Sự leo thang không thể tưởng tượng nổi của thị trường chuyển nhượng là một trong những vấn đề khiến các nhà quản lý bóng đá đau đầu. Nhiều buổi họp đã được tổ chức, quy tụ nhiều chuyên gia hiến kế để rút bớt hơi của “quả bong bóng chuyển nhượng”.
Tuy nhiên, các con số chỉ ra, bất chấp nỗ lực của UEFA (mà điểm nhấn lớn nhất là siết chặt Luật công bằng tài chính), số tiền mà 5 giải đấu hàng đầu châu Âu đổ vào các phiên chợ vẫn không ngừng tăng lên.
Vụ Neymar sang PSG là đỉnh điểm của sự mất kiểm soát của thị trường chuyển nhượng. Ảnh: AFP. |
Màn leo thang phi mã
Chúng ta sẽ đi sâu vào các con số để hình dung được sự leo thang. Theo thống kê của Forbes, trong 5 mùa bóng gần đây, 5 giải đấu gồm Premier League, Serie A, La Liga, Bundesliga và Ligue 1 đã chi tổng cộng 21,8 tỷ bảng cho hoạt động chuyển nhượng. Đây là con số khổng lồ.
Mùa bóng 2015/16, 5 giải đấu lớn kể trên lập kỷ lục khi ném tới 3,1 tỷ bảng vào 2 phiên chợ đông và hè. Chỉ 1 năm sau, con số này tăng lên thành 3,7 tỷ bảng. Đến mùa 2017/18 tiếp tục tăng lên thành 4,8 tỷ bảng. Mùa hiện tại 2019/20, 5 ông lớn châu Âu đã chung tay tạo nên con số 5,6 tỷ bảng.
Mỗi năm trôi qua, số tiền 5 ông lớn châu Âu đổ vào thị trường chuyển nhượng lại tăng lên, bất chấp nỗ lực kiểm soát của UEFA. Sự phình to của quả bong bóng chuyển nhượng làm bùng lên nhiều lo ngại về sự lũng đoạn của nhiều đội bóng lớn, nhiều tay cò có máu mặt.
Đơn cử như vụ PSG mua Neymar với mức giá trên 200 triệu bảng là cột mốc làm náo loạn thị trường. Kế đó, thương vụ Paul Pogba gia nhập Man United tuy không đi kèm với mức giá quá điên rồ, nhưng sự kiện đại diện của Pogba ăn phí hoa hồng lên tới 41 triệu bảng cho thấy dấu hiệu của sự thao túng của các cò chuyển nhượng.
Những người có niềm tin vào việc thị trường sẽ tự điều tiết để trở lại cân bằng đều đã phải thất vọng.
Sự kiện người đại diện Mino Raiola bỏ túi tới 41 triệu bảng tiền hoa hồng cho thấy dấu hiệu thị trường bị lũng đoạn. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch Covid-19 khiến làng bóng đá phải đồng loạt trì hoãn vô tình lại mở ra một con đường để thị trường chuyển nhượng giảm nhiệt, tạo tiền đề để các chuyên gia đưa nó trở lại với sự cân bằng. Đây là nhận định của nhà sáng lập trang Transfermarkt, ông Matthias Seidel.
Ông Matthias Seidel phân tích, việc cả làng túc cầu phải ngừng hoạt động sẽ tác động cực lớn tới doanh thu cuối năm của các đội bóng. Ngay cả những đội bóng giàu có như Man United hay Real Madrid cũng sẽ phải chứng kiến năm tài khóa thê thảm, với doanh thu có thể giảm 20-30%.
Liệu thị trường có khủng hoảng?
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn tác động tới các phiên chợ là sự giảm giá chóng mặt về giá trị của các cầu thủ, các đội bóng. Ông Matthias Seidel đưa ra thống kê: Chỉ sau 1 tháng bóng đá không lăn, giá trị đội hình của 20 câu lạc bộ Premier League đã giảm tới 1,6 tỷ bảng.
Sự giảm giá trị này là hậu quả của việc giá trị của từng cầu thủ lớn cũng đã giảm xuống. Lấy ví dụ tiền đạo Harry Kane của Tottenham - cầu thủ đang được nhiều ông lớn quan tâm. Trước giai đoạn dịch bệnh, giá thị trường của Kane là 135 triệu bảng. Tuy nhiên, giá trị của anh hiện tại chỉ là 108 triệu bảng, giảm 27 triệu bảng chỉ sau 1 tháng và sẽ còn tiếp tục giảm thêm.
Raheem Sterling là cầu thủ có giá trị cao nhất Premier League. Anh được Transfermarkt định giá 150 triệu bảng. Song hiện tại, giá trị của Sterling đã giảm 30 triệu bảng.
Giá trị của Sterling giảm 30 triệu bảng chỉ sau 1 tháng bóng đá ngừng thi đấu. Ảnh: Theathletic. |
Dựa vào các con số này, kênh BBC Sport đã tiến hành khảo sát hơn 300 người làm trong lĩnh vực bóng đá. Và kết quả là 70% số người được hỏi cho rằng thị trường chuyển nhượng sẽ gặp khủng hoảng tài chính. Các kế hoạch sẽ phải thay đổi, nhiều cầu thủ được ngắm trước khi dịch bệnh bùng phát có thể sẽ không được nhắm tới nữa.
Do giảm doanh thu, ngân quỹ cho hoạt động chuyển nhượng của nhiều đội bóng cũng sẽ giảm xuống và nhiều khả năng, phiên chợ hè sắp tới sẽ không có bom tấn. Hơn thế nữa, do lịch thi đấu bị lùi lại nên nhiều khả năng là các giải đấu vẫn sẽ diễn ra trong thời gian mua sắm cầu thủ. Điều đó sẽ càng cản trở việc mua sắm.
Như vậy, sau nhiều năm bất lực chứng kiến sự leo thang của thị trường chuyển nhượng, rốt cuộc các nhà quản lý bóng đá cũng đang nắm trong tay cơ hội điều tiết nó. Liệu mùa bóng 2020/21 có đánh dấu cột mốc lần đầu tiên sau 6 năm, số tiền ném vào hoạt động mua sắm của 5 giải đấu lớn ở châu Âu giảm so với năm trước đó hay không?