ăn thực tế so với quảng cáo, giá cả thức ăn không thấp hơn so với mua trực tiếp, dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu, khách hàng lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ và cách thức đặt hàng thức ăn trực tuyến rắc rối khiến người sử dụng khó tiếp cận... Để thay đổi thói quen và suy nghĩ của người tiêu dùng Việt Nam, doanh nghiệp cần đưa ra giải pháp hoàn hảo cho những thách thức này”, Salvador Martinez nhận định.
Thực tế về hành vi tiêu dùng của người Việt Nam cũng được thể hiện trong báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2014 của Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA). Trong đó, những lý do hàng đầu khiến người tiêu dùng không mua sắm online là: không đủ thông tin (46%); khó kiểm định chất lượng hàng hóa (78%); không tin tưởng đơn vị bán (57%).
Khác với các ngành thương mại điện tử khác, ẩm thực trực tuyến có những đặc trưng riêng như phạm vi mua bán diễn ra trong khu vực nhỏ hơn, chất lượng giao hàng chiếm giữ vai trò quan trọng hơn khi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đồ ăn, thức uống. Sự phản hồi của khách hàng tới chất lượng dịch vụ cũng nhanh chóng hơn, khiến gia tăng áp lực giải quyết và chăm sóc khách hàng. Do đó, việc xây dựng một dịch vụ kinh doanh trực tuyến hoàn hảo với quy trình toàn diện là bài toán của nhiều doanh nghiệp.
Ông Salvador Martinez chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi có những quy trình khắt khe trong việc tuyển chọn nhà hàng trên hệ thống của mình. Trước khi liên hệ với nhà hàng, đội ngũ nhân viên sẽ nghiên cứu thu thập thông tin về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, sức khoẻ tài chính và uy tín của nhà hàng. Chúng tôi xem xét kỹ lưỡng mức độ phù hợp của đối tác với khách hàng của foodpanda cũng như tiềm năng cộng tác giữa hai bên. Đơn cử, chúng tôi sẽ xem qua các nhận xét về nhà hàng từ cộng đồng trực tuyến, năng lực kinh doanh của nhà hàng để chắc chắn rằng họ có thể xử lý một khối lượng lớn những đơn hàng mang lại từ foodpanda.
Mọi thứ cần được thực hiện để đảm bảo nhà hàng luôn được chuẩn bị sẵn sàng trước khi gia nhập thị trường trực tuyến. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát thu nhận ý kiến trực tiếp từ khách hàng cho một số đối tác. Đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng liên tục kiểm tra chất lượng dịch vụ và thức ăn để chắc chắn các nhà hàng tuân thủ đúng quy định và được khách hàng đón nhận”.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực trực tuyến cũng gặp phải vấn đề trong việc thay đổi thói quen tiếp cận với các hình thức thanh toán trực tuyến của khách hàng. Theo VECITA, phần lớn người Việt Nam vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt (64%), hình thức thanh toán qua ví điện tử (37%) và hình thức thanh toán qua ngân hàng (14%). Với hình thức thanh toán trực tuyến, công ty kinh doanh ẩm thực trực tuyến tránh được những rủi ro phát sinh khi khách hàng thanh toán tiền mặt.