Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ hội trị giá nghìn tỷ USD của Đông Nam Á

Công ty tư vấn hàng đầu thế giới, Bain & Co mới đây đã đưa ra dự đoán về những cơ hội mà các quốc gia Đông Nam Á có thể nắm bắt từ cuộc chiến thương mại đang leo thang.

Cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh buộc nhiều công ty toàn cầu suy nghĩ lại về công việc sản xuất và chế tạo mà họ đang thực hiện tại Trung Quốc. Theo đánh giá của Bain & Co, các quốc gia Đông Nam Á đang hưởng lợi thế khổng lồ từ thực trạng này.

Dong Nam A anh 1
Đông Nam Á hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? Ảnh: Nikkei. 

Thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng

Trả lời CNBC vào thứ Sáu vừa qua, Satish Shankar - đại diện Bain & Co tại Đông Nam Á, cho biết rằng khu vực này về ngắn hạn sẽ gặp những bất lợi nhất định. Đặc biệt khi chắc chắn một số mặt hàng xuất khẩu sẽ đi qua trung gian tại Trung Quốc rồi mới đến được Mỹ, tiêu biểu như ngành may mặc và điện tử.

“Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi cảm thấy khá tự tin rằng ASEAN có thể thay thế Trung Quốc để đóng vai một chuỗi cung ứng hấp dẫn dành cho các công ty”, ông cho biết thêm.

Bain & Co dự đoán khi các công ty xem xét chuyển chuỗi cung ứng của họ sang Đông Nam Á, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực sẽ áp dụng nhiều công nghệ hơn vào các hoạt động thường nhật. Điều này có tiềm năng tạo ra cơ hội trị giá một nghìn tỷ USD.

Dong Nam A anh 2
Ngành công nghiệp ôtô đang phát triển mạnh tại Thái Lan. Ảnh: Motor Trader.

Tháng bảy vừa qua, Mỹ đã đánh thuế quan lên một loạt sản phẩm Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh “trả đũa” lên các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, ngay cả khi trước đó Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng tố cáo chủ nghĩa bảo hộ.

Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao cuộc họp được mong đợi giữa hai nước, khi ông Tập gặp Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới để tìm ra lối đi nhằm giải quyết bế tắc như hiện nay.

Cho dù căng thẳng thương mại cuối cùng cũng được giảm nhiệt, các công ty vẫn sẽ cố gắng tìm cách chuyển một số chuỗi cung ứng của họ sang Đông Nam Á, theo nhận định từ Shankar.

“Có hai lý do. Đầu tiên, quá trình đã được tiến hành, và trải nghiệm mà các công ty ghi nhận được ở các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan đang tích cực. Thứ hai, đó như một phương pháp vận hành kinh doanh tốt để đảm bảo sự đa dạng nhằm tránh việc tập trung mọi rủi ro vào chuỗi cung ứng”, ông nói.

Ông còn giải thích rằng trong tương lai, các công ty sẽ chuyển sang sử dụng các “chuỗi cung ứng phân phối”, nơi họ sẽ có nhiều nguồn cung cấp cho một sản phẩm cụ thể.

Khối kinh tế lớn thứ năm toàn cầu

Triển vọng tăng trưởng và số liệu nhân khẩu học tại Đông Nam Á đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư đến rót tiền vào khu vực này.

Trong bản cập nhật mới nhất từ một nghiên cứu, nền kinh tế Internet tại đây được dự báo sẽ vượt ngưỡng 240 tỷ USD vào năm 2025. Thành quả trên có được nhờ vào kết nối web giá rẻ.

Dong Nam A anh 3
Việt Nam được đánh giá cao ở ngành công nghiệp dệt may. Ảnh: Nikkei. 

“Đây là khối kinh tế lớn thứ năm toàn cầu, có thể sánh ngang cùng Anh và Ấn Độ. Khu vực này đã tăng trưởng 4,5% - 5% mỗi năm và thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp từ nước ngoài”, Shankar nói thêm rằng sự hiện diện của những công ty trẻ, năng động làm cho ASEAN trở thành “cơ sở chuỗi cung ứng vô cùng hợp lý”.

Đại diện của Bain & Co chỉ ra mỗi quốc gia trong khu vực đều có những đặc thù riêng biệt. Ví dụ, Thái Lan mạnh về công nghiệp ôtô, nên có thể trở thành một nơi cung cấp các sản phẩm liên quan cho các công ty. Trong khi đó, Việt Nam vẫn duy trì “phong độ” ở các lĩnh vực như dệt may và linh kiện điện tử.

Các công ty cũng sẽ hưởng lợi từ “nhu cầu nội địa mạnh mẽ tại đây”, Shankar bổ sung.

Nghề nào sẽ chết dần ở Đông Nam Á trong 10 năm tới?

28 triệu việc làm toàn thời gian tại 6 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. 6,6 triệu người lao động có nguy cơ mất việc vì tự động hóa hoặc thiếu tay nghề.




Minh Đức

Theo CNBC

Bạn có thể quan tâm